Cụ thể, theo báo cáo của Bộ TT&TT, doanh thu giao dịch trực tuyến qua ứng dụng di động (in-app purchase) của thiết bị iOS cao gấp 1,5 lần Android. Doanh thu tổng trên hai nền tảng đạt hơn 100 triệu USD, tức trung bình 20 triệu USD mỗi tháng.
Báo cáo cũng cho thấy tổng số lượt tải ứng dụng từ Việt Nam đạt 1,41 tỷ, trong đó số lượt tải từ Android chiếm 75%. Thị trường Việt chiếm 2,2% số lượt tải ứng dụng toàn cầu, giảm nhẹ so với mức 3,4% cùng kỳ 2022, nhưng cao hơn 2021.
Bộ không công bố doanh thu của các giai đoạn trước đó. Thống kê doanh thu cũng chỉ tính đến giao dịch in-app purchase, tức người dùng mua mua sắm sản phẩm, dịch vụ hoặc tính năng trong ứng dụng.
Trong khi đó, nhiều ứng dụng còn yêu cầu phải trả tiền trước khi tải về, hoặc mua bán vật phẩm qua cửa hàng bên thứ ba. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Statista, doanh thu lĩnh vực ứng dụng di động tại Việt Nam có thể đạt 865 triệu USD năm 2022 và tăng lên 982 triệu USD vào 2023.
Đa số lượt tải và chi tiêu qua app là từ game. Theo công ty phân tích Adjust, phần lớn người dưới 24 tuổi tại Việt Nam dành trung bình 2-3 tiếng một ngày để chơi game. "Họ sẵn lòng nạp số tiền lớn để mua vật phẩm trong trò chơi và nội dung tính phí. Yếu tố này khiến Việt Nam trở thành miền đất hứa cho các nhà phát triển và phát hành game", theo Adjust.
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh phần lớn ứng dụng được người Việt sử dụng là từ nước ngoài. Chỉ 22% lượt sử dụng là từ ứng dụng có đăng ký trụ sở trong nước. Các nhà phát triển Việt hiện có 60 ứng dụng và nền tảng di động đạt trên một triệu người dùng hàng tháng, trong đó có hai nền tảng dịch vụ công là VNeID với khoảng 8,5 triệu người dùng và VssID với 7,5 triệu người dùng hàng tháng.
Bộ đánh giá xu hướng tiêu dùng dịch vụ số của người dân tập trung chủ yếu ở hai nhóm là thanh toán số và giải trí. Trong 60 ứng dụng nói trên, có 14 nền tảng phục vụ thanh toán số, 14 nền tảng phục vụ giải trí, cùng chiếm 23,33%. Ngoài ra có 7 nền tảng mua sắm. Nhóm giáo dục, tin tức, trò chơi điện tử có ba nền tảng. Tuy nhiên, các nền tảng số Việt Nam phục vụ nhu cầu thiết yếu như giáo dục, học tập, chăm sóc sức khỏe chưa được thúc đẩy mạnh và chưa có nền tảng số Make in Vietnam thống lĩnh thị trường này.