Tại sự kiện tại Hà Nội sáng 6/6, ông Hoàng Ngọc Thức, Giám đốc kỹ thuật (CTO) của Nokia Việt Nam, đã nhận định mạng 5G được thử nghiệm ở Việt Nam khá sớm, từ năm 2020. Thị trường trong nước cũng sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để thương mại hóa 5G, như tỷ lệ 80% dân số sở hữu smartphone, trong đó trên 30% smartphone hỗ trợ 5G.
Tuy nhiên, điểm khiến các nhà mạng cân nhắc triển khai 5G là khả năng chi trả của người dùng (ARPU) tương đối thấp, chỉ khoảng 3 USD/tháng/thuê bao. Đây được coi là rào cảnh lớn khiến nhà mạng ngần ngại đấu giá băng tần để triển khai hạ tầng mạng 5G.
Chia sẻ bên lề một sự kiện, lãnh đạo một nhà mạng lớn tại Việt Nam cũng chia sẻ cùng khó khăn. Vị này cho rằng với mức chi tiêu trung bình hiện tại của một thuê bao viễn thông, nhà mạng sẽ rất khó tính đến bài toán lợi nhuận nếu đấu giá băng tần 4G, 5G và triển khai thương mại hóa 5G.
Theo Vietnamnet, hiện đã hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá băng tần 4G, 5G, nhưng không có nhà mạng nào nộp hồ sơ và nộp tiền đặt trước đăng ký tham gia đấu giá.
Cụ thể, trong các ngày 15/5, 25/5 và 2/6, Bộ đã tổ chức đấu giá băng tần 2.300 MHz, gồm 3 khối băng tần A1 (2.300-2.330 MHz), A2 (2.330-2.360 MHz), A3 (2.360-2.390 MHz).
Tuy nhiên, đến hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá của từng khối, không có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ và nộp tiền đặt trước đăng ký tham gia đấu giá. Vì vậy, các cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số đối với các khối băng tần A1, A2, A3 là đấu giá không thành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.