Thanh Hóa là địa phương được biết đến với nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh đẹp với bãi biển Sầm Sơn, hay Pù Luông, Bến En, Suối cá thần Cẩm Thủy... đặc biệt ẩm thực là một trong những điểm thu hút và hấp dẫn du khách.
Thanh Hóa có nhiều món ăn đặc sản, trong đó gỏi cá nhệch là một trong món đặc sản được nhiều du khách các tỉnh, thành phố ấn tượng. Gỏi cá thực ra là món ăn không còn xa lạ mà ở những địa phương như Ninh Bình, Nam Định, đặc biệt vùng miền biển trở thành món ăn phổ biến. Tuy nhiên mỗi vùng gỏi cá lại được làm là loại cá đặc trưng của vùng đó và điệu đặc biệt hơn nữa đó chính là nước chấm gỏi cá.
Ở Thanh Hóa, gỏi cá nhệch được biết đến là món ẩm thực nổi tiếng mang đậm hương vị riêng đặc trưng, đặc biệt là nước chấm được gọi là chẻo chệch.
Gỏi cá nhệch hay còn gọi là gỏi cá nhệch là một món ăn ngon có nguồn gốc ở Nga Sơn, tuy nhiên theo thời gian món gỏi cá nhệch này đã trở nên nổi tiếng khắp tỉnh Thanh Hóa và được nhiều vùng ở Thanh Hóa làm.
Cá nhệch - một loại cá da trơn có vị rất ngọt và gây nghiện. Loài cá này rất khỏe và khó bắt, càng làm cho món gỏi này trở nên đáng quý. Không chỉ ở công đoạn đánh bắt, khâu chế biến loài cá này còn kỳ công hơn nữa.
Người đầu bếp phải dùng tro hoặc nước vôi loãng mới rửa được nhớt bên ngoài lớp da trơn. Sau đó, họ cẩn thận dùng khăn ấm để lột da rồi mới đến công đoạn làm sạch ruột, rút xương và thái gỏi.
Cá sau khi làm sạch sẽ được bóp với chanh hoặc hỗn hợp gừng - sả xay nhuyễn để giữ được độ tươi ngon. Trước đây, thính được xay từ gạo rang vàng sẽ được trộn trực tiếp với cá nhưng hiện tại, thính được để riêng, người ăn có thể thêm tùy theo sở thích lúc cuốn gỏi.
Phần xương cá được đem đi giã nhuyễn, sau đó trộn với thịt ba chỉ, mẻ chua, trứng gà cùng các loại gia vị khác để nấu. Phần nước này được gọi là chẻo, được dùng trong lúc ăn gỏi.
Gỏi nhệch thường được ăn kèm với nhiều loại rau như lá sung, đinh lăng, cúc tần, lá mơ, rau húng, tía tô, rau ngổ.
Bánh khoái Thanh Hóa cũng là một trong những đặc sản nổi tiếng của địa phương này. Tuy là món bánh đơn giản, nhưng để làm được hương vị chuẩn xứ Thanh không dễ.
Hình dạng bên ngoài của bánh khoái Thanh Hóa khá giống với bánh xèo, tuy nhiên, món ăn này lại có một hương vị rất khác.
Nguyên liệu làm nên món bánh này cũng rất dân dã, hoàn toàn là những nguyên liệu tại các vùng nông thôn như tép đồng, rau, bởi vậy, món bánh này không chỉ là đặc sản Thanh Hóa, nó còn mang hương vị của quê hương khiến mọi người ăn một lần nhớ mãi.
Nước chấm món bánh khoái tép này cũng rất phổ biến và dân dẽ, đó là nước mắm ngon thêm chút chua của quất, cay của tiêu của ớt.
Nhắc đến đặc sản Thanh Hoá phải nhắc đến chả tôm. Chả tôm nướng lên có màu vàng ruộm, hơi xém, được quét lên một lớp mỡ óng ánh bắt mắt. Chả phải ăn ngay khi nóng mới hấp dẫn, cắn miếng chả giòn rụm, tôm thịt ngọt tươi, cùng nước chấm chua cay thì không gì sánh bằng.
Để làm được chả tôm ngoài nguyên liệu là tôm tươi thì còn cần nguyên liệu là thịt ba chỉ, bánh phở và chút gấc để món ăn có màu sắc đẹp hơn. Bánh phở chọn càng dày và dai thì lúc cuốn sẽ càng dễ dàng, không bị rách.
Ngoài ra, chả tôm cũng cần thêm một bát cơm chín nấu nhão nhằm tạo độ kết dính cho chả tôm. Cuối cùng là rau sống, đu đủ, cà rốt và các loại gia vị khác.
Chả tôm chuẩn vị phải được nướng trên bếp than nên thơm mùi khói, chín vàng đều và giòn rụm. Lớp vỏ chả tôm hơi cháy sém, bóng dầu, ăn kèm rau sống cùng nước mắm chua ngọt khi còn nóng hổi càng làm tăng hương vị món ăn.
Bánh cuốn ở đây không bị bở mà còn mềm dai. Nhân bánh được chế biến từ thịt nạc vai, tôm tươi, hành và mộc nhĩ. Nước mắm được làm từ loại nước mắm ngon, pha theo công thức riêng. Phần hành khô rắc được chiên vàng ruộm, không bị mềm. Kết hợp tạo nên dư vị bánh cuốn xứ Thanh vẫn rất riêng biệt, không thể trộn lẫn.
Bánh răng bừa Thanh Hóa cũng gần giống với bánh tẻ ở Ba Vì (Hà Nội), cũng được làm từ gạo tẻ, nhân thịt lợn thái nhỏ mộc nhĩ và hành củ phi mỡ. Cái tên bánh răng bừa theo người dân địa phương Thanh Hóa, vì bánh hình dáng giống cái răng bừa. Bánh răng bừa được làm từ bột tẻ, thịt ba chỉ, mộc nhĩ và một số gia vị khác vừa đủ để tạo hương vị riêng, được cuốn với lá chuối tươi. Bánh sẽ được hấp để giữ nguyên mùi thơm đặc trưng, chấm với nước mắm rắc hạt tiêu xay với chanh, tỏi, ớt hoặc chấm với tương ớt đều rất ngon.
Ẩm thực Thanh Hóa: Cháo canh
Cháo canh Thanh Hóa mang hương vị điển hình của hồn quê xứ Thanh, khiến những người xa quê nhớ nhung. Cháo canh hay còn gọi là bánh canh ở đây được chế biến từ sợi bánh làm từ bột gạo tươi, nước hầm xương ống cùng tôm khô hoặc tôm tươi bóc nõn, và rắc chút rau mùi, hạt tiêu và ớt bột lên trên là có thể thưởng thức. Cháo canh Thanh Hóa ăn vào những ngày mưa, trời se se lạnh, vừa ăn vừa thổi là ngon nhất.