Trong phần luận tội của phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu ngày 17/7, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm, dù bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng điều tra không nhận tội, nhưng đại diện Viện kiểm sát cho rằng đủ căn cứ xác định anh ta nhận 800 nghìn USD dù đã chuyển công tác, không còn khả năng "chạy án". Bị cáo Hưng cần bị điều tra thêm hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp.
Phía công tố cho rằng, bị cáo Hoàng Văn Hưng khi là điều tra viên chính vụ án, đã nhiều lần gặp bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng tại nhà Nguyễn Anh Tuấn, khi đó là Thiếu tướng, Phó giám đốc Công an Hà Nội.
Khi được Hằng nhờ giúp cô ta và bị cáo Lê Hồng Sơn không bị xử lý hình sự, bị cáo Hưng hướng dẫn Hằng thống nhất nội dung khai báo theo hướng Hằng được hưởng khoan hồng còn Sơn không bị.
Việc bị cáo Hưng trao đổi tạo sự tin tưởng nên giai đoạn này, Hằng và Sơn đưa cho ông Tuấn 1,2 triệu USD nhưng cơ quan tố tụng chưa đủ căn cứ xác định.
Bị cáo Hưng cũng thừa nhận tiết lộ thông tin là điều tra viên chính, hành vi này có dấu hiệu của tội xâm phạm hoạt động tư pháp nên cần điều tra, xử lý trong giai đoạn sau.
Nói về hành vi bị cáo Hoàng Văn Hưng bị đề nghị điều tra thêm, luật gia Nguyễn Thị Quỳnh Thơ (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, hoạt động tư pháp là những hoạt động xác minh, điều tra, truy tố, xét xử và hoạt động thi hành án của các cơ quan tư pháp (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, cơ quan thi hành án) và một số cơ quan tổ chức có chức năng, nhiệm vụ bổ trợ tư pháp.
Hoạt động tư pháp còn là hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án do các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án thực hiện trong khuôn khổ pháp luật tố tụng quy định nhằm bảo vệ các quyền lợi của Nhà nước, của các tổ chức xã hội và của công dân.
Theo quy định tại Điều 367 Bộ luật hình sự 2015, xâm phạm hoạt động tư pháp là những hành vi xâm phạm sự đúng đắn của hoạt động tố tụng và thi hành án.
Do đó, xâm phạm hoạt động tư pháp không chỉ xâm phạm đến tính đúng đắn, uy tín, chất lượng, hiệu quả của hoạt động tư pháp, mà còn xâm phạm đến quyền lợi, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Nhóm tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp được quy định tại Chương XXIV Bộ luật hình sự 2015, bao gồm 24 tội danh (từ Điều 368 đến Điều 391), phân loại thành 3 nhóm tội phạm.
Theo bà Thơ, khách thể của các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là các quan hệ xã hội phát sinh trong hoạt động tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử) và hoạt động thi hành án được luật hình sự bảo vệ.
Các tội phạm này không chỉ xâm phạm đến tính đúng đắn, uy tín, chất lượng, hiệu quả của hoạt động tư pháp, mà còn xâm phạm đến quyền lợi, uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, hoạt động tư pháp còn bao gồm các hoạt động bổ trợ tư pháp, hỗ trợ tư pháp có liên quan trực tiếp và là căn cứ quan trọng để cơ quan tư pháp xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Do vậy, các hoạt động bổ trợ tư pháp, hỗ trợ tư pháp cũng là khách thể của tội xâm phạm hoạt động tư pháp.
Trong khi đó, chủ thể của các tội xâm phạm hoạt động tư pháp phần lớn là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan tư pháp hoặc trong cơ quan Nhà nước khác hoặc tổ chức, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và những người khác có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
Ngoài ra, vị luật gia cho biết, luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền điều tra các tội phạm xảy ra trong lĩnh vực hoạt động tư pháp.
Tội phạm xảy ra trong lĩnh vực hoạt động tư pháp cụ thể là các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc cơ quan điều tra, tòa án, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
Mức hình phạt cao nhất đối với nhóm tội này là bị phạt tù đến 20 năm hoặc tù chung thân, được áp dụng với tội "Dùng nhục hình" quy định tại Điều 373 và tội "Bức cung" quy định tại 374 Bộ luật hình sự 2015.
Còn đối với một số tội danh còn lại, mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng là phạt tù đến 15 năm tù đối với một số tội như "Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội" quy định tại Điều 368, tội "Ra bản án trái pháp luật" quy định tại Điều 370 và tội "Làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc" quy định tại Điều 375 Bộ luật hình sự 2015.