161 chuyến bay/ngày đến Đà Nẵng
Những ngày cuối tuần trong tháng 6, thời gian diễn ra Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFF 2023, Sân bay quốc tế Đà Nẵng thường xuyên đông nghẹt du khách đến và đi. Số lượng chuyến bay đến thành phố có giai đoạn lên đến 150 chuyến/ngày (gấp 1,5 lần thường nhật). Dịp chung kết DIFF 2023, ngày cao điểm có tới 161 chuyến bay đến Đà Nẵng.
Trong những đêm diễn ra Lễ hội pháo hoa, thành phố "tất bật" chẳng khác nào thời điểm trước Covid-19. Lượng khách tăng, kéo theo những ngày hè "bội thu" cho ngành dịch vụ. Các khách sạn, quán ăn trong thành phố thường xuyên hoạt động gần như hết công suất. Những tuyến đường trung tâm đông tắc. Bãi tắm Mỹ Khê, Nguyễn Tất Thành… ken kín du khách mỗi chiều…
6 tháng đầu năm, tổng lượt khách du lịch do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 3,5 triệu lượt, tăng 116,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 930.000 lượt, tăng 11,3 lần so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt 2,578 triệu lượt, tăng 67,7% so với cùng kỳ năm 2022. Chỉ riêng trong thời gian tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, lượng khách lưu trú ước đạt khoảng hơn 942.000 lượt, tăng 29% so với dịp lễ hội pháo hoa năm 2019 - thời điểm du lịch Đà Nẵng đang đạt đỉnh cao.
Kết quả, doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm của Đà Nẵng vô cùng khả quan với 10.618 tỷ đồng, tiếp tục lọt top 10 điểm đến hàng đầu Việt Nam về doanh thu du lịch. Đà Nẵng đang dần tìm lại được ánh hào quang và tái khẳng định thương hiệu thành phố đáng đến hàng đầu Việt Nam.
Hệ sinh thái du lịch đẳng cấp là chìa khóa thành công
Lễ hội pháo hoa quốc tế không phải là "căn nguyên" duy nhất cho sự sôi động trở lại của Đà Nẵng năm nay. Hàng loạt sự kiện, triển lãm, lễ hội đã và đang được thành phố tổ chức, từ Liên hoan phim châu Á, chuỗi lễ hội Ba Na WOW Summer, đại nhạc hội Danang Electronic Carnival tại Công viên Biển Đông; không gian check-in tại triển lãm ảnh WOW Đà Nẵng dưới chân cầu Rồng…, làm nên sức hút độc đáo cho thành phố sông Hàn.
Cùng với đó, suốt hơn 15 năm qua, Đà Nẵng đã không ngừng bổ sung vào hệ sinh thái những sản phẩm du lịch của mình những "đặc sản" thậm chí đã nổi tiếng khắp thế giới trên cả lĩnh vực vui chơi – giải trí lẫn du lịch nghỉ dưỡng. Đó là Cầu Vàng – "gương mặt thương hiệu" của du lịch Đà Nẵng, là khu du lịch Sun World Ba Na Hills, là khu nghỉ dưỡng đẳng cấp InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Công viên châu Á - Asia Park…
Chính hệ sinh thái này đã giúp thành phố từng bước khẳng định vị thế điểm đến giàu trải nghiệm bậc nhất miền Trung, và đem lại doanh thu du lịch luôn nằm trong tốp đầu cả nước - điều mà không ai dám mơ ước 15 năm trước, khi Đà Nẵng chỉ là trạm trung chuyển với nghèo nàn trải nghiệm.
Nhờ đa dạng sản phẩm, gia tăng sự kiện và trải nghiệm, thời gian lưu trú và mức chi tiêu của du khách khi đến Đà Nẵng cũng gia tăng đáng kể trong những năm qua. Nếu như năm 2007, số ngày lưu trú của khách chỉ dừng ở con số 1,67 ngày đối với khách quốc tế, 1,62 ngày với khách nội địa. Chi tiêu bình quân là 470.000 đồng một khách nội địa một ngày, khách quốc tế là 50 USD một người một ngày. Thì đến năm 2019, khách quốc tế lưu trú tại Đà Nẵng bình quân là 3,6 đêm; khách nội địa là 3 đêm; chi tiêu bình quân chung của 1 lượt khách quốc tế tại Đà Nẵng là trên 5,32 triệu đồng, khách nội địa là 2,75 triệu đồng.
Những sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ cũng đã góp phần giúp ngành du lịch thành phố không ngừng thăng hạng. Theo thống kê, từ năm 2009 đến 2018, lượng khách tới Đà Nẵng tăng 463 lần. Năm 2019 đánh dấu sự phát triển vượt bậc của du lịch Đà Nẵng, thể hiện qua con số 8,6 triệu lượt du khách, trong đó, khách quốc tế ước đạt 3,5 triệu lượt, mang về tổng thu ước đạt 30.973 tỷ đồng. Thành phố cũng phấn đấu đến năm 2030 sẽ đón từ 13-14 triệu lượt khách.
Ông Tán Văn Vương, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho rằng việc đưa vào nhiều sản phẩm, dịch vụ mới và tổ chức các sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế đã giúp du lịch thành phố phục hồi và phát triển mạnh mẽ.
"Các doanh nghiệp lớn như Sun Group đã đưa ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, tạo nên hệ sinh thái các sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao. Đặc biệt, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 là một sự kiện thương hiệu của thành phố, đã quảng bá và thu hút rất đông du khách. Lễ hội này chính là cú hích lan tỏa và thúc đẩy du lịch thành phố tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới", ông Vương nói.
Với tâm huyết của thành phố cũng như các doanh nghiệp tư nhân trong đầu tư để gia tăng sản phẩm, trải nghiệm du lịch, nhiều chuyên gia dự báo, Đà Nẵng sẽ sớm tái xuất trên các bảng xếp hạng điểm đến "bận rộn" và được yêu thích nhất của khu vực và trên thế giới.