Dân Việt

Cựu cán bộ Đại sứ quán: Với người mãn hạn tù, nếu muốn thì không cần dịch bệnh cũng lợi dụng được

Bách Thuận - Gia Bình 19/07/2023 12:07 GMT+7
Tự bào chữa trước tòa, cựu Bí thư thứ Hai phụ trách văn hóa, báo chí, cộng đồng, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Nguyễn Hoàng Linh đề nghị HĐXX xem xét tình tiết tăng nặng là lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.

Nếu muốn lợi dụng người mãn hạn tù thì không cần phải dịch bệnh

Sáng nay (19/7), tự bào chữa trước tòa, cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia Nguyễn Hoàng Linh (không thuê luật sư bào chữa) bày tỏ, bị cáo này muốn HĐXX có cái nhìn toàn diện, khách quan về động cơ, mục đích của cá nhân và sứ quán trong vụ án.

Cơ quan truy tố cáo buộc, trong quá trình tổ chức 8 chuyến bay "giải cứu" đưa người mãn hạn tù ở Maláyia về nước, Nguyễn Hoàng Linh và 2 người khác đã thu tiền trái quy định của pháp luật, cao hơn chi phí thực tế từ những người mãn hạn tù để chi và hưởng lợi bất chính, gây thiệt hại số tiền 10,4 tỷ đồng. Linh nhận 480 triệu đồng, quá trình điều tra đã nộp lại toàn bộ để khắc phục hậu quả.

Tại tòa hôm nay, bị cáo Linh đề nghị HĐXX xem xét khi quy kết tình tiết tăng nặng là lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.

Bị cáo Linh trình bày, thực ra với người mãn hạn tù, không cần dịch bệnh họ muốn lợi dụng  thì có thể lợi dụng ngay trong bối cảnh bình thường bởi người mãn hạn tù là người bị ở trong trại, rất quẫn bách, không thể liên hệ với người thân.

"Chỉ cần chúng tôi vào và có mục đích thu tiền thì chúng tôi sẽ làm qua môi giới.

Clip: Bị cáo Nguyễn Hoàng Linh nói với người mãn hạn tù, không cần phải dịch bệnh mới lợi dụng được.

Chúng tôi không cần phải hàng ngày phải đi hàng trăm km xuống trại, gặp gỡ người ta, phỏng vấn người ta bởi vì ở các trại đã có sẵn môi giới rồi.

Cựu cán bộ Đại sứ quán: Với người mãn hạn tù, nếu muốn thì không cần dịch bệnh cũng lợi dụng được - Ảnh 1.

Tự bào chữa, Nguyễn Hoàng Linh cho rằng nếu muốn lợi dụng người mãn hạn tù, không cần dịch bệnh họ cũng có thể làm được. Ảnh: Bách Thuận

Môi giới họ trực tiếp liên hệ để thỏa thuận, mặc cả với chúng tôi, sứ quán không phải đi đâu hết, không cần phải làm gì, chỉ cần tạo điều kiện cho chúng tôi có danh sách những người trong trại, người về và gia đình của họ, đại sứ quán chỉ cần ngồi một chỗ và nhận tiền chênh lệch, trong khi đó không ảnh hưởng gì đến pháp luật, không cần phải vất vả. Nếu muốn lợi dụng thì chúng tôi sẽ sử dụng môi giới để giải quyết vấn đề này" – cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia nói.

Theo bị cáo Nguyễn Hoàng Linh, với phương châm hỗ trợ người dân tối đa nên trực tiếp xuống làm để có được mức chi phí thấp nhất cho người dân, không thể để các đối tượng môi giới lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để tăng chi phí.

"Nếu chỉ lợi dụng, vụ lợi thì chúng tôi sử dụng môi giới chứ không cần phải xuống trại, phỏng vấn những người không biết chữ, rất nhiều khó khăn. Để hình dung ra, chuyến đầu tiên chúng tôi có 4 người xuống phỏng vấn 600 người, hầu hết là ngư dân, họ không biết chữ, họ không nhớ nhà, họ không nhớ hoàn cảnh, tên thì toàn tên giả, chúng tôi phải lấy thông tin cực kỳ chi tiết của họ để gửi về từng địa phương, mô tả như vậy để có người nhà nào nhận ra người thân của họ không. Công việc xác minh của chúng tôi nếu không tận tâm, chỉ cần 1 công văn gửi về A08 thì khả năng khó có thể xác minh những người như vậy" – Nguyễn Hoàng Linh khai.

Tiếp tục trình bày, Linh nói nếu thực sự ban đầu có mục đích trục lợi thì sứ qáun đã không sử dụng tài khoản cá nhân cũng như không công khai tài khoản cá nhân lên trên mạng, thậm chí mạng của đại sứ quán để thông báo người dân biết nhằm tránh lừa đảo.

Theo bị cáo Linh, thời điểm quá trình xảy ra dịch Covid-19 năm 2020, lúc đó mọi người ở sứ quán sang đều có gia đình, riêng Linh đi một mình, tuy nhiên không phải vì những nguy hiểm mà bị cáo thấy chùn bước.

Bị cáo nói cảm thấy cũng có thể là một0 lợi thế của mình, tức là không có vợ con, gia đình sang cùng thì có nhiều thời gian để hỗ trợ cho bà con. Tất cả là vì công vụ, trách nhiệm của cán bộ Đại sứ quán cũng như bản thân bị cáo Linh.

"Còn cách nào khác hay hơn thì xin chỉ cho chúng tôi"

Bào chữa trước quy kết đề xuất thu phí không đúng quy định, cơ sở nào của việc thu tiền thông qua các dịch vụ chuyển tiền, tài khoản cá nhân, Nguyễn Hoàng Linh cho rằng dùng từ lợi dụng chưa hợp lý.

"Nếu lợi dụng thì sẽ có nghĩa là có cách làm tốt hơn mà chúng tôi không làm, chúng tôi chọn một cách làm gây thiệt hại cho người dân. Nhưng mà ở đây, tại thời điểm dịch bệnh khi mà không ai di chuyển được thì chúng tôi buộc chọn ra giải pháp này.

Để người mãn hạn tù được về, người thân, gia đình của họ về nguyên tắc phải đến Cục Lãnh sự, hoặc Sở Ngoại vụ của TP.HCM để đóng tiền vào quỹ bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự.

Tuy nhiên ở đây chủ yếu là ngư dân, trình độ hạn hẹp của họ, thời điểm đó thì cách ly, cấm đi lại, làm sao những người như ở Phú Quốc, Kiên Giang, Cà Mau có thể đi đóng tiền để lo cho người thân về nước.

Tiếp theo tại các Sở Ngoại vụ địa phương người ta không nhận tiền đóng qua bộ phận lãnh sự, yêu cầu 1 đi ra Hà Nội, 2 đi ra Sở Nội vụ TP.HCM thì mới có thể đóng đc khoản tiền này" – Nguyễn Hoàng Linh bào chữa.

Cựu cán bộ Đại sứ quán: Với người mãn hạn tù, nếu muốn thì không cần dịch bệnh cũng lợi dụng được - Ảnh 2.

Theo bị cáo Nguyễn Hoàng Linh, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia sử dụng tài khoản cá nhân vì rất trong sáng, mục đích rất trong sáng. Trong ảnh là bị cáo Trần Việt Thái - cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia bị cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trọng khi thi hành công vụ. Ảnh: BĐT

Cũng theo bị cáo Linh, thủ tục đóng tiền qua quỹ bảo hộ công dân có rất nhiều bất cập. Trong khi chuyến bay chủ yếu chỉ được thông báo trước 4 - 5 ngày, dài là 1 tuần, trong khi Malaysia thông báo để chuẩn bị cho người mãn hạn tù thì Đại sứ quán phải thông báo ít nhất là 2 tuần thì họ mới chuẩn bị được.

Về mức thu tiền 20,3 triệu đồng/người mãn hạn tù, cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cho biết, mức thu này đã được tính toán rất nhiều yếu tố, trong đó để dự phòng. Nếu không có dự phòng, nếu thiếu thì không thể bố trí cho công việc suôn sẻ, thuận lợi.

Về lý do tại sao sử dụng tài khoản cá nhân mà không gửi qua tài khoản Đại sứ quán, bị cáo Nguyễn Hoàng Linh trình bày, tại thời điểm đó, Đại sứ quán phải chi phí, xử lý rất nhiều khoản tiền (nhận tiền việt từ chủ ghe, chủ tàu; nhận tiền mã từ các chủ lao động Malaysia để lao động của họ được về nước).

Lúc đó cách ly, cấm đi lại, nếu chuyển Ringgit vào tài khoản ngân hàng thì không thể rút ra được (phải đến tận nơi, làm các thủ tục, giải trình rất phức tạp), đấy là 1 trong các lý do sử dụng tài khoản cá nhân để kịp thời xử lý những việc chuyển tiền, chuyển khoản.

"Nhiều người nói với chúng tôi là sao Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia ngây thơ thế, tại sao lại sử dụng tài khoản cá nhân. Vì vấn đề là chúng tôi rất trong sáng, mục đích của chúng tôi rất trong sáng.

Chúng tôi không sử dụng tài khoản cá nhân vào mục đích vụ lợi mà chỉ nhằm tạo điều kiện cho bà con có cách tốt nhất, nhanh nhất và có thể đáp ứng được yêu cầu của chuyến bay trong thời điểm bấy giờ. Còn nếu có cách nào khác hay hơn thì xin chỉ cho chúng tôi, chúng tôi xin nhận trách nhiệm về việc này" – Nguyễn Hoàng Linh nói trước tòa.

Đối với chi phí còn lại trong sứ quán, theo bị cáo Linh, số tiền được Đại sứ chỉ đạo sử dụng trong các vấn đề phát sinh. Theo đó, có nhiều vấn đề phát sinh như có ng 20,3 triệu không đủ, vì họ ta phải test Covid-19 2 đến 3 lần (khoảng 3 triệu/lần), chi phí phát sinh nhiều lúc không thể đánh giá được tình hình.

"Trong chuyến bay cho người mãn hạn tù không phải 100% là người mãn hạn tù. Chúng tôi còn lựa chọn những trường hợp khẩn cấp như bệnh tật, đau ốm, bệnh nan y có thể mất...

Chúng tôi còn phải viết cam kết với hãng hàng không, nếu có vấn đề gì đối với người ốm đau bệnh tật này thì chúng tôi phải chịu trách nhiệm. Và đúng thật, có một trường hợp chúng tôi phải chịu trách nhiệm, khi người ta về mất tại sân bay, chúng tôi đã phải xử lý với người nhà, đền bù chi phí hoặc có những cái xử lý về mặt thủ tục" – Nguyễn Hoàng Linh nói.

Mặt khác, theo bị cáo Linh, tại thời điểm đó hầu hết liên quan đến vấn đề gì mà khó khăn, cần cấp cứu người, người chết, người không nơi nương tựa đến sứ quán là sứ quán cử bị cáo này ra để thực hiện các công vụ đó.

"Tôi cũng có ý kiến đây là những hoạt động hết sức phức tạp, nếu không có chi phí thì không thể thực hiện được. Đại sứ có quyết định rất nhân văn là sử dụng chi phí tiền này để giải quyết triệt để những vấn đề đó" – bị cáo Linh bào chữa.

Về khoản tiền bồi dưỡng cho bản thân mình, Linh khai lúc đó công tác phí của mình Đại sứ quán vẫn đang nợ, kinh phí bản thân tự bỏ. Lúc nhận tiền cảm nhận có một phần kinh phí để bù lại, có thêm chi phí để thực hiện các công vụ tiếp theo.