Cựu Thư ký Thứ trưởng bị đề nghị án tử vụ chuyến bay giải cứu: Gia đình nộp thêm 8 tỷ đồng

Bách Thuận – Gia Bình Thứ ba, ngày 18/07/2023 11:45 AM (GMT+7)
Sáng 18/7, tại phiên xét xử vụ chuyến bay giải cứu, các luật sư bào chữa cho Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế - bày tỏ, mong muốn Hội đồng xét xử xem xét để cho Kiên mức án có thời hạn.
Bình luận 0

Luật sư bất ngờ khi nghe tin thân chủ bị đề nghị án tử

Tiến hành bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư Hà Mạnh Huy – người bào chữa cho cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ, ông cảm thấy bất ngờ khi nghe thấy mức án thân chủ bị đề nghị là tử hình. Vị luật sư cho rằng Viện kiểm sát chưa đánh giá đầy đủ bản chất của sự việc.

Cựu Thư ký Thứ trưởng bị đề nghị án tử vụ chuyến bay giải cứu: Gia đình nộp thêm 8 tỷ đồng - Ảnh 1.

Bị cáo Phạm Trung Kiên. Ảnh: Quang Việt

Theo luật sư Hà Mạnh Huy, có các hình thức đưa người Việt Nam ở nước ngoài về nước là chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo, chuyến bay đơn lẻ. Tài liệu điều tra thể hiện rõ bị cáo Phạm Trung Kiên không liên quan đến chuyến bay giải cứu.

Chuyến bay giải cứu là chuyến bay mang tính chất nhân đạo, miễn phí với cơ sở cách ly. Chuyến bay combo, chuyến bay đơn lẻ mang tính chất lợi nhuận, bị cáo Kiên thực hiện hành vi phạm tội trong giai đoạn này. Luật sư phân tích, với chuyến bay giải cứu thì bị cáo Kiên không nhận tiền, Kiên chỉ liên quan chuyến bay combo và chuyến đơn lẻ.

Clip: Luật sư bào chữa đề nghị áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để Phạm Trung Kiên được hưởng án tù có thời hạn. Clip H.N

Về tội danh, người bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét lại khi kết luận bị cáo Kiên nhận hối lộ.

Vị luật sư khẳng định, Kiên có hành vi vi phạm, việc bị cáo nhận tiền của doanh nghiệp là có thật, chịu trách nhiệm ở phiên tòa là hoàn toàn xứng đáng. Nhưng luật sư mong HĐXX xem xét căn nguyên, lý do bị cáo Kiên nhận tiền, chức vụ của bị cáo Kiên khi nhận tiền, thẩm quyền quyết định của bị cáo này đối với các công văn các doanh nghiệp xin chuyến bay có thuộc thẩm quyền bị cáo Kiên hay không.

Theo luật sư Hà Mạnh Huy, hành vi của Phạm Trung Kiên là có dấu hiệu tội "Lợi dụng ảnh hưởng người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi" rõ hơn so với tội "Nhận hối lộ".

Luật sư phân tích, tội "Nhận hối lộ" phải là người có chức vụ quyền hạn, chủ thể phải được giao thực hiện công việc đó, phải là người trực tiếp làm hoặc không làm theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Tài liệu liên quan đến quá trình công tác thể hiện, thời điểm xảy ra vụ việc, bị cáo Kiên đang là chuyên viên Vụ Trang thiết bị y tế, Bộ Y tế. Tháng 2/2019, được biệt phái sang giúp việc cho Thứ trưởng Bộ Y tế.

Luật sư dẫn chứng, tại Bộ Y tế, căn cứ quy chế, tại thời điểm xảy ra sự việc, Bộ Y tế không có chức danh thư ký cho Thứ trưởng, đến tháng 7/2022, có nội dung đề cập chức danh chuyên viên giúp việc cho Thứ trưởng.

Với Kiên, trong hồ sơ cũng không có quyết định phân công, bổ nhiệm chức danh Thư ký Thứ trưởng cho Kiên, chỉ có phiếu trình làm công tác thư ký. Đến tháng 2/2022, bị cáo Kiên không giúp việc cho Thứ trưởng Bộ Y tế, chấm dứt việc này không có văn bản, có việc nói bằng miệng là không làm nữa.

Bào chữa cho Phạm Trung Kiên, luật sư Huy đề nghị HĐXX xem xét yếu tố chủ thể trong cấu thành tội phạm, đánh giá xem Kiên đã thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu chủ thể của tội "Nhận hối lộ" hay chưa.

Tiếp tục trình bày quan điểm bào chữa cho thân chủ, luật sư Hà Mạnh Huy phân tích, hành vi khách quan phải là hành vi phải là người trực tiếp làm hoặc không làm theo yêu cầu của người đưa hối lộ. Tuy nhiên qua tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ, xét hỏi công khai, hành vi phạm tội của Kiên không thỏa mãn hành vi khách quan của tội "Nhận hối lộ" như phân tích.

Về thẩm quyền quyết định duyệt, ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan, luật sư phân tích, tài liệu thể hiện, tất cả các văn bản trả lời Bộ Ngoại giao là Thứ trưởng Bộ Y tế ký, bị cáo Kiên không liên quan đến nội dung ở các văn bản này.

Về quy trình xử lý văn bản đến và đi liên quan chuyến bay combo, luật sư trình bày Bộ Y tế không ban hành quy trình thực hiện công việc này. Qua phân tích, việc xử lý văn bản phải qua nhiều khâu, vai trò của Kiên chỉ là nhận văn bản từ Văn phòng Bộ Y tế, chuyển đến Thứ trưởng Bộ Y tế và ngược lại, các khâu khác không tham gia.

"Do đó bị cáo Kiên không hoàn toàn quyết định việc ký duyệt xử lý nội dung văn bản trả lời Bộ Ngoại giao được mà còn phụ thuộc vào nhiều khâu khác, vì vậy nếu có việc doanh nghiệp phản ánh bị cáo Kiên có vấn đề trong việc xét duyệt, thẩm định hồ sơ chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao để đòi hỏi phải chi phí là đúng thì hành vi của Kiên cũng không thỏa mãn yếu tố cấu thành hành vi nhận hối lộ" – luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên nêu quan điểm.

Luật sư cho rằng hành vi cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế cấu thành tội khác

Vị luật sư kết luận, bản chất hành vi phạm tội của bị cáo Kiên không cấu thành tội "Nhận hối lộ" mà cấu thành tội "Lợi dụng ảnh hưởng người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".

Trong trường hợp HĐXX và đại diện Viện kiểm sát (VKS) vẫn xác định bị cáo Kiên nhận hối lộ, luật sư đề nghị xem xét, đánh giá đúng bản chất của sự việc về những bất cập, quy định thiếu sót trong việc liên quan quy trình, xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Cũng theo vị luật sư, một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của các bị cáo, trong đó có bị cáo Phạm Trung Kiên là có những bất cập việc xét duyệt, thẩm định cấp phép chuyến bay.

Về tình tiết có hay không việc ép buộc của Kiên với doanh nghiệp, luật sư bào chữa trình bày, thực tế qua lời khai, hồ sơ của vụ án, thừa nhận có lời khai của doanh nghiệp thể hiện Kiên có việc đó, nhưng thực tế có nhiều lời khai xác định bị cáo không có điều đó, việc này thể hiện qua thẩm vấn công khai tại phiên tòa.

"Chúng tôi khẳng định là chứng cứ 50/50, có lời khai buộc tội, có lời khai gỡ tội, tôi đề nghị xuất phát từ nguyên tắc có lợi cho bị cáo thì áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo, công nhận đây chỉ là thỏa thuận giữa các bị cáo, không thể nói rằng đây là sự ép buộc" – luật sư của Kiên bào chữa.

Mặt khác, theo luật sư Hà Mạnh Huy, một tình tiết rất quan trọng của vụ án đó là số tiền 15 tỷ đồng. Trong hồ sơ vụ án, số tiền 15 tỷ liên quan khách đơn lẻ bị cáo Kiên đã chủ động khai báo với cơ quan điều tra, và việc này hoàn toàn bất lợi cho bị cáo, thực tế chứng cứ trong hồ sơ chưa có gì nhiều.

"Trong quá trình điều tra cũng chưa làm rõ được các cá nhân người thực hiện hành vi đưa tiền với bị cáo Kiên liên quan khoản tiền 15 tỷ, lời khai là chứng cứ rất quan trọng, gần như là duy nhất trong hồ sơ vụ án để thực hiện giai đoạn 2 của vụ án để mở rộng điều tra. Với tình tiết này, đề nghị HĐXX xem xét áp dụng cho bị cáo tình tiết giảm nhẹ… Trong trường hợp xác định được người liên quan, đề nghị xác định bị cáo tích cực phối hợp với cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án" – vị luật sư đề nghị.

Về khắc phục hậu quả, quá trình giải quyết vụ án, luật sư cho biết bị cáo Kiên đã rất tích cực thông qua luật sư, luật sư thông qua gia đình để thực hiện việc khắc phục hậu quả. Tính đến trước khi VKS luận tội, trong tổng số 42 tỷ đồng bị quy kết, bị cáo Kiên đã trả lại hơn 12 tỷ, sau đó gia đình khắc phục thêm 15 tỷ.

"Đến sáng 18/7, vợ bị cáo đang đi nộp tiếp tục khoản tiền 8 tỷ đồng để tiếp tục khắc phục" – luật sư thông tin.

Ngoài ra, bị cáo Kiên còn có các tình tiết giảm nhẹ khác như thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, bản thân bị cáo có bằng khen cấp bộ, trong dịch covid-19 có thành tích được tặng bằng khen…

Luật sư cũng cho biết bản thân bị cáo Kiên mang nhiều bệnh tật, tiền sử gia đình có bệnh tâm thần; bị cáo là lao động chính trong gia đình, các con còn nhỏ, rất cần đến sự chăm sóc, dạy bảo của người cha, bố mẹ 2 bên đều già yếu, sức khỏe kém… 

Bên vợ bị cáo có ông bà đều là lão thành cách mạng, các nhà khoa học lớn trong ngành y, đạt nhiều thành tích trong công tác, nhận nhiều huy chương trong kháng chiến, trong bảo vệ sức khỏe nhân dân. Dẫn chứng những thông tin này, luật sư bào chữa cho Phạm Trung Kiên đề nghị HĐXX xem xét toàn diện, khách quan.

"Đặc biệt, chúng tôi cũng mong muốn trên tinh thần phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp 23, ngày 12/1/2023 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tiêu cực: Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải thực hiện rất nhân văn, nhân nghĩa, nhân ái nhưng vẫn đủ răn đe và giáo dục, ngăn ngừa là chính, đồng thời không phải cứ xử nặng là tốt. Do đó, đề nghị áp dụng nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ, cho bị cáo Kiên được hưởng mức tù có thời hạn để bị cáo sớm có cơ hội trở về với gia đình, với xã hội" – luật sư bào chữa cho Phạm Trung Kiên bày tỏ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem