Dân Việt

Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa: Một bộ phận công chức có dấu hiệu né tránh công việc… đẩy DN vào khó khăn

Huyền Anh 19/07/2023 13:41 GMT+7
Theo chia sẻ của Chủ tịch HHDN tỉnh Thanh Hóa, nguyên nhân những khó khăn của doanh nghiệp đến từ nhiều góc độ. Gần đây xuất hiện tình trạng một số bộ phận công chức nhà nước có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công việc… đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn.

Tại Diễn đàn phát triển kinh doanh "Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp" sáng nay (19/7), nhiều doanh nghiệp và đại diện các hiệp hội đã chia sẻ những khó khăn các doanh nghiệp đang phải đối mặt.

Khó khăn bủa vây doanh nghiệp

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam chia sẻ, hiện nay, bất động sản đang chững lại kéo theo các chuyên ngành kinh tế liên quan cũng rất khó khăn. 6 tháng đầu năm nay, theo Hiệp hội Thép, tiêu thụ thép giảm 20%, xi măng giảm 10% dù trong những năm gần đây, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng kỹ thuật nên còn kéo lại sự cân bằng phần nào cho thị trường.

Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách đang sụt giảm, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Số lượng dự án triển khai trong năm 2023 giảm cả về số lượng và quy mô. 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư nhà nước tăng 12,6% nhưng vốn tư nhân chỉ tăng 2,4% và khu vực FDI tăng 3,8%.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo đánh giá của các chuyên gia, chủ yếu là pháp lý vướng mắc không được giải quyết được do thiếu đồng bộ, chồng chéo, xung đột của hệ thống văn bản pháp luật. Bất cập này chưa có giải pháp khắc phục triệt để.

Cũng theo ông Hiệp, hiện tại các doanh nghiệp bị ách tắc, phiền hà bởi thủ tục hành nghề đăng ký kinh doanh có điều kiện, nhiều thủ tục phát sinh một cách tự phát, thậm chí một số sở ngành địa phương cũng đưa ra những quy định cho các doanh nghiệp phải thực hiện. Những vướng mắc này, thậm chí làm không ít nhà đầu tư nước ngoài e ngại.

Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa: Một bộ phận công chức có dấu hiệu né tránh công việc… đẩy DN vào khó khăn - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam.

Ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho rằng, trong những năm qua, mặc dù ngành công nghiệp gỗ đã từng đặt ra mục tiêu đến 2025 đạt 20 tỷ USD và trở thành quốc gia xuất khẩu lớn sau Trung Quốc. Tuy nhiên, những năm gần đây, các doanh nghiệp ngành này đã và đang gặp phải không ít khó khăn vướng mắc khi thực tế cho thấy, sản lượng xuất khẩu của năm nay so với các năm trước giảm đáng kể.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các khó khăn hiện nay của ngành gỗ. Một trong số đó xuất phát từ việc thị trường Mỹ (chiếm 55% tổng xuất khẩu) áp dụng rất nhiều phương pháp bảo hộ thương mại, khởi xướng nhiều cuộc điều tra gỗ dán và tủ bếp. Từ đó, dẫn đến hiện trạng xuất khẩu giảm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng mong muốn, nguồn vốn vay ngoại tệ có thể giảm xuống 3,8% để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức, tăng tính cạnh tranh. Đặc biệt, cần sớm tiến hành việc hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp ngành gỗ khi số tiền cần hoàn là rất lớn; đồng thời đưa các doanh nghiệp ngành gỗ ra khỏi luồng doanh nghiệp rủi ro cao trong hoàn thuế, bởi nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp để đáp ứng theo các yêu cầu của cơ quan thuế là không thể.

Doanh nghiệp khó khăn vì nhiều nguyên nhân

Chủ tịch Hiệp hội DN Thanh Hóa: Một bộ phận công chức có dấu hiệu né tránh công việc… đẩy DN vào khó khăn - Ảnh 2.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch HHDN tỉnh Thanh Hóa

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch HHDN tỉnh Thanh Hóa thừa nhận, chưa khi nào cộng đồng doanh nghiệp phải gồng mình đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay. Nguyên nhân những khó khăn của doanh nghiệp đến từ nhiều góc độ.

Sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi ngay lập tức vướng phải những quy định về luật phòng cháy chữa cháy, tình trạng mất điện đột ngột và liên tục. Bên cạnh đó, do tình hình kinh tế chính trị thế giới có diễn biến phức tạp, lạm phát tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào khan hiếm, đơn hàng giảm do tổng cầu thế giới và trong nước suy giảm.

Mặt khác, phần lớn các doanh nghiệp phải đối mặt với những bất cập như xu hướng cải cách hành chính có phần bị chững lại; gần đây xuất hiện tình trạng một số bộ phận công chức nhà nước có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy công viêc… đẩy doanh nghiệp vào tình cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, ông Đoan nhấn mạnh, cộng đồng doanh nghiệp luôn nhận được sự quan tâm kịp thời của Đảng và nhà nước, tiếng nói từ doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp luôn được lắng nghe. Để đẩy mạnh công tác tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới, ông Đoan đã nêu một số kiến nghị bao gồm:

Thứ nhất, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, loại bỏ các quy định không phù hợp. Đồng thời, mạnh dạn có những giải pháp có tính đột phá, tháo gỡ những điểm nghẽn, ban hành các chính sách thực sự phù hợp hiệu quả, khắc phục tình trạng chậm triển khai. Động viên, khích lệ những cán bộ có trách nhiệm, dám nghĩ dám làm.

Thứ hai, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ ngành trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện cải cách môi trường kinh doanh, hạn chế kiểm tra thanh tra.

Thứ ba, đề nghị Ngân hàng nhà nước cần có chính sách tín dụng ưu đãi cho những doanh nghiệp khẳng định được uy tín, thương hiệu. Đồng thời tăng cường chỉ đạo giám sát hệ thống ngân hàng thương mại tại địa phương, thực hiện nghiêm việc giãn nợ, giãn thời gian trả lãi theo đúng tinh thần Nghị quyết 50 ban hành ngày 8/4/2023 và Nghị quyết 59 ngày 23/4/2023 của Chính phủ.

Thứ tư, trong thời gian Chính phủ đang giao các Bộ ngành tham mưu chỉnh sửa các quy định phòng cháy chữa cháy mới, đề nghị xem xét tạm dừng phạt phòng cháy chữa cháy cho doanh nghiệp.

Thứ năm là cần có giải pháp tổng thể đảm bảo đủ nguồn điện, xăng dầu.

"Cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói chung và doanh nghiệp Thanh Hóa nói riêng mong muốn các Bộ ngành Trung ương và địa phương tiếp tục song hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi nhanh nhất. Cộng đồng doanh nghiệp cam kết sẽ nỗ lực hết mình, thượng tôn pháp luật, cùng đồng hành với cả hệ thống chính trị, đoàn kết, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp vào sự phát triển của đất nước" – ông nhấn mạnh.

Thừa nhận hiện nay, doanh nghiệp gặp khó khăn khá toàn diện, tức khó khăn chung tới các nhóm ngành, không riêng nhóm doanh nghiệp nào, ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc cho rằng, cần nới lỏng các vấn đề về quản lý.

"Khi bên ngoài khó khăn chúng ta phải nới lỏng các điều kiện bên trong. Tôi cảm nhận thời gian vừa qua, trong bối cảnh thế giới bên ngoài khó bên trong cũng "thắt". Nhiều vấn đề kiểm soát khiến doanh nghiệp không biết phải làm sao", Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ đồng thời nhận định vấn đề nới lỏng bên trong là rất cần thiết. Đúng là phải kiểm soát các quy chuẩn nhưng trong một mức nào đó.

Một vấn đề nữa liên quan đến lãi suất. Theo ông Cường, NHNN đã 4 lần hạ lãi suất, tuy nhiên đã thực sự là thấp đối với doanh nghiệp hay chưa? Chính sách lãi suất cần tính đến, còn dư địa trong ngân hàng để hạ lãi suất cho khu vực doanh nghiệp ưu tiên. Ông Cường nhận định, chính sách tài khóa cần hướng sang hỗ trợ tốt hơn cho giảm lãi suất vay, tạo sức mạnh hỗ trợ doanh nghiệp.

Với bản thân doanh nghiệp ông Cường lưu ý phải "tự cứu mình" trong bối cảnh khó khăn. Doanh nghiệp phải lựa chọn, lược bỏ những điểm không phải thể mạnh, sử dụng những quy trình, đổi mới mô hình, đặc biệt là chuyển đổi xanh.

Điểm cuối cùng ông Cường lưu ý là vấn đề tự chủ của nền kinh tế. "Chúng ta chưa có sự độc lập của thị trường, các quốc gia đều có các tập đoàn lớn trong nước làm trụ cột của nền kinh tế. Chúng ta cần các doanh nghiệp trụ cột như vậy, để chúng ta có các ngành chủ lực do doanh nghiệp Việt dẫn dắt", ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.