Để nói về nhiệm kỳ 2018-2023 của Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị, nhiều lãnh đạo của địa phương này cùng đánh giá, đó là 5 năm, các cấp Hội đồng hành cùng hội viên, nông dân vượt qua những khó khăn, thử thách, từ lũ lụt lịch sử, dịch Covid-19, ảnh hưởng của biến đổi, diễn biến của thị trường vật tư nông nghiệp, nông sản trong nước và quốc tế...
Ông Trần Văn Bến – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị vẫn còn nhớ như in chuyến đi cùng Báo Nông thôn ngày nay/Báo điện tử Dân Việt vào tháng 10/2020 để trao quà cứu trợ lũ lụt cho người dân xã Ba Lòng và Mò Ó, huyện Đakrông.
Khi đoàn từ thiện trao gần xong quà cho hàng trăm hộ nông dân nước ngập nóc nhà cũng là lúc trời vừa chập tối.
Là cán bộ địa phương, ông Bến hiểu được, nếu không rời Ba Lòng và Mò Ó sớm, trời đổ mưa to thì đoàn có nguy cơ đối mặt với tình trạng sạt lở đất, mắc kẹt giữa đường về, không may còn nguy hiểm tính mạng. Vậy là một số phần quà chưa kịp trao tận tay người dân, đoàn gửi gắm lại chính quyền địa phương trao giúp để kịp thời "rút quân".
Quả đúng như ông Bến dự đoán, khi đoàn vừa rời khỏi xã Mò Ó thì nhận được điện thoại báo tin xảy ra sạt lở, đất đá choán gần hết con đường đoàn vừa đi qua, mọi phương tiện mắc kẹt. Một cảm giác hú hồn, nổi da gà lướt qua mọi thành viên trong đoàn.
Ông Bến cho hay, trận lũ lịch sử và dị thường tháng 10/2020 đã khiến hàng trăm ngàn hộ dân Quảng Trị bị ngập, hơn 50 người chết, 8 người mất tích, 25 người bị thương; 175 nhà bị hư hỏng nặng, 347 ha lúa bị ngập, bồi lấp, 2.540ha hoa màu bị ngập úng, hư hỏng, gần 1.400ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, trôi…
Những năm 2021, 2022, tại Quảng Trị cũng xuất hiện nhiều đợt lũ dị thường, gây thiệt hại vô cùng lớn cho nông nghiệp, nông dân. Nhiều người gục giữa đồng ruộng khóc không thành tiếng. Tất nhiên, những lúc đó Hội Nông dân các cấp tỉnh Quảng Trị đều có mặt kịp thời, động viên, chia sẻ khó khăn với nông dân.
Không chỉ lũ lụt, dịch Covid-19 đã gây thiệt hại lớn với nông dân. Không cần nhắc lại chúng ta cũng đã biết. Chẳng cần nói đâu xa, lúa chín ngoài đồng còn khó thu hoạch về nhà. Tuy nhiên, từ cái khó đó mới thấy rõ vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân các cấp.
Đơn cử như vào tháng 8/2020, thôn Đơn Duệ, xã Vĩnh Hoà, huyện Vĩnh Linh bị phong toả để phòng, chống dịch Covid-19, hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Nông dân huyện Vĩnh Linh, hơn 150 người đã tình nguyện "đội nắng" thu hoạch lúa giúp các hộ dân trong vùng phong toả.
Ngày đầu tiên bà con nông dân xuống đồng gặt lúa giúp người dân thôn Đơn Duệ, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh cũng cất công đến thăm, động viên bằng những lon nước yến.
"Hội không có nhiều tiền, chỉ có chút tấm lòng động viên bà con nông dân, mong bà con cố gắng giúp nhau vượt qua những đoạn trường" – ông Bến nghẹn ngào nói.
Không chỉ hai lần kể trên, chuyện cán bộ Hội Nông dân ở Quảng Trị đến "điểm nóng" để hỗ trợ nông dân, hay đi cứu trợ mắc kẹt giữa đường phải uống nước cầm hơi… đã trở thành "chuyện thường ở huyện".
Ông Nguyễn Đăng Quang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị đánh giá, những năm qua hội viên, nông dân tỉnh gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống như thiên tai lũ lụt, dịch Covid-19, biến đổi khí hậu cho đến bất ổn địa chính trị thế giới ảnh hưởng đến thị trường vật tư nông nghiệp, xăng dầu, thị trường nông sản.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, đông đảo hội viên, nông dân trong tỉnh đã khắc phục khó khăn, thách thức để vươn lên, góp phần quan trọng tiếp tục duy trì các mục tiêu phát triển nông nghiệp của tỉnh, xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi....
Hội Nông dân các cấp tỉnh Quảng Trị đã có nhiều cố gắng, đoàn kết, sáng tạo trong tập hợp, đoàn kết nông dân, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tham gia có hiệu quả trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn....đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh.
Sản xuất nông nghiệp của tỉnh 5 năm qua tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Nông nghiệp phát triển theo hướng an toàn, hữu cơ, liên kết và ứng dụng khoa học công nghệ mới nâng cao hiệu quả kinh tế. Tổng diện tích gieo trồng hàng năm 82.660,8ha, đã hình thành và phát triển các vùng cây trồng chuyên canh tập trung. Chăn nuôi chuyển mạnh sang hình thức trang trại, gia trại, thâm canh bán công nghiệp gắn với kiểm soát an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường, liên kết theo chuỗi giá trị.
Lâm nghiệp từng bước phát huy lợi thế trồng rừng kinh tế, nhất là trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC phát triển mạnh với trên 23.400 ha, thuộc nhóm đầu của cả nước. Thủy sản phát triển cả về nuôi trồng, đánh bắt và dịch vụ hậu cần nghề cá. Giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản của tỉnh hàng năm đều tăng so với năm trước.
Nhờ vậy, đời sống của nông dân ngày càng được cải thiện và đảm bảo tốt hơn. Nếu như nhập bình quân đầu người của tỉnh Quảng Trị 43,6 triệu đồng đã tăng lên 62,83 triệu đồng (năm 2022).
Để xây dựng Hội ngày càng lớn mạnh, Hội Nông dân các cấp tỉnh Quảng Trị không chỉ tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, pháp luật cho hội viên bằng hình thức truyền thống như tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, tọa đàm đối thoại, mà còn đổi mới, sáng tạo, tổ chức các sân chơi: "Vui cùng nhà nông", "Nhà nông đua tài", "Người nông dân hiện đại" và thông qua các hoạt động sinh hoạt chi, tổ Hội, các câu lạc bộ của hội viên, nông dân…
Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 125 cơ sở Hội, 809 chi hội với 88.844 hội viên. Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Hội đã phát triển 9.291 hội viên mới (vượt 9,3% chỉ tiêu).
Đội ngũ cán bộ Hội, nhất là cấp cơ sở ngày càng trẻ hóa, trình độ chuyên môn, chính trị đạt chuẩn theo quy định, kỹ năng vận động nông dân được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của Hội.
Hội Nông dân các cấp tập trung tuyên truyền, giáo dục hội viên, nông dân học tập nâng cao kiến thức; đẩy mạnh tổ chức đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, vận động, hướng dẫn nông dân tiếp cận với sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học để nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, góp phần nâng cao thu nhập.
Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" của Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đã lan tỏa sâu rộng.
Toàn tỉnh hiện có 26.926 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tăng 5.123 hộ so với đầu nhiệm kỳ (vượt 20,95% chỉ tiêu đề ra). Từ phong trào xuất hiện ngày càng nhiều nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Hội đã giúp 2.657 hộ nông dân vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân Quảng Trị đã tích cực trong các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; Xây dựng phát triển các mô hình kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn; Vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; Vận động nông dân tích cực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh những thành tựu, ông Trần Văn Bến cũng nhìn nhận rõ trách nhiệm và những tồn tại, hạn chế trong công tác Hội và phong trào nông dân cần khắc phục trong nhiệm kỳ tới. Đó là phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi vẫn còn hạn chế về quy mô, sản xuất đa phần chưa theo chuỗi giá trị. Việc liên doanh, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm còn nhỏ lẻ, chưa mạnh. Sự vào cuộc của các cấp Hội trong xây dựng kinh tế tập thể, giám sát, phản biện xã hội chưa rõ nét.
Thêm vào đó, việc các cấp Hội, vai trò, sự tham gia của Hội trong xây dựng và phản biện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn hạn chế; nguồn lực và cán bộ chuyên sâu chưa đáp ứng yêu cầu...
"Cùng với sự lãnh đạo của các cấp, lòng quyết, đoàn kết của toàn thể cán bộ, hội viên, tôi tin rằng nhiệm kỳ mới 2023-2028, Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị sẽ nỗ lực đưa ra các giải pháp hiệu quả trong việc tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để đáp ứng kỳ vọng của hội viên, nông dân, yêu cầu phát triển của địa phương", ông Trần Văn Bến khẳng định.
Trong 5 năm (2018-2023), hội viên, nông dân tỉnh Quảng Trị hiến 343.496m2 đất, góp 95,2 tỷ đồng, 160.451 ngày công làm mới, sửa chữa 836 km đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa, nâng cấp 1.300km kênh mương nội đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 69/101 xã và 1 huyện (Cam Lộ) đạt chuẩn nông thôn mới.
Hội Nông dân Quảng Trị đã thăm hỏi, động viên, tặng 5.004 suất quà trị giá trên 2,82 tỷ đồng cho các đối tượng chính sách, gia đình thương binh, liệt sỹ, con em nông dân lên đường nhập ngũ; hỗ trợ xây dựng 43 nhà tình nghĩa, mái ấm nông dân, trị giá 2,49 tỷ đồng.
Nhiệm kỳ qua, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức 428 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 12.786 hội viên, nông dân; kết nạp 566 hội viên vào Đảng; huy động gần 1.000 tỷ đồng thông qua Quỹ Hỗ trợ nông dân, các ngân hàng và các chương trình hỗ trợ khác để cho nông dân.