Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến sửa đổi một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Đáng chú ý, giá vé của một số chặng bay được đề xuất tăng so với giá hiện hành.
Theo đó, ở khoảng cách đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km, Dự thảo mới đề xuất mức giá tối đa là 3,4 triệu đồng, cao hơn 200 nghìn đồng so với quy định hiện hành. Và mức giá 4 triệu đồng được đề xuất cho khoảng cách đường bay từ 1.280 km trở lên. Con số này cao hơn quy định hiện hành 250 nghìn đồng.
Đứng trước đề xuất tăng mức trần khung giá vé máy bay nội địa của Bộ GTVT, những người làm du lịch, các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành cảm thấy e ngại, ngành du lịch tiếp tục đứng trước thách thức và những khó khăn.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Bùi Thanh Tú – Giám đốc Marketing Công ty Du lịch BestPrice cho biết: "Theo thống kê của hãng hàng không Vietnam Airlines tháng 6/2023 lượng vé bán ra rất thấp so với cùng kỳ năm trước. Và lý do lượng vé bán ra thấp bởi kinh tế khó khăn, lạm phát toàn cầu thì giá vé máy bay tăng cao khiến khách hàng thay đổi lịch trình, điều này được thể hiện rõ nét ở kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua. Việc Bộ GTVT đề xuất tăng mức trần khung giá vé máy bay nội địa, tôi e rằng sẽ ít du khách tiếp tục lựa chọn đi du lịch di chuyển bằng đường hàng bộ, đi gần thay vì di chuyển bằng đường hàng không, hoặc sẽ lựa chọn đi du lịch nước ngoài thay vì đi trong nước. Và như vậy sẽ lại là những khó khăn cho cả các hãng hàng không, cho người làm du lịch, và ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp lữ hành, các dịch vụ. Đặc biệt là những vùng du lịch trọng điểm như: Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng…
Với các doanh nghiệp lữ hành như chúng tôi thì sẽ lựa theo nhu cầu chi tiêu của khách để tư vấn cho khách chọn tour đi đường bộ, chọn những địa điểm là Tây Bắc và Đông Bắc. Nên theo tôi, việc tăng mức trần khung giá vé máy bay nội địa cũng nên xem xét đã hợp lý và phù hợp vào thời điểm này hay chưa?".
Ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc Truyền thông – Marketing Công ty TSTtourist chia sẻ với Dân Việt: "Đối với các khung từ dưới 500km đến dưới 800km có các hành trình phổ biến như Tp.HCM – Qui Nhơn, Tuy Hòa, Hà Nội – Đà Nẵng. Hành trình này có mức tăng hợp lý với mức giá đề nghị là 2.250.000/vé/chiều, so với tương quan giá hàng không từ Tp.HCM – Bangkok phù hợp để cạnh tranh. Nhưng với các chặng trên 1.280 km như Sài Gòn – Hà Nội, Hà Nội – Nha Trang, Hà Nội – Cần Thơ, Hà Nội – Phú Quốc với mức tăng 6,67%, tức là 4.000.000/vé/chiều, nếu cộng thêm các dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, tham quan, xe di chuyển tại điểm … giá tour sẽ tăng cao. Xét về độ hấp dẫn, khách chưa quan tâm về chặng đường bay dài hay ngắn mà so về tổng giá thành chắc chắn nhu cầu sẽ giảm đối với chặng bay dài hơn 1.280km, xu hướng thay thế là khách sẽ đi hành trình ngắn, phù hợp hơn, hoặc đi tour nước ngoài có mức giá tốt.
Hiện nay, hệ thống đường cao tốc đang phát triển mạnh, vì vậy với độ dài dưới 500km phương tiện ô tô đang ngày càng có ưu thế do rút ngắn thời gian và chia đoạn đường di chuyển.
Với đơn vị lữ hành chúng tôi, giá hàng không nên tránh điều chỉnh tăng vào thời gian trước cao điểm Hè, Xuân. Nếu điều chỉnh phải trước tối thiểu 2 tháng để tránh ảnh hưởng đến các kế hoạch đặt dịch vụ khác như khách sạn, nhà hàng,… đặc biệt là các hợp đồng kinh tế của doanh nghiệp lữ hành đã ký với khách hàng doanh nghiệp.
Biên độ tăng nằm ở mức tối đa 3,5%, đường bay càng dài tỷ lệ % tăng phải cân đối giảm vì mức tăng cao sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến lượng khách của các điểm đến do giảm nhu cầu".
Anh Nguyễn Tuấn Anh trú tại quận Hoàn Kiếm chia sẻ: "Theo tôi, mặc dù đứng trước tình hình giá nhiên liệu tăng cao, tuy nhiên Bộ GTVT cũng nên xem xét kỹ trước đề xuất này tăng mức trần khung giá vé máy bay nội địa. Bởi nhìn nếu theo mức tăng như Bộ GTVT đưa ra, thì riêng giá vé bay đi Phú Quốc của gia đình tôi, 4 người lớn đã gần 20.000.000 triệu đồng, trong khi nếu cũng số tiền này tôi có thể bay tour trọn gói đi Thái Lan, hoặc có thể chọn đi Hàn Quốc, Nhật Bản. Vậy thì điều này sẽ kéo theo, chi tiêu của khách Việt ở nước ngoài tăng lên thay vì chi tiêu trong nước".
Trước đó, Bộ GTVT đang lấy ý kiến sửa đổi về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Cụ thể, nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội vẫn có mức giá tối đa là 1,6 triệu đồng/vé một chiều. Nhóm đường bay khác dưới 500 km có mức giá tối đa là 1,7 triệu đồng/vé một chiều.
Với các đường bay từ 500 km đến dưới 850 km, mức giá tối đa đề xuất là 2,25 triệu đồng/vé một chiều. Trong khi theo quy định hiện hành, con số này là 2,2 triệu đồng/vé.
Đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá tối đa đề xuất là 2,89 triệu đồng/vé, cao hơn 100 nghìn đồng so với quy định hiện hành.
Ở khoảng cách đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km, dự thảo mới đề xuất mức giá tối đa là 3,4 triệu đồng, cao hơn 200 nghìn đồng so với quy định hiện hành.
Cuối cùng, mức giá 4 triệu đồng được đề xuất cho khoảng cách đường bay từ 1.280 km trở lên. Con số này cao hơn quy định hiện hành 250 nghìn đồng.