Dân Việt

Làm nông nghiệp tuần hoàn kiểu gì mà một nông dân Hà Nam thu lợi kép?

Mai Chiến 22/07/2023 12:51 GMT+7
Với mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, trang trại của gia đình anh Đặng Xuân Nam (xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) đã tiết kiệm được khoảng 40% chi phí đầu vào, đồng nghĩa là lợi nhuận tăng lên đáng kể. Vậy trang trại kinh tế tuần hoàn của anh Nam trồng cây gì, nuôi con gì?
Sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, anh nông dân quê Hà Nam hưởng lợi ích "kép" - Ảnh 1.

Anh Đặng Xuân Nam (xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) chăm sóc vườn húng quế. Ảnh: Mai Chiến.

Trang trại sản xuất nông nghiệp của gia đình anh Đặng Xuân Nam nằm xa khu dân cư sinh sống, hoạt động theo quy trình khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt với tổng diện tích khoảng 30 ha.

Trang trại tuần hoàn rộng tới 30ha

Anh Đăng Xuân Nam tâm sự, nhận thấy lợi ích của mô hình kinh tế tuần hoàn, gia đình anh đã triển khai và áp dụng thực tế vào trang trại. Sau 3 năm, trang trại đã lột xác hoàn toàn.

Với quy mô trang trại khoảng 30 ha, gia đình anh dành riêng 1 khu để chăn nuôi bò sữa, chiết xuất tinh dầu húng quế; còn lại để trồng cây dược liệu, ngô sinh khối, chuối, cỏ voi và một số cây màu khác, diện tích khoảng 20 ha.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, anh nông dân quê Hà Nam hưởng lợi ích "kép" - Ảnh 2.

Vườn chuối trong trang trại của gia đình anh Đặng Xuân Nam phát triển tốt, lá xanh mướt nhờ bón phân hữu cơ. Ảnh: Mai Chiến.

Chia sẻ về quy trình hoạt động của trang trại, anh Nam thổ lộ, hiện nay 30 con bò sữa đang cho thu về khoảng hơn 300 kg sữa mỗi ngày. Lượng phân, chất thải của bò được gia đình thu gom, xử lý ủ cùng với phế phụ phẩm khác trong khoảng thời gian từ 4 - 5 tháng.

Khi phân đã hoai mục, trở thành phân bón hữu cơ, thì đem bón cho cây trồng gồm cỏ voi, húng quế, ngô sinh khối... Trong đó, cỏ voi, thân cây ngô làm thức ăn tinh cho đàn bò sữa; húng quế được ép lấy tinh dầu.

"Bã cây húng sau khi ép lấy tinh dầu cùng cây cỏ già, thân cây chuối… sẽ được ủ với men vi sinh, phân và chất thải của đàn bò trong khoảng thời gian nhất định. Sau đó bón trả lại cho đất, giúp đất tơi xốp hơn. Tạo thành một vòng tuần hoàn, không vứt bỏ đi thứ gì", anh Nam chia sẻ.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, anh nông dân quê Hà Nam hưởng lợi ích "kép" - Ảnh 3.

Hiện nay, gia đình anh Đặng Xuân Nam đang chăn nuôi 30 con bò sữa. Ảnh: Mai Chiến.

Theo anh Nam, trước thực trạng phân bón hóa học, vật tư nông nghiệp đầu vào đều tăng cao thì mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn đã đem lại nhiều lợi ích, là giải pháp tiết kiệm được chi phí đầu vào cho trang trại.

Nông nghiệp tuần hoàn, tiết kiệm tới 40% chi phí

Với cách làm này, hằng năm trang trại của gia đình anh Nam tiết kiệm được khoảng 40% chi phí đầu vào (gần 150 triệu đồng). Không những thế, mô hình kinh tế tuần hoàn còn xử lý gần như triệt để tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong cả quá trình tổ chức sản xuất và kinh doanh; góp phần quan trọng cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Như vậy, mô hình nông nghiệp tuần hoàn giúp anh Nam giảm chi phí, tăng lợi nhuận, như vậy là thu lợi kép.

"Cây trồng được bón bằng phân hữu cơ phát triển tốt, đủ chất dinh dưỡng; cho năng suất, sản lượng cao. Hệ sinh thái phát triển tự nhiên; môi trường đất, không khí được bảo vệ an toàn, qua đó sức khỏe người sản xuất luôn được an tâm" anh Nam tâm sự.

Hiện nay, thu nhập chính của trang trại chủ yếu từ chăn nuôi bò sữa, tinh dầu húng quế và ngô bắp. Thị trường tiêu thụ các mặt hàng ổn định, không bị bế tắc. Trung bình, mỗi năm trang trại thu về nửa tỷ đồng.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, anh nông dân quê Hà Nam hưởng lợi ích "kép" - Ảnh 4.

Cỏ voi - nguồn thức ăn chính cho đàn bò sữa của gia đình anh Đặng Xuân Nam. Ảnh: Mai Chiến.

Được biết, mô hình của gia đình anh Đặng Xuân Nam là 1 trong những mô hình tiêu biểu, đầu tiên ở tỉnh Hà Nam tiên phong sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn. Trang trại đã tận dụng tối đa nguồn chất thải, phế phụ phẩm để tái sử dụng nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Hà Nam nhấn mạnh, anh Đặng Xuân Nam đã áp dụng rất thành công mô hình kinh tế tuần hoàn vào sản xuất nông nghiệp; đã biến chất thải trong chăn nuôi thành nguồn thức ăn cho cây húng quế, cỏ voi, chuối... và cỏ voi lại trở thành nguồn thức ăn chính cho đàn bò.

"Mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn hoạt động rất đơn giản. Theo đó, đầu ra của ngành này là đầu vào của ngành khác, một vòng tròn khép kín cứ lặp đi, lặp lại như vậy...", ông Thông nói.

"Hiện nay, tỉnh Hà Nam đang đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái… để bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế", ông Nguyễn Văn Của, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Nam nói.