Chú trọng việc chăm lo đời sống cho người nghèo
Những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi xác định thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là hết sức quan trọng và cần thiết nhằm hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo bằng kinh phí, xây dựng các dự án trọng điểm để phát triển kinh tế vượt lên mức sống tối thiểu.
Đặc biệt, Chương trình giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giảm nhanh và bền vững.
Ông Ung Đình Hiền – Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các hội đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác giảm nghèo và đạt được những kết quả quan trọng.
"Từ các chính sách cũng như hỗ trợ cụ thể về kinh phí, xây dựng các mô hình kinh tế, chăn nuôi... hiệu quả, nhờ đó có hộ gia đình không chỉ thoát nghèo, mà đã vươn lên có mức sống trung bình và khấm khá hơn. Nếu như tỷ lệ hộ nghèo của huyện Bình Sơn năm 2018 còn 6,73 %, đến nay đã giảm xuống còn 3,94%, (bình quân mỗi năm giảm từ 0,6 – 0,7%). Có được kết quả đáng ghi nhận này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, nhất là sự nỗ lực rất lớn của đại bộ phận hộ nghèo đã vượt khó vươn lên trong cuộc sống..." – Ông Hiền phấn khởi nói.
Tương tự, tại huyện Mộ Đức, ông Ngô Văn Thanh – Phó chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Thời gian qua, huyện Mộ Đức đề ra nhiều giải pháp trong công tác giảm nghèo tại địa phương. Trong đó, huyện chú trọng thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm mới cho lao động nông thôn và tích cực thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững.
Theo ông Thanh, Mộ Đức đã thực hiện tốt chính sách cho người có công, giải quyết kịp thời chế độ cho các đối tượng; tổ chức phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; xây dựng nhà ở phòng tránh bão lũ cho hộ nghèo theo Quyết định 48/2014 của Chính phủ; hỗ trợ nhà ở cho người có công cách mạng theo Quyết định 22/2013 của Chính phủ; thực hiện việc mua bảo hiểm y tế cho các đối tượng theo quy định (tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo) đạt 100%...
"Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo ở khu vực nông thôn được chú trọng, thông qua các dự án vốn vay giải quyết việc làm, hỗ trợ sản xuất chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động... Nhờ làm tốt công tác giảm nghèo, nên thu nhập người dân được cải thiện đáng kể, bình quân đạt trên 44 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Mộ Đức giảm từ 11% xuống còn dưới 4,5% vào cuối năm 2022..." – Ông Thanh cho hay.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh
Theo sở Lao động – Thương bình và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi, để chỉ đạo điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (Chương trình mục tiêu) giai đoạn 2021-2025 nói riêng và các Chương trình mục tiêu nói chung đạt hiệu quả, tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi đã nhanh chóng kiện toàn bộ máy chỉ đạo, điều hành từ tỉnh đến cơ sở và đưa vào hoạt động hiệu quả. Nhờ đó, công tác thực hiện Chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng.
Từ năm 2021 đến nay, có 07 mô hình, dự án (bò, heo ky, dê, gà, dừa xiêm, gừng, nghệ) giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai, dự kiến đến cuối năm 2023 có 20 mô hình được nhân rộng và 200 dự án được phê duyệt triển khai thực hiện; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo.
Báo cáo về công tác giảm nghèo giai đoạn 2021-2023 cho biết, tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2021 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020) tỉnh Quảng Ngãi có 6,41%, đến cuối năm giảm xuống còn 5,35%, giảm 1,06% đạt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện miền núi, khó khăn như: Trà Bồng, Sơn Tây, Minh Long, Ba Tơ đầu năm 2021 chiếm bình quân 24,81%, đến cuối năm 2021 giảm xuống còn 20,46%, giảm 4,35% đạt chỉ tiêu đề ra. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số từ đầu năm 2021 còn 26,16%, đến cuối năm 2021 giảm xuống còn 20,79% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số.
Tương tự, tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2022 (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025) còn 9,11%, nhưng đến cuối năm giảm xuống chỉ còn 7,8%. Trong đó, các huyện nghèo đầu năm 2022 có 43,93% đến cuối năm 2022 giảm xuống còn 38,61% và tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số (trong tổng số hộ dân tộc thiểu số) đầu năm 2022 có 41,59% đến cuối năm 2022 giảm xuống còn 35,46%. Dự kiến, tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 của Quảng Ngãi đến cuối giảm xuống còn 6,68%, giảm 1,13% đạt mục tiêu kế hoạch đề ra (mục tiêu giảm 1-1,5%/năm).
"Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2023 tỉnh sẽ phân bổ 407.304 triệu đồng từ nguồn vốn trung ương, ngân sách khác của tỉnh để thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Hiện nay, các địa phương, đơn vị đang triển khai thực hiện để giải ngân nguồn vốn kịp thời nhằm triển khai thực hiện một cách hiệu qủa nhất...." - Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi cho hay.