Dân Việt

Bánh rán Hàng Chiếu ngày bán 3.000 chiếc, khách Tây thưởng thức xong thốt lên câu này

Huy Hoàng 31/07/2023 17:06 GMT+7
Hà Nội vẫn luôn là điểm đến được nhiều du khách trong nước và quốc tế yêu thích bởi sự sôi động, cổ kính, di tích lịch sử ngàn năm văn hiến và đặc biệt hơn là ẩm thực phong phú. Trong đó, bánh rán là một trong những thứ quà được nhiều thực khách ưa chuộng.

Ẩm thực Hà Nội: Thức quà vặt "gây nghiện" với du khách

Bánh rán Hàng Chiếu ngày bán 3.000 chiếc, khách Tây thưởng thức xong thốt lên câu duy nhất - Ảnh 1.

Bánh rán tẩm mật tại cửa hàng bà Nguyễn Thị Kim Dung. Ảnh: Huy Hoàng

Vài năm trở lại đây, ẩm thực của Việt Nam đã được nhiều du khách nước ngoài, các tạp chí quốc tế khen ngợi, viết bài, trong đó một số món ăn đã được vinh danh, lọt vào top những món ngon như Phở, bún chả, bánh mì... nằm trong món ngon thế giới. Đặc biệt bánh rán Việt Nam đã được bình chọn, đánh giá và lọt top 30 món ăn chiên rán được cho là thơm ngon nhất thế giới.

Bánh rán là thức quà gắn với tuổi thơ của nhiều thế hệ và là món ăn vặt bình dân được người Việt Nam yêu thích. Tuy nhiên bánh rán ở mỗi vùng, mỗi tỉnh, thành phố lại có một hương vị riêng, cách chế biến khác nhau, trong đó Hà Nội là một trong những thành phố với cách làm bánh rán đặc biệt.

Nằm trên con phố sầm uất và trong khu phố cổ của Hà Nội - 52A Hàng Chiếu, quán bánh rán của bà Nguyễn Thị Kim Dung được nhiều du khách biết đến.

Quán bánh rán của bà Kim Dung chỉ nhỏ gọn trong một chiếc tủ kính nhỏ và lại sát cạnh cửa hàng bánh rán gia truyền đường mật, 52 Hàng Chiếu, thế nhưng tủ bánh rán của bà Kim Dung luôn đông khách đến mua, thậm chí nhiều lúc cả du khách Việt và khách Tây phải xếp hàng để chờ đợi mua bánh.

Bánh rán Hàng Chiếu ngày bán 3.000 chiếc, khách Tây thưởng thức xong thốt lên câu duy nhất - Ảnh 2.

Ẩm thực Hà Nội. Bà Kim Dung cho biết, dù giá xăng, giá điện, chi phí sinh hoạt tăng nhưng giá bánh rán của bà không tăng giá. Ảnh: Huy Hoàng

Chia sẻ với PV Dân Việt, bà Kim Dung cho biết, bà học nghề làm bánh rán từ cô em chồng người Hoa. Vợ chồng bà làm bánh từ năm 1982, đến nay đã gần 40 năm theo nghề.

Những ngày đầu làm bánh, vốn liếng chưa có nhiều nên hai vợ chồng phải xoay trần làm từ sáng sớm tới tối đêm, tất cả các công đoạn làm bánh đều chỉ có hai vợ chồng.

"Thời điểm mới bắt đầu làm bánh rán và bán chỉ có hai vợ chồng tôi, vất vả lắm. Làm việc từ sáng sớm tới tối đêm. Vì chưa có tiền để thuê công nhân, các con thì còn nhỏ lại đi học, nên mọi công đoạn chỉ có hai vợ chồng làm. Công việc làm bánh rán thì đòi hỏi phải tỉ mỉ trong từng công đoạn và nhạy bén trong cách pha chế. Tôi rất kỹ tính trong từng khâu từ chọn gạo đến chọn nhân làm bánh, xay gạo, ngâm, ủ và trộn và pha chế, nặn bánh. Vì vậy mà ngày bán bánh, đêm về là tôi bắt đầu nhào bột, ủ, và pha chế đến gần sáng thì dậy nặn bột và rán bánh cho kịp buổi sáng bán. Bánh rán không như những thức quà khác, nguyên liệu có thể làm trước cất tủ lạnh để mấy ngày, còn bột gạo đã xay, ủ và trộn thì chỉ có thể làm trong ngày, không thể để sang ngày hôm sau. Nếu bột gạo xay mà để sang ngày hôm sau sẽ không ngon, không có độ thơm, tươi của hạt gạo nếp".

Một bí quyết nữa mà bà Kim Dung tiết lộ, đó là bánh bán hết mới làm tiếp, ăn đến đâu rán bánh đến đó, để du khách luôn được thưởng thức những chiếc bánh rán nóng hôi hổi, thơm phức chứ không phải chiếc bánh nguội, cứng đơ.

Ẩm thực Hà Nội: Trung bình bán 3.000 chiếc, ngày thu hơn 10 triệu đồng

Bánh rán Hàng Chiếu ngày bán 3.000 chiếc, khách Tây thưởng thức xong thốt lên câu duy nhất - Ảnh 3.

Ẩm thực Hà Nội. Du khách nước ngoài rất thích bánh ran của bà Kim Dung. Ảnh: Huy Hoàng

Bánh rán Hàng Chiếu ngày bán 3.000 chiếc, khách Tây thưởng thức xong thốt lên câu duy nhất - Ảnh 4.

Du khách nước ngoài rất thích món bánh rán của bà Kim Dung. Ảnh: Huy Hoàng

Trong cuộc trò chuyện chia sẻ với PV Dân Việt, bà Kim Dung luôn bị ngắt quãng bởi thực khách đến mua bánh rán. Bà Kim Dung kể, năm nay đã bước sang tuổi 69, nhưng bà vẫn cố gắng học thuộc lòng một số câu tiếng Anh thông dụng như xin chào, cảm ơn, số đếm 1,2,3, số tiền đơn vị hàng trăm, hàng nghìn để trả lời khách Tây.

Theo bà Kim Dung, du khách nước ngoài rất thích ăn bánh rán của bà, nhiều khách ngày nào cũng đến mua. Có những vị khách Tây trở thành khách ruột, lần nào sang Việt Nam, đến Hà Nội cũng phải ghé qua mua bánh rán của bà.

Còn có những đoàn khách du lịch nước ngoài vài chục người thì thường xuyên đi qua và cũng ghé mua. Hỏi bà có phải trả hoa hồng cho hướng dẫn viên, bà bảo, các cháu hướng dẫn viên không lấy hoa hồng, họ nói chỉ muốn giới thiệu cho khách nước ngoài biết thêm thức quà truyền thống của Việt Nam.

Hỏi bà Kim Dung, vậy khách nước ngoài ăn xong chiếc bánh rán nói sao? Bà Kim Dung cười hiền hậu trả lời: họ giơ ngón tay cái và nói number one.

Theo bà Kim Dung, không chỉ du khách nước ngoài "nghiện" món bánh rán mà rất nhiều du khách các tỉnh, thành phố trong nước cũng tìm về mua bánh của bà. Những thực khách gần như Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa mỗi lần mua từ vài chục tới vài trăm chiếc bánh rán. Còn có khách từ Tây Nguyên ra Hà Nội, "nghiện" bánh của bà thì mỗi lần mua là 1.000 chiếc. Vị khách này mua không chỉ mang về ăn mà còn làm quà Hà Nội.

Bánh rán Hàng Chiếu ngày bán 3.000 chiếc, khách Tây thưởng thức xong thốt lên câu duy nhất - Ảnh 5.

Ẩm thực Hà Nội. Bánh rán tẩm đường tại tủ kính của bà Kim Dung, dù tẩm đường nhưng nhân bên trong lại nhạt vì vậy mà bánh không bị quá ngọt. Ảnh: Huy Hoàng

Trong chiếc tủ kính nhỏ xinh tưởng chừng như khiêm nhường kia là ba loại bánh gồm: bánh rán tẩm mật, tẩm đường và bánh rán vừng luôn tỏa mùi thơm phức, nóng hổi và có sức hút không nhỏ với nhiều thực khách.

Một thực khách dừng xe máy vào mua liên 100 chiếc bánh và chia sẻ, vì trót "nghiện" bánh rán này nên đã đi từ Hải Dương lên Hà Nội để mua bánh rán.

Chia sẻ với chúng tôi, thực khách Tuấn Anh, trú tại phố hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm cho biết: "Tôi biết hàng bánh rán này lâu đời rồi, gia đình tôi nghiện món bánh rán ở đây, hầu như một tuần tôi phải ba lần qua đây mua bánh về ăn, có những hôm mưa gió, rét mướt tôi vẫn đi xe máy qua mua. Bánh rán ở đây rất ngon, bên ngoài thì giòn, thơm, cắn miếng bánh thấy vị ngậy, bùi, thơm của nhân mà lại không quá ngọt. Với bánh rán tẩm mật và tẩm đường, bên ngoài vỏ ngọt nhưng trong nhân đỗ dừa không ngọt, nên cắn miếng bánh vị ngọt được hài hòa giữa vỏ bánh và nhân bánh tạo nên vị ngọt vừa phải, dễ ăn, không bị ngấy và bứ ở cổ".

Bánh rán Hàng Chiếu ngày bán 3.000 chiếc, khách Tây thưởng thức xong thốt lên câu duy nhất - Ảnh 6.

Bánh rán tẩm vừng luôn được bán chạy nhất tại cửa hàng bánh rán của bà Kim Dung. Ảnh: Huy Hoàng

Bà Kim Dung cho biết, trước dịch Covid, quán bánh rán của bà bán đông khách hơn, ngày bán được khoảng gần 4.000 chiếc bánh nhưng bây giờ khách ít hơn, chỉ bán được khoảng 3.000 chiếc. Và mặc dù kinh tế khó khăn, giá nguyên liệu tăng, chi phí trả tiền cho nhân công cũng tăng nhưng bà Kim Dung không tăng giá, vẫn giữ giá 4.000 đồng/chiếc.

Được biết, trước khi bà chuyển hẳn sang chỉ bán mình bánh rán, bà Kim Dung đã làm và bán cả bánh chuối, bánh khoai, bánh gối và quẩy.

Bà Kim Dung cho biết, nhà bà có 4 chị em gái thì cả 4 đều làm nghề bánh rán, đến bây giờ các con của bà cũng theo nghề và phụ mẹ bán bánh rán.

Bà Kim Dung cho hay, bà là người Hà Nội gốc, những thức quà vặt này bà được học từ bé, nên cũng có chút khéo tay và biết làm.

Bánh rán Hàng Chiếu ngày bán 3.000 chiếc, khách Tây thưởng thức xong thốt lên câu duy nhất - Ảnh 7.

Du khách đội ô mua bánh rán của bà Kim Dung. Ảnh: Huy Hoàng

Bánh rán Hàng Chiếu ngày bán 3.000 chiếc, khách Tây thưởng thức xong thốt lên câu duy nhất - Ảnh 7.

Ẩm thực Hà Nội. Quán bánh rán nhỏ bé của bà Kim Dung nhưng lại cực kỳ đông khách. Ảnh: Huy Hoàng