Tôm nguyên liệu rớt giá thảm hại, có loại giảm đến 60.000 đồng/kg, chỉ bằng 1/2 giá tôm so với năm 2022. Người nuôi tôm ngậm ngùi bán lỗ cho thương lái mà không thể kêu gọi giải cứu như các nông sản khác.
Ông Long Văn Nghĩa, Thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu chua chát: Giá tôm kiểu này, càng nuôi càng lỗ vốn. Tôi nuôi theo mô hình siêu thâm canh mật độ cao, năng suất đạt cao, nhưng giá thấp quá nên cũng đành tạm nghỉ để chờ giá.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Duy, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu nói như than: “Với giá tôm như hiện nay nông dân thật sự chóng mặt, vì có trúng tôm thì cũng lỗ.
Chi phí đầu tư cho nuôi tôm không ngừng tăng cao, giá tôm thế này coi như thua. Hiện tại tôi phải tạm treo ao để chờ giá chứ không dám thả nuôi vụ mới”.
Giá tôm tại tỉnh Bạc Liêu giảm liên tục khiến người nuôi càng nuôi càng lỗ vốn. Ảnh: Nhật Hồ
Ngày 18.7, bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết, giá tôm nguyên liệu những ngày qua tiếp tục giảm sâu. Hiện giá tôm thẻ cỡ 100 con/kg bán tại ao chỉ còn 60.000 đồng, giảm trên 45.000 đồng/kg so với cùng kỳ 2022.
Theo bà Bình, với như vậy hiện nay người nuôi tôm không dám mạo hiểm thả giống vì sợ bị lỗ.
Bà Bình cho biết: "Đến thời điểm này, tỉnh Sóc Trăng mới chỉ thả nuôi 70% diện tích. Người dân đang theo dõi giá tôm để quyết định có nên thả giống giống hay không".
Theo tính toán của người nuôi tôm Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau chi phí nuôi đạt cỡ 100 con/kg dao động 70.000 - 75.000 đồng. Trong khi giá bán hiện chỉ có 60.000 đồng/kg. Giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản, công lao động có giảm so với đầu năm nhưng không đáng kể. Chính vì vậy giá thành tôm nuôi rất cao.
Tại tỉnh Bạc Liêu có 25 tổ chức và hơn 830 hộ dân đang đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh 2 - 3 giai đoạn với diện tích trên 4.600ha. Với giá tôm giảm liên tục, diện tích thả nuôi cũng giảm theo, khiến mục tiêu xuất khẩu 1 tỉ USD từ thủy sẩn của Bạc Liêu khó đạt.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú nêu nguyên nhân giá tôm liên tiếp sụt giảm là do hiện tại đang vào mùa vụ nuôi tôm chính, không chỉ ở Việt Nam mà còn tập trung ở các nước nuôi tôm khác như: Ecuador, Ấn Độ và Indonesia.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) cho biết, theo thông lệ hầu hết nhận định thị trường sẽ phục hồi vào nửa cuối năm.
"Thực tế đến giữa tháng 7 cho thấy thị trường có hồi phục từng bước nhưng còn chậm và giá tiêu thụ chưa cải thiện. Có thể nguồn cung tôm giá rẻ từ Ecuador dồi dào. Hy vọng thị trường cuối năm sẽ hồi phục, ngành thủy sản đạt mục tiêu đặt ra".
Đơn cử giá thành sản xuất tôm nguyên liệu của Ecuador đối với con tôm size 60 con/kg chỉ khoảng 2,3 - 2,4 USD/kg, hay con tôm của Ấn Độ cũng dừng ở mức từ 3,4 - 3,5 USD/kg, nhưng giá thành sản xuất của con tôm Việt Nam lại nằm ở mức 4,8 - 5 USD/kg.
Do giá thành sản xuất thấp nên giá bán tôm nguyên liệu của các nước này cũng thấp hơn giá bán của con tôm Việt Nam từ 25.000 - 30.000 đồng/kg.
Vì vậy, ngay từ khi nuôi tôm, bản thân con tôm Việt Nam đã mất đi lợi thế cạnh tranh mà nguyên nhân chính là chi phí đầu vào cho con tôm quá cao, nhưng lại chưa có một chính sách đặc thù nào cho phát triển con tôm, nhất là chính sách về tín dụng.
Ông Nguyễn Hoàng Xuân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu cho rằng người dân cần ổn định tâm lý, tránh thu hoạch tôm nuôi ồ ạt, duy trì thả nuôi ổn định với mật độ thưa hơn, kéo dài thời gian nuôi để tăng kích cỡ tôm thu hoạch size lớn, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, tăng giá bán, từ đó tăng hiệu suất đầu tư.
Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nắm bắt tình hình diễn biến giá tôm nguyên liệu, phân tích hiệu quả sản xuất từng cỡ tôm thu hoạch, dự báo diễn biến nhu cầu của thị trường tiêu thụ, kịp thời thông tin đến chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người nuôi có kế hoạch thả giống và giải pháp phù hợp trong tổ chức sản xuất.