Dân Việt

NSND Trịnh Thúy Mùi: “Xem vở chèo “Mưa đỏ”, nhà văn Chu Lai đã phải rút lại lời thách đố”

Hà Tùng Long 23/07/2023 15:13 GMT+7
Chia sẻ với Dân Việt, NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết, chị dám đương đầu với khó khăn để dựng vở "Mưa đỏ" hòng xóa tan những nghi ngờ và lời thách đố của nhà văn Chu Lai.

Tối qua (22/7), vở chèo "Mưa đỏ" đã chính thức công diễn tại Nhà hát Lớn Hải Phòng, được truyền hình trực tiếp trên truyền hình Hải Phòng. Đây là vở diễn hướng tới kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ nhưng cũng là vở diễn nằm trong kế hoạch "sáng đèn" vào hai ngày cuối tuần của Nhà hát TP. Hải Phòng. 

NSND Trịnh Thúy Mùi: “Xem vở chèo “Mưa đỏ”, nhà văn Chu Lai đã phải rút lại lời thách đố” - Ảnh 1.

Vở "Mua đỏ" lấy bối cảnh là 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị của quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: BTC.

Vở "Mưa đỏ" lấy bối cảnh chính là cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972. Trong đó, nhân vật chính là Cường – một chàng trai Hải Phòng tuổi đời mới đôi mươi, đang là sinh viên khoa Biên kịch của Trường Nghệ thuật Sân khấu. Cường là con trai duy nhất trong gia đình có bố là liệt sĩ hy sinh thời chống Pháp, mẹ là cán bộ ngoại giao. Như bao chang trai thời chiến, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Cường đã gác bút nghiên lên đường ra mặt trận. Anh được phân công vào chiến trường Quảng Trị. Tại đây, anh cùng đồng đội được giao nhiệm vụ phải bảo vệ cho bằng được thành cổ Quảng Trị, không để cho quân thù cắm cờ lên nóc thành.

Vở kịch đã tái hiện lại một cách khá chân thực không khí đầy ác liệt, bi tráng, oai hùng và những hy sinh quả cảm của các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Ở đó, bên cạnh sự khốc liệt của chiến tranh còn có những phút giây đầy chất thơ của những người lính trẻ. Ở đó, ước mơ tuổi trẻ vẫn tiếp tục được thắp lên và sự hào hoa của những chàng trai miền Bắc vẫn sáng bừng lên giữa mưa bom bão đạn. Ở đó có tình yêu rất đẹp của chàng trai Hải Phòng với o du kích gốc Bình Trị Thiên. Có cả những bức thư đầy thiết tha và nỗi niềm của người mẹ có con ở phía bên kia chiến tuyến.

NSND Trịnh Thúy Mùi: “Xem vở chèo “Mưa đỏ”, nhà văn Chu Lai đã phải rút lại lời thách đố” - Ảnh 2.

NSND Trịnh Thúy Mùi (đứng) trong buổi khởi công dựng vở "Mua đỏ". Ảnh: BTC.

Và trên hết, đọng lại sau tất cả chính là thông điệp về sự phi nghĩa của chiến tranh và nỗi lòng của hai người mẹ có con ở hai bờ chiến tuyến. Phần kết của vở kịch với sự xuất hiện của hai người mẹ đứng trong nghĩa trang liệt sĩ, một tay cầm nhang, một tay nắm chặt lấy nhau đã làm cho bao người xem phải nhòe nước mắt. Mọi hận thù được hóa giải và cùng nhìn về tương lai, đó là điều mà cả đạo diễn lẫn tác giả của vở diễn muốn gửi gắm.

PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với NSND Trịnh Thúy Mùi – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, người đã dàn dựng vở diễn từ kịch bản của nhà văn Chu Lai.

Từ trước đến nay, sân khấu truyền thống như Chèo, Cải lương, Tuồng… ít khi dám dựng các vở chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Chu Lai. Bởi tác phẩm của ông luôn ngồn ngộn chất liệu, quá nhiều chi tiết, thời lượng cũng rất dài. Việc NSND Thúy Mùi dựng "Mưa đỏ" của nhà văn Chu Lai dưới dạng một vở chèo được nhiều người đánh giá là dũng cảm. Chị có nghĩ là mình đã mạo hiểm với chính mình?

- Trước hết, phải nói tác phẩm "Mưa đỏ" của nhà văn Chu Lai là một trong những tác phẩm rất tiêu biểu đề đề tài người lính, chiến tranh cách mạng của anh. Cách đây không lâu, anh Chu Lai có viết kịch bản sân khấu gửi tham gia giải về kịch bản do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, tôi có tò mò đọc. Tôi vốn dĩ rất yêu thích tác phẩm và thần tượng nhà văn Chu Lai nên vẫn thường tìm đọc các tác phẩm của anh. Tôi thấy, ngôn ngữ văn chương trong các tác phẩm của Chu Lai rất đặc biệt. Và khi đọc kịch bản "Mưa đỏ" thì tôi đã yêu thích ngay từ giây phút đầu và có ý nghĩ sẽ dựng kịch bản này thành một vở diễn thật hay.

NSND Trịnh Thúy Mùi: “Xem vở chèo “Mưa đỏ”, nhà văn Chu Lai đã phải rút lại lời thách đố” - Ảnh 3.

Một cảnh trong vở "Mưa đỏ". Ảnh: BTC.

Khi biết tôi định dựng "Mưa đỏ" thành vở chèo, anh Chu Lai có chút nghi ngờ và thách đố tôi. Anh không tin là tôi có thể dựng vở này cho sân khấu chèo vì vô cùng khó. Trước đó, vở diễn này cũng đã được dàn dựng trên sân khấu kịch và ê-kíp sáng tạo cũng đã phải đối diện với rất nhiều thử thách. Nhưng tính tôi là càng khó, tôi lại càng quyết tâm làm bằng được. Phen này tôi quyết tâm phải làm cho ra vở này để anh Chu Lai phải rút lại lời thách đố.

Trước khi bắt tay dựng vở này, chúng tôi cũng phải ngồi nói chuyện rất kỹ với anh Chu Lai. Vì kịch bản anh ấy viết rất nhiều chất liệu, nhiều lớp lang nhưng với thời lượng của sân khấu ước lệ như nghệ thuật chèo thì chúng tôi không thể mang lên được hết tất cả. Và chúng tôi đã thuyết phục được anh Chu Lai cho phép lược bỏ một số phần, chỉ lấy những gì tinh túy nhất của kịch bản nhưng vẫn kể được toàn bộ câu chuyện và truyền tải trọn vẹn thông điệp. Anh Chu Lai có giao hẹn với chúng tôi là cắt gọt đoạn nào cũng được nhưng không được phép bỏ đi sự xuất hiện và cuộc đối thoại của hai bà mẹ ở phần cuối. Bởi chính đoạn này mới là chủ đề tư tưởng cốt lõi của cả vở diễn.

Và khi vở diễn hoàn thành, chúng tôi mời anh Chu Lai xuống Hải Phòng xem thì đã vội xin rút lại lời thách đố. Anh phải thừa nhận là chèo có những lợi thế rất riêng khi truyền tải nội tâm mà các loại hình khác không có được. Chèo thông qua những lời ca đã truyển tải được nội tâm nhân vật cực kỳ sâu sắc mà tác giả cũng phải rung lên những nhịp đập rất khó tả.

Với những đạo diễn giỏi nghề thì các vở chèo hiện đại, nhất là về đề tài cách mạng luôn mang đến cho họ rất nhiều cảm hứng nhưng cũng đặt để họ trong khá nhiều thử thách. Khi dàn dựng vở chèo này cho Đoàn chèo Hải Phòng, chị đã gặp những khó khăn gì?

- Trước hết, phải khẳng định luôn là chèo thuận lợi nhất khi làm về các đề tài lịch sử, dân gian… Chèo không có nhiều lợi thế khi thực hiện các vở về đề tài cách mạng. Bởi với dạng đề tài này, khi đưa các yếu tố hiện đại vào không khéo sẽ biến vở diễn thành một tác phẩm kịch hơn là sân khấu chèo. Tuy nhiên, lần này, tôi mạnh dạn dàn dựng "Mưa đỏ" của nhà văn Chu Lai vì tôi rất yêu tác phẩm này. Đây là một trong những tác phẩm viết về người lính, về cách mạng một cách sâu sắc và nhân văn nhất với nhiều chi tiết đắt giá. Thêm một lí do nữa là tôi rất thần tượng nhà văn Chu Lai – một người viết về người lính với góc nhìn rất riêng, ít ai có được.

NSND Trịnh Thúy Mùi: “Xem vở chèo “Mưa đỏ”, nhà văn Chu Lai đã phải rút lại lời thách đố” - Ảnh 4.

Cảnh hai bà mẹ có hai con trai ở hai bên chiến tuyến gặp nhau trong nghĩa trang ở cuối vở gây xúc động mạnh mẽ. Ảnh: BTC.

Trong quá trình dựng vở, tôi gặp tương đối nhiều áp lực. Thứ nhất, tác giả và tác phẩm đều nổi tiếng. Kịch "Mưa đỏ" trước đó cũng gặt hái được nhiều thành công. Thứ hai, tác phẩm lấy bối cảnh không gian và thời gian là thời chống Mỹ - một thời kỳ rất gần với chúng ta hôm nay nên ngồn ngộn chất liệu đời sống và việc phải lựa chọn chi tiết nào để tăng phần đắt giá cho vở diễn là cả một vấn đề.

Dẫu vậy, không còn cách nào khác, chúng tôi buộc phải "dĩ bất biến, ứng vạn biến", "có khó ló cái khôn", biến những điều bất lợi thành lợi thế của chèo. Ví dụ, trong tác phẩm này, xuyên suốt màn này qua màn khác là chiến đấu, lúc nào súng đạn cũng đùng đoàng… và chúng tôi biến sự khốc liệt đó thành những chi tiết rất lãng mạn khi thêm vào những làn điệu, bài ca của chèo, của ca Huế. Để từ đó, người ta thấy được, chiến tranh đâu chỉ có sự khốc liệt mà còn có cả sự lãng mạn chủ nghĩa. Nhờ tình yêu, nhờ sự lãng mạn đó mà con người ta có nhiều sức mạnh hơn để vượt qua khó khăn, chiến thắng kẻ thù.

Chia sẻ với Dân Việt, nhà văn Chu Lai cho biết: "Nếu ở kịch nói thì "Mưa đỏ" là sấm chớp vang trời; chèo thì lắng sâu, yên ả nhưng vẫn giữ được hào khí của một thời trận mạc. Tôi thực sự rất hài lòng với phiên bản "Mưa đỏ" của sân khấu chèo.

Nếu xem vở diễn chúng ta sẽ thấy, chỉ miêu tả trận mạc thì trận mạc trong vở này cũng như các trận mạc khác. Nhưng ở "Mưa đỏ", nó có hình tượng hai người mẹ. Hai người mẹ xuất hiện trong nghĩa trang để cùng xóa bỏ thù hận, cái gì qua được thì cho qua. NSND Thúy Mùi đã xử lí đoạn kết này rất khéo léo, tinh tế và xúc động".

Chúng tôi đã cố gắng tạo ra nhiều mảng miếng đan xen. Có những màn thì rất căng thẳng, khốc liệt; có những màn rất mềm mại, lãng mạn; có những màn xúc động ngay từ giây phút đầu. Vẫn biết tác phẩm được làm để tri ân trong dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ nhưng sẽ không mang nặng tỉnh tuyên truyền, hô khẩu hiệu sáo rỗng.

May mắn, Đoàn chèo Hải Phòng có một đội ngũ nghệ sĩ đang ở độ chín của nghề. Các bạn ấy nắm bắt mọi thứ rất nhanh. Gần 30 năm nay, Hải Phòng chưa hề dựng bất kỳ tác phẩm sân khấu truyền thống nào về đề tài về cách mạng, cái này vừa là cái khó (vì không có thói quen) nhưng vừa là cái dễ bởi đó sẽ là "mảnh đất mới" để chúng tôi khai phá. Khi phân vai, chúng tôi lựa chọn, cân nhắc kỹ càng từng người để giao vai và ai cũng hứng khởi, nhiệt huyết khi được giao vai đúng sở trường của mình. Nhờ sự hứng khởi đó mà khi cộng hưởng với kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, thiết kế sân khấu… đã tạo nên một sự thăng hoa rất lớn.

Vở diễn này cũng nhận được sự hợp tác rất tâm huyết của nhạc sĩ Đào Tuấn Hải – người đang viết nhạc khỏe nhất làng chèo; nghệ sĩ Minh Thu – người được xem như "tư liệu sống" về chèo giúp phần chuyển thể làn điệu; nghệ sĩ Đạt Tăng – người quá sành sỏi và kinh nghiệm trong thiết kế sân khấu truyền thống.

Vở diễn gây bất ngờ với sự xuất hiện của hai bà mẹ ở phần kết. Cái kết được nhiều người ví như một "chiếc cầu tâm tưởng" xoá bỏ mọi ngăn trở của phía bên này và phía bên kia, xóa bỏ những hận thù do chiến tranh và hướng con người ta đến sự nhân văn cao nhất. Để làm nên cái kết "sáng bừng" này, chị đã tính toán như thế nào?

- Nhà văn Chu Lai là người bước ra từ cuộc chiến, viết nhiều tác phẩm về người lính, về chiến tranh rất chi là trần trụi nhưng cũng đầy sự nhân văn. Trong kịch bản nguyên tác, hình ảnh hai bà mẹ xuất hiện khá nhiều, vừa kết thúc hình ảnh bà mẹ bên này lại chuyển cảnh sang bà mẹ bên kia. Nhưng nếu đưa hết lên như thế thì chèo không thể làm được vì không đủ thời lượng. Và khi quyết định chỉ dựng vở với 6 cảnh, 2 hồi thì chúng tôi tính toán để hai bà mẹ gặp nhau ở phần cuối trong nghĩa trang liệt sĩ là hợp lý nhất. Ngôn ngữ trong kịch bản của Chu Lai thì trau chuốt, kỹ càng, chuẩn chỉnh không cần phải bàn rồi; điều cần bàn là làm sao để cảnh này tạo nên sự xúc động mạnh mẽ nhất.

NSND Trịnh Thúy Mùi: “Xem vở chèo “Mưa đỏ”, nhà văn Chu Lai đã phải rút lại lời thách đố” - Ảnh 6.

Cảnh Cường và Quang đấu tranh để cắm cờ lên thành cổ. Ảnh: BTC.

Hai người mẹ đều máu đỏ da vàng, dù ở hai chiến tuyến nhưng không bà mẹ nào mong muốn con mình phải ra trận mạc. Người mẹ ở chiến tuyến bên kia cũng không hề muốn con mình cầm súng bắn vào chính đồng bào mình. Người mẹ bên này cũng không muốn con mình phải bằng mọi giá trở thành người chiến thắng. Và cộng với yêu cầu của anh Chu Lai là không được bỏ đoạn này nên chúng tôi phải tính toán rất kỹ cho tình tiết hai bà mẹ gặp nhau trong nghĩa trang liệt sĩ. 

Phải nói rằng, đoạn này trở nên đắt giá là vì ngôn ngữ của anh Chu Lai quá hay. Người mẹ nào cũng yêu con và đứa con nào cũng yêu mẹ của mình. Nhưng… chiến tranh đã tạo nên sự bất hiếu của những đứa con vì nhiệm vụ và lý tưởng mà họ đã không thể báo hiếu cha mẹ mình. Ở phần này, chúng tôi muốn làm nổi bật giá trị của sự hy sinh và làm sâu lắng hơn cái chết của chính nghĩa. Khi xây dựng xong bố cục của vở, chúng tôi thực sự thở phào, nhẹ nhõm lên sàn. Và sau đó lại chạy cật lực 2 tuần để vỡ vở, 1 tuần làm việc liên tục để tập vở. 

Các diễn viên được quy tụ từ nhiều nguồn, diễn viên chính là của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa nên phải xếp lịch tập luyện rất linh hoạt. Tôi rất hạnh phúc đó lâu lắm rồi chúng tôi mới làm việc trong không khí say mê như thế. Sự say mê này cộng hưởng từ những bộ phận nhỏ đến những người giữ trọng trách nặng nề nhất. Tôi nghĩ, tác phẩm này nếu được khán giả yêu thích sẽ là cái sự động viên vô cùng to lớn đối với ê-kíp sáng tạo và diễn viên.

Vì sao chị lại quyết định chọn diễn chính là từ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa chứ không phải là diễn viên của Đoàn chèo Hải Phòng?

- Tổng số nghệ sĩ tham gia vở này độ khoảng 60 – 70 diễn viên. Chúng tôi huy động cả bên đoàn cải lương, múa rối, kịch nói của Hải Phòng cùng tham gia. Việc chọn diễn viên Nhất Hóa của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa đóng vai Cường – vai chính của vở là vì muốn có một bạn diễn viên mới toanh để tăng thêm sự mới mẻ cho vở. Nhật Hóa là một diễn viên tài năng sinh năm 1990, có gương mặt rất thư sinh, điển trai và ca diễn đều rất tốt. Nữ chính của vở là Thùy Dương thuộc thế hệ 8x của Đoàn chèo Hải Phòng. Cô này cũng rất xinh đẹp và hát rất tốt. Cả hai dù chênh tuổi nhau nhưng có sự phối hợp rất hòa quyện và nhịp nhàng khi diễn chung.

NSND Trịnh Thúy Mùi: “Xem vở chèo “Mưa đỏ”, nhà văn Chu Lai đã phải rút lại lời thách đố” - Ảnh 8.

NSND Trịnh Thúy Mùi. Ảnh: TL.

Sau đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hải Phòng hôm qua (22/7), ngày 30 và 31/7 tới, chúng tôi sẽ diễn lại "Mưa đỏ" tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Kế hoạch tiếp theo là sẽ mang đi diễn cho công nhân ở các khu công nghiệp và một số chương trình xã hội.