Những năm 1979 về trước, hầu như toàn bộ các cánh đồng Trung Trung bộ chỉ làm từ một đến hai vụ lúa.
Một vụ gieo và một vụ cấy. Vụ gieo bắt đầu từ khoảng tháng năm đến tháng sáu với giống lúa ba trăng. Vụ này đến tháng mười mới gặt.
Hạt lúa ba trăng to, dài và vỏ dày hơn hạt lúa bây giờ. Ba trăng có hai loại: trắng và đỏ. Giống ba trăng cho năng suất thấp, được mùa lắm cho 2 tạ một sào là cùng nhưng hạt gạo làm ra mẩy mập lạ lùng. Đúng là hạt gạo thắm đượm nắng tháng Năm, bão lũ tháng Mười.
Khi lúa phơi khô, giê sạch người ta thường xay bằng cối tre, rồi bỏ vào cối đá (hoặc cối gỗ) để giã. Giã xong đem giần, sảy đến khi nào sạch hết thóc thôi. Những ngày mưa đông lạnh người ta thường dùng om đất để nấu cơm.
Nấu cơm gạo ba trăng cũng lắm công phu. Nếu là gạo mới, đun lửa cơm sôi chừng ba, bốn phút là phải chắt nước ngay không cho hạt gạo nở nhiều, nước được chắt ra gọi là “nước cơm chín”.
Loại nước này người ta không bỏ đi mà thường cho trẻ con uống, nhà nào kha khá thì cho vào ít muỗng đường thì thật là tuyệt, vì rất ngon và bổ.
Khi cơm chín bới ra rổ rá tre mùi thơm phưng phức, cái hương thơm của hương đồng gió nội ngây ngất đến thân thương. Khi bới cơm xong, ở quanh hông nồi có lớp cơm cháy vàng ươm, miếng cơm cháy này mà chấm với nước mắm “trổ” (còn gọi là mắm nhỉ) có pha chút ớt thì tuyệt diệu.
Hồi nhỏ anh em tôi thường bị bà và mẹ mắng cũng vì tranh nhau cái hông nồi cơm cháy.
Cá rô đồng tháng chín, tháng mười ăn mầm lúa béo trùng trục, người ta đi câu, thả lưới đem về thả nuôi trong chum, trong ảng để dành ăn cả tuần.
Cá rô nướng sơ trên lửa than rồi đem chiên với dầu phụng, dầu phụng thứ thiệt chứ không phải loại dầu ăn “công nghiệp” như bây giờ. Khi chiên, cá rô tươm mỡ xì xèo với mùi ngọt lịm.
Trên cái mâm bằng gỗ mít, lâu năm ánh đen như mun và tròn như chiếc bánh tráng. Trên mâm vỏn vẹn chỉ có đĩa cá rô chiên vàng với chén nước mắm nghệ vàng óng với đĩa rau luộc.
Rau thì tùy bữa, có hôm rau lang, rau muống hoặc rau ráng non hái ngoài bờ ruộng dọc theo những con sông nước lợ đổ ra biển.
Thế nhưng với cơm gạo ba trăng thì ăn chẳng thấy chán. Ăn hết nồi kể cả miếng cháy nhưng vẫn còn thòm thèm. Trong những ngày nông nhàn, nhất là vào những ngày mưa gió, chợ búa không đông, các bà các chị lấy gạo ba trăng đem nấu món cháo vôi hoặc đổ bánh đúc.
Ôi cái hương vị của bánh đúc gạo ba trăng đem chấm với mắm nem dằm với ớt xanh thì làm sao quên được.
Bây giờ có nhiều giống lúa lai cho năng suất cao, cùng với kinh tế thị trường đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, trong đó có thay đổi cách sống, cách ăn.
Gạo ba trăng đã đi vào dĩ vãng, thay vào đó là những hạt gạo “lai” ngắn ngày cho năng suất cao hơn để đáp ứng nhu cầu cuộc sống của con người. Nhưng sao mà quên được cơm gạo ba trăng - một thứ cơm của những ngày đông giá rét trong thuở cơ hàn, có khi đã thành… đặc sản của nỗi nhớ thương quê.