Vấn đề du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được các nước phát triển trên thế giới triển khai từ những năm 80 thế kỷ trước. Khi ngăn chặn dòng người từ nông thôn di chuyển ra thành phố, giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn là một trong giải pháp hiệu quả, bền vững nhằm nâng cao thu nhập người dân và đổi mới bộ mặt nông thôn.
Việt Nam với diện tích nông thôn rộng lớn, trải dài khắp các địa phương, vùng miền, với điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, phong cảnh, ẩm thực, văn hóa đa dạng, tài nguyên thiên nhiên gắn với du lịch nông thôn hiện nay rất đa dạng, phong phú và đặc sắc.
Bên cạnh đó còn có các giá trị văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, nghề thủ công truyền thống, văn hóa cộng đồng các dân tộc anh em rất bản sắc… người dân nông thôn luôn cởi mở, thân thiện, chân tình. Đây là tiền đề rất quan trọng để phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông thôn, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, tuy nhiên nguồn tài nguyên lại chưa được khai thác hết và hiệu quả.
Tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, gắn với bản sắc, đặc trưng vùng miền, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao. Tạo ra điểm liên kết để du lịch nông nghiệp kéo dài; Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền cũng chính là một trong những nhiệm vụ Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ đề ra.
Tham dự Hội nghị có:
-Chuyên gia Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty CP Bagico
-TS Nguyễn Tất Thắng, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Du lịch ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
- Ông Hoàng Văn Đại, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu
- Ông Vàng A Chứ, người tham gia làm du lịch cộng đồng ở xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu.
- Ông Bùi Quang Doanh, Chuyên gia phát triển sản phẩm du lịch bền vững
- Anh Võ Văn Phong, Giám đốc Công ty Du lịch C2T, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
Tham dự Hội nghị hôm nay còn có một số cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
Hiện Tổng cục Du lịch đã phát triển mô hình "Làng du lịch thông minh" (Smart Village) nhằm khai thác các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, sức mạnh của cộng đồng,… hình thành các điểm đến có sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao, được du khách trong nước và nước ngoài tin cậy truy cập, tìm kiếm qua các website, mạng xã hội, ứng dụng công nghệ. Nhiều người dân nông thôn, các bạn trẻ cũng đang chọn hướng phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn để thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nâng cao năng lực khu vực tư nhân trong đào tạo, ươm tạo, kết nối, gọi vốn, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam thuộc Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia, các startup trẻ trong việc thúc đẩy khởi nghiệp làm du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị online với chủ đề: "Những vấn đề đặt ra trong khởi nghiệp làm du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn".
Phát biểu khai mạc hội nghị, nhà báo Nguyễn Văn Hoài - Phó Tổng Biên tập báo Nông thôn ngày nay chia sẻ: "Đây là hội nghị thứ 4 Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức. Hội nghị online với chủ đề: “Những vấn đề đặt ra trong khởi nghiệp làm du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn” nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia, các startup trẻ trong việc thúc đẩy khởi nghiệp làm du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn".
"Hiện nay, câu chuyện khởi nghiệp làm du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn đang là đích đến của rất nhiều các bạn trẻ khởi nghiệp. Tôi có xem một bộ phim Hạnh phúc đến vạn gia của Trung Quốc kể về câu chuyện khởi nghiệp của 1 cô gái trẻ về làng quê làm du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn rất hay", ông Hoài cho biết.
Tại Việt Nam, đất nước có lợi thế rất lớn về phát triển nông nghiệp. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn. Hiện nay, Nhà nước, các bộ ban ngành rất quan tâm đến phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn thôn và có nhiều cơ chế chính sách phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn. Chính phủ cũng đã có Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Việt Nam với 7 vùng sinh thái, nền nông nghiệp nhiệt đới với nhiều sản vật phong phú, là tiềm năng vô cùng to lớn để phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn.
Hiện nay, phong trào các bạn trẻ khởi nghiệp du lịch nông thôn rất nhiều. Bên cạnh những lợi thế còn nhiều bất cập như tự phát, nhỏ lẻ, thiếu quản lý nhân lực….
Báo NTNN/ Dân Việt phối hợp Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức Hội nghị online này nhằm nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia, các startup trẻ trong việc thúc đẩy khởi nghiệp làm du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn.
Có thể thấy, phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn là một chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, được thể hiện trong rất nhiều Nghị quyết, quyết định, chương trình, đề án. Chính phủ cũng đã có Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Việt Nam với 7 vùng sinh thái, nền nông nghiệp nhiệt đới với nhiều sản vật phong phú, là tiềm năng vô cùng to lớn để phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn.
Tham dự hội nghị, chuyên gia Nguyễn Thị Thành Thực - Giám đốc Công ty CP Bagico đánh giá: "Ở góc nhìn của một người làm nông nghiệp đã gần 20 năm, được đi nhiều nơi, ví dụ tìm hiểu nhiều về thị trường Trung Quốc - một nước gần Việt Nam và có nhiều nét tương đồng với nông thôn Việt Nam, và thấy họ khai thác du lịch nông thôn rất tốt. Trong khi đó, ở nước ta, có thể nói du lịch nông thôn có rất nhiều tiềm năng để khai thác. Vốn tự có của chúng ta rất nhiều, ví dụ các vùng ruộng bậc thang của Việt Nan đã trở thành tài sản du lịch nổi tiếng từ nhiều năm nay mà không cần đầu tư nhiều, hay các vùng biển, vùng trồng dừa, vùng trồng lúa từ Bắc vào Nam…
Với ngành nông nghiệp có lịch sử phát triển rất nhiều năm, nếu biết khai thác tiềm năng đó gắn với du lịch thì đây sẽ là một ngành cực kì tiềm năng.
"Tuy nhiên, tôi có cảm giác như 2 lĩnh vực này vốn chẳng có liên quan gì đến nhau, người làm nông nghiệp thì vẫn chân lấm tay bùn, ra đồng ruộng chỉ biết chăm chú vào sản xuất; còn du lịch thì là đồng nghĩa với ăn ngon mặc đẹp, đi chơi nơi này tới nơi khác… Làm thế nào để kết hợp 2 lĩnh vực này với nhau, tôi ví von là thiết lập một cuộc hôn nhân bền vững, hạnh phúc nhiều đời thì rất cần các trải nghiệm, hiến kế của những người đang làm du lịch nông nghiệp", bà Thành Thực nhấn mạnh.
Có mặt tại hội nghị, TS Nguyễn Tất Thắng - Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Du lịch ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Việt Nam có tiềm năng phát triển du lịch rất phong phú và đa dạng. Từ các tỉnh từ miền núi phía Bắc đến đồng bằng sông Hồng, miền Trung hay Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, mỗi nơi đều có đặc thù riêng và kinh tế xã hội, các sản vật riêng đều rất phong phú.
Đất nước ta với 54 dân tộc anh em sinh sống, mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa khác nhau rất đa dạng và đặc sắc.
Hiện, phần lớn lao động của chúng ta đều ở khu vực nông nghiệp. Hiện đảng và nhà nước đang có chủ trương phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn và các doanh nghiệp, nông dân cũng đang rất mong muốn và đang làm du lịch nông nghiệp, đây thực sự là cơ duyên và là cơ hội để phát triển ngành mới này ngày càng hiệu quả hơn.
Báo Nông thôn Ngày nay/ Điện tử Dân Việt và các bộ ngành cần tổ chức nhiều hơn các tạo đàm trực tuyến về du lịch nông nghiệp để bàn luận nâng cao kiến thức phát triển du lịch để nông dân, các doanh nghiệp có thêm thông tin và tiếp sức để làm du lịch nông nghiệp, nông thôn hiệu quả hơn.
Là người thường xuyên hỗ trợ, tư vấn các bạn trẻ khởi nghiệp với du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn, bà Nguyễn Thị Thành Thực nhận định: "Có lẽ không chỉ riêng trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn mà có một việc đa phần các bạn khởi nghiệp đều chưa thực sự làm tốt ngay từ đầu, đó là lên phương án kinh doanh.
Nếu các bạn có phương án kinh doanh cụ thể, rõ ràng ngay từ đầu và công khai các kế hoạch cũng như lộ trình,… thì chắc chắn các bạn sẽ nhận được sự góp ý của nhiều chuyên gia hay những người đi trước đã có kinh nghiệm, từ đó các bạn sẽ quản trị được những rủi ro trong kinh doanh của mình, hạn chế tối đa việc loay hoay, hoang mang khi gặp những vấn đề bất trắc".
"Trên thực tế, phía sau xu hướng bỏ phố về rừng là nhiều star-up phải bán tháo bán lỗ các mô hình kinh doanh của mình do không quản trị được những rủi ro với các mô hình kinh doanh, điều này cũng hoàn toàn bình thường nhất là đối với các bạn trẻ. Do đó, chỉ cần có kế hoạch, quyết tâm và mạnh dạn trao đổi, học hỏi thì tỷ lệ thành công của các bạn sẽ cao hơn.
Một điểm nữa là các bạn phải phân định được rạch ròi 2 mảng du lịch và nông nghiệp, và phải hiểu rõ mình mạnh về mảng gì. Nếu không mạnh về mảng nào cần kết hợp với những người có thế mạnh chứ chúng ta không thể giỏi cả 2 lĩnh vực này được. Cuối cùng, tôi vẫn luôn đánh giá cao các bạn trẻ, các bạn chính là nguồn lực quan trọng và tôi luôn luôn ủng hộ các bạn trong phong trào khởi nghiệp", chuyên gia Thành Thực thông tin.
Nắm bắt nhu cầu nguồn nhân lực ngành du lịch đang ngày một lớn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã xây dựng chương trình đào tạo ngành du lịch. Về vấn đề này, TS Nguyễn Tất Thắng chia sẻ: Học viện Nông nghiệp Việt Nam xác định đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó ngoài các lĩnh vực, ngành nông nghiệp truyền thống thì Học viện cũng phát triển những lịch vực đào tạo khác, giúp gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp.
Trong đó, du lịch nông nghiệp chính là ngành giúp gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp hiệu quả, giúp bà con nông dân sống vui khoẻ, tăng thu nhập từ chính sản phẩm của mình, do đó ngành Du lịch và ngoại ngữ đã được Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát triển, đào tạo với các kỹ năng vô cùng đa dạng, từ học ngoại ngữ, marketting đến kỹ năng tổ chức các tour, tuyến, điểm…, thu hút những bạn trẻ có đam mê với nông nghiệp và khoa học sự sống.
Các chương trình học đa dạng, hiện đại sẽ giúp người học nhanh chóng nắm bắt lợi thế của thị trường, từ đó thúc đẩy quản trị ngành mình học khi ra trường, phát triển thế mạnh của mình, thúc đẩy chuỗi tuần hoàn trong du lịch nông nghiệp.
Tham gia hội nghị tại điểm cầu trực tuyến ở Lai Châu, ông Và A Chứ là một trong những nông dân làm du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn thành công ở xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu chia sẻ lại những kinh nghiệm của mình.
Cụ thể, ông Và A Chứ chia sẻ: "Khó khăn nhất là ở bản là vốn làm du lịch. Thứ 2 là đường giao thông đi lại khó khăn hiện đã được địa phương làm và hoàn thiện dần. Ở địa phương chúng tôi, chính quyền cũng nhiều tạo điều kiện để bà con làm du lịch, trước dân đi làm nương mãi vẫn đói nghèo nhưng giờ mọi người ở nhà làm nhà nghỉ, trồng rau, dệt thổ cẩm... tiếp khách du lịch nên đã có cuộc sống khá giả hơn. Hiện, chúng tôi đã có nhiều sản phẩm thổ cẩm, rau, thực phẩm, hoa lan... bán cho khách du lịch giúp bà con tăng thu nhập đáng kể".
"Riêng gia đình tôi cũng thế, nhờ làm du lịch mà đã có của ăn, của để hơn, mọi người không phải đi làm nương vất vả như trước nữa mà tập trung vào tiếp khách du lịch và làm các sản phẩm du lịch để bán cho khách" - ông Và A Chứ thông tin.
Cũng tham dự hội nghị trực tuyến, anh Hoàng Văn Đại - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu nói: "Để bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn như ngày nay, chính quyền địa phương và người dân Sin Suối Hồ đã cố gắng, nỗ lực rất lớn và trải qua một hành trình dài".
Sin Suối Hồ nằm ở độ cao khoảng 1.500m so với mực nước biển, có khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm. Bên cạnh được thiên nhiên, khí hậu ưu đãi, thì Đảng uỷ, UBND xã Sin Suối Hồ đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch cộng đồng. Chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt cùng bà con nông dân phát triển du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, Sin Suối Hồ đã phối hợp các cấp các ngành, các doanh nghiệp tuyên truyền, quảng bá điểm du lịch Sin Suối Hồ – được ví như “cô gái đẹp chưa ngủ dậy”.
Đến với Sin Suối Hồ du khách sẽ được tìm hiểu nét đẹp độc đáo trong văn hóa, sinh hoạt, ẩm thực của đồng bào dân tộc Mông bản địa. Cùng với đó, được thiên nhiên ưu đãi, Sin Suối Hồ có nhiều địa điểm để du khách tham quan, khám phá như đỉnh Lương Sơn Bạc, thác Tình yêu, thác Trái tim.
Bản Sin Suối Hồ có 145 hộ dân thì đa số các hộ trong bản đều làm du lịch cộng đồng. Trong điểm bản có đội văn nghệ; có nhà hàng; homestay sạch sẽ, tiện nghi phục vụ du khách. Đặc biệt ở Sin Suối Hồ còn có rất nhiều "Nhà tổ chim" là một trong những điểm nhấn thu hút khách du lịch…
Chính quyền địa phương xác định lộ trình làm du lịch với các giai đoạn 2020-2025 với 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phấn đấu du lịch OCOP 4 sao, xây dựng điểm nâng cấp chợ phiên; giới thiệu quảng bá các sản phẩm du lịch. Giai đoạn 2026 – 2030, Đảng uỷ, UBND xã Sin Suối Hồ tiếp tục xác định phát triển du lịch cộng đồng là thế mạnh của địa phương.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch của mình ở khu vực ĐBSCL - nơi vẫn được đánh giá có sự tương đối đồng nhất giữa các địa phương, tức là ít có điểm nhấn; anh Võ Văn Phong đến từ Công ty du lịch C2T, Thành Phố Bến Tre (tỉnh Bến Tre) nhấn mạnh:
Lý do tôi khởi nghiệp từ nông nghiệp nông thôn là năm 2016 khi hạn mặn diễn ra vô cùng khủng khiếp, việc phát triển kinh tế nông nghiệp của tôi cũng như nhiều nông dân khác ở Bến Tre trở nên khó khăn. Lúc đó tôi đã nghĩ đến việc sẽ chuyển hướng để làm việc gì đó cũng từ nông nghiệp bởi tôi cho rằng trong khó khăn luôn có cơ hội, chỉ là mình có nhìn nhận và nắm bắt được nó hay không thôi.
Ai cũng nói về miền Tây giống nhau nhưng tôi cho rằng có nhiều sự khác biệt, vị trí địa ký khác nhau, con người khác nhau, sản vật khác nhau… sẽ tạo nên sản phẩm du lịch hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, Bến Tre quê tôi có rất nhiều dừa, việc ăn cơm bằng chén là từ vỏ dừa, nấu canh chua bằng nước dừa, làm nón từ lá dừa… đó chính là văn hóa của người Bến Tre và tôi dựa vào sự khác biệt văn hóa này để giới thiệu tới khách du lịch.
Sau khi đã tìm ra sự khác biệt, tôi tập trung vào trải nghiệm cảm xúc của khách hàng, tôi là người địa phương nên am hiểu địa phương và thấu hiểu khách hàng. Tôi không giỏi ngoại ngữ, không giỏi tiếng Anh, tôi chỉ dành cho khách sự trải nghiệm cảm xúc và văn hóa. Chính yếu tố này, tôi cho là quan trọng nhất trong làm du lịch, khi khách có cảm xúc, được trải nghiệm và trân quý những giá trị văn hóa thì chắc chắn họ sẽ quay lại.
Việc trải nghiệm du lịch của tôi thể hiện đầy đủ, rõ ràng ở tên gọi của Công ty C2T. Ban đầu nó là CCTT nhưng sau tôi thấy nó dài và hơi khó nhớ nên tôi đổi thành C2T. Ý nghĩa của C2T tập trung ở những vấn đề sau, và cũng chính là mục tiêu, kinh nghiệm mà tôi muốn chia sẻ khi làm du lịch nông nghiệp, nông thôn của mình:
C2T – “Chỉ có tận tâm” thể hiện thái độ tận tình với khách, C2T cũng có thể hiểu là “Chỉ có thân thiện” – khi tôi hướng các sản phẩm du lịch của mình tới các yếu tố thân thiện với môi trường. Tôi dùng chén cơm làm bằng gáo dừa, tận dùng các sản phẩm từ dừa để vừa giới thiệu sản phẩm của quê hương mình, vừa gìn giữ môi trường thân thiện.
C2T còn có nghĩ “chỉ có tiêu tiền”, các anh chị đến du lịch mà không tiêu tiền thì người dân chúng tôi chỉ có “chết”, không thể sống bằng du lịch. Mục tiêu của C2T là liên kết với nhau để cùng làm du lịch, do đó, tôi xây dựng các mắt xích trong chuỗi du lịch của mình: Đó là chủ các vườn cây ăn trái, các vùng nông sản đặc sản; chủ các homestay; những người làm trong ngành vận tải… tất cả các mắt xích này đều liên kết chặt chẽ với nhau và sẵn sàng tham gia đúng với chức năng, nhiệm vụ của mình.
C2T còn có nghĩa “chỉ có tái tạo”, mỗi du khách đến đây chúng tôi yêu cầu họ trồng 1 cây xanh, hoặc là cây bần hoặc là dừa nước để du khách có trách nghiệm với quê hương tôi. Khi có trách nhiệm họ sẽ thấy chuyến du lịch của mình có ý nghĩa hơn.
Tôi tập trung vào 10% khách hàng mà chúng tôi phục vụ là khách hàng cũ, chúng tôi xin thông tin, hình ảnh của khách hàng và lưu giữ thông tin của họ. Khi họ về tôi lại kết nối bán hàng cho họ. Mỗi năm 1 hộ gia đình như vậy họ tiêu thụ cho chúng tôi cỡ 1.000USD nhờ việc quay lại Bến Tre nhiều lần. Tôi chăm sóc khách hàng bằng cách gửi quà tặng là những đặc sản địa phương: trái cây, nông sản. Kể cả trong dịch covid chúng tôi cũng không bỏ qua yếu tố chăm sóc khách hàng thường xuyên.
Và chính 10% khách hàng này đã tạo thành tệp khách hàng mới cho chúng tôi khi họ giới thiệu người thân, bạn bè quay lại tour du lịch của chúng tôi. Đó chính là cách gia tăng giá trị mà không cần phải tiếp cận với quá nhiều khách hàng.
Một điều quan trọng nữa khi liên kết làm du lịch nông nghiệp nông thôn là hài hòa lợi ích giữa các bên, giữa các mắt xích với nhau. Chỉ khi cùng có lợi thì sự gắn bó mới thực sự lâu dài.
Cuối cùng tôi luôn tư duy mỗi làng xã đều là của tôi, con sông, khu vườn ở huyện, xã nào bất kỳ cũng đều là của tôi. Từ đó, tôi kết nối người dân lại giống như kết nối người nhà với nhau, thành công nhờ sự đoàn kết và sức mạnh tập thể
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thành Thực cho biết, làm du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn như các mô hình du lịch khác, chúng ta phải biết khách hàng là ai, bán cho ai?
Các chuyên gia nước ngoài rất muốn tìm được các sản phẩm du lịch Việt Nam, nhất là du lịch trải nghiệm. Hiện nay, chúng ta rất cần chuyên gia thực thụ trong phát triển du lịch nông nghiệp và xúc tiến du lịch nông nghiệp ở Việt Nam. Như mũi tên trúng 2 dích, chúng ta vừa phát triển nông nghiệp vừa phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan có trao đổi với tôi, ông đang xúc tiến để thành lập Hiệp hội Du lịch nông nông nghiệp, nông thôn rất hay. Mong rằng, mô hình này sau khi hình thành sẽ mang lại nhiều cơ hội để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam
Rất mong ngày càng nhiều các dự án, các bạn khởi nghiệp từ du lịch nông nghiệp, nếu các bạn cần chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mình. Hiện tôi đang cộng tác với trường du lịch ở Hà Nội để hỗ trợ các bạn sinh viên, các bạn trẻ làm du lịch nông nghiệp hiệu quả hơn.
Cũng tại hội nghị, ông Bùi Quang Doanh - Chuyên gia phát triển sản phẩm du lịch bền vững nhận định:
Bên cạnh những thuận lợi, tôi xin đi thẳng vào một số khó khăn trong phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn.
Đầu tiên đó kiểm soát kỳ vọng. Nhiều người dân kỳ vọng khi phát triển du lịch sẽ kỳ vọng phát triển nhanh, mạnh, đem lại nguồn thu nhập tốt hơn. Tuy nhiên khi bắt tay vào thực tế, chúng tôi phát triển từng bước và có lộ trình cụ thể.
Khó khăn thứ 2 là thiếu kiến thức chuyên ngành, kiến thức về quản trị. Nhiều chủ đầu tư khi phát triển du lịch nông nghiệp nhưng chưa biết đối tượng khách hàng của mình là ai, mình phục vụ như thế nào? Trong quá trình tư vấn, chúng tôi cố gắng đưa ra mô hình kinh doanh phù hợp nhất cho từng đối tượng.
Khó khăn thứ 3 là thiếu sự liên kết, hoặc liên kết chưa bền vững. Đa phần mọi người chưa biết liên kết sản phẩm nông nghiệp với sản phẩm du lịch và ngược lại. Đa phần các bạn chưa tìm ra được mẫu số chung về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Thị trường phát triển du lịch nông nghiệp phong phú nhưng có phân hoá về nhu cầu. Nhu cầu khách nước ngoài muốn trải nghiệm, nhu cầu khách nội địa muốn vui. Đa số các bạn chưa biết đối tượng của mình là ai.
Thứ 4 thiếu kiến thức và thiếu kinh nghiệm trong triển khai dự án về du lịch nông nghiệp. Không có đơn vị tư vấn, nên khi hoàn thiện mô hình du lịch nông nghiệp, các bạn gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi sử dụng đất.
Thứ 5 đó là về thiếu nguồn nhân lực. Du lịch là tổng hoà của nhiều yếu tố. Để sản phẩm nông nghiệp thành sản phẩm du lịch là cả một quá trình.
Cuối cùng là thiếu kết nối tuyến giữa các điểm du lịch. Chúng ta chúng ta nên tận dụng tối đa khai thác du lịch trong nước, du lịch nội địa rồi mới đến du lịch nước ngoài.
Mặc dù đạt được nhiều thành công nhưng đến nay phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế, mới chỉ là bước khởi đầu. Về vấn đề này, ông Hoàng Văn Đại – Phó Bí thư thường trực xã Sin Suối Hồ đã có những kiến nghị, giải pháp để du lịch cộng đồng ngày càng phát triển.
Cụ thể, theo ông Đại, thời gian qua, xã Sin Suối Hồ đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư, triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình phát triển du lịch cộng đồng là thế mạnh của xã. Để triển khai các chương trình, cụ thể xã đã xây dựng Nghị quyết 159 hỗ trợ làm đường, làm chợ, xây nhà vệ tinh, cải tạo, duy tu những công trình cộng đồng mang đậm đà nét bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó xã hỗ trợ các hộ làm homestay xây dựng, cải tại cơ sở vật chất.
Nhờ đó bộ mặt của xã đã thay da đổi thịt, đặc biệt là tại Diễn đàn Hội chợ Du lịch quốc tế diễn ra tại Indonesia, đã vinh danh điểm du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ là Điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn nhất của khối ASEAN.
" Tuy có phát triển nhưng chúng tôi cũng nhận thấy các điểm du lịch cộng đồng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong tương lai gần, xã cần rất nhiều dự án sự tham gia của doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, hỗ trợ địa phương xây dựng ngoài nét văn hoá bản địa, địa phương vốn có, còn cập nhật thêm các dịch vụ hiện đại để không bị quá xa so với thực tế", ông Đại nhấn mạnh.
Hiện trên địa bàn đang xây dựng tuyến đường vành đai biên giới và sắp hoàn thiện, xã Sin Suối Hồ cũng đang có hướng mở rộng các điểm du lịch cộng đồng, kết nối với các điểm vệ sinh, tổ chức tour leo núi Bạch Mộc Lương Tử, kết nối với Sa Pa… để xây dựng thành tour hấp dẫn cả khách du lịch trong nước và du khách nước ngoài.
Tuy nhiên, để làm được việc này chúng tôi rất cần các doanh nghiệp đầu tư, mở các tour kết nối với các vùng khác, quảng bá sản phẩm du lịch Sin Suối Hồ đến với đông đảo bà con và du khách.
Cũng bàn về vấn đề này, anh Võ Văn Phong- Giám đốc Công ty Du lịch C2T, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre chia sẻ: "Chúng tôi gặp khó khăn về con người. Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu du lịch của khách hàng đã thay đổi rất nhiều, chính vì thế các chủ homestay cũng phải thay đổi chính sách tiếp cận và phục vụ khách du lịch. Trong khi đó các chính sách đào tạo con người, nguồn nhân lực để phát triển du lịch thường kéo dài 3-4 năm, sau khi đào tạo xong nhiều chính sách đào tạo đã không còn phù hợp với xu thế phát triển hiện đại".
Cũng theo anh Phong, mỗi một địa phương nên có những chính sách, có chương trình đạo tạo về con người ngay tại cơ sở xã, phường, thị trấn. Đồng thời, đào tạo về nguồn nhân lực tại chỗ như đào tạo cán bộ xã, phường thị trấn để hiểu về tài nguyên bản địa, về mô hình kinh doanh tại địa phương mình.
Chúng ta cũng cần quan tâm đào tạo cho người nông dân không chỉ biết làm nông nghiệp, làm du lịch giỏi mà còn phải biết quay phim, chụp hình cho khách hàng. Người nông dân ở làng đó sẽ biết đâu nơi đẹp nhất để giới thiệu cho khách hàng chụp ảnh, check in.
Chúng ta cũng nói nhiều về chuyển đổi số, chính vì vậy cần đào tạo đội ngũ bạn trẻ, hay cả người già biết sử dụng internet để viết content giới thiệu, quảng bá du lịch cộng đồng ở vùng miền mình. Chúng ta chưa hiểu giá trị văn hoá của địa phương mình là gì, viết content ra sao thì rất khó để lan toả, quảng bá phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn.
Tại hội nghị, ông Bùi Quang Doanh - Chuyên gia phát triển sản phẩm du lịch bền vững chia sẻ: Trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch nông nghiệp, tôi thấy bà con đều hoàn toàn có khả nang làn du lịch nhưng phải tập trung hơn. Từng đã đào tạo nhân lực du lịch ở nhiều nơi thấy ở Đà Bắc (Hòa Bình) thấy bà con làm marketing rất hay và hiệu quả.
Thứ 2 là cán bộ quản lý du lịch ở địa phương cần phải hiểu thế mạnh du lịch ở địa phương là gì? để có chính sách phát triển du lịch địa phương đi đúng hướng hơn.
Cán bộ cần đi nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn từ khách , từ các tỉnh, thành để đưa các mô hình hay, kiến thức mới về phục vụ việc phát triển du lịch ở địa phuong mình. Tôi từng thấy ở nhiều nơi, các cán bộ xây dựng các cầu, đường hay các mô hình không hấp dẫn khách du lịch.
Nguồn nhân sự tại địa phương không có kiến thức chuyên môn, các doanh nghiệp tham gia vào làm đã đào tạo nhân lực cho mình rồi nhưng cần phải đào tạo thêm và thường xuyên hơn để nâng cao trình độ, kiến thức làm du lịch.
Hơn nữa, các tỉnh, thành cần có cơ chế tuyển chọn các con em trong gia đình khó khăn đưa đi đào tạo tại các trường, sau đó đưa họ về để làm, phát triển du lịch tại địa phương ngày càng hiệu quả hơn.
Sau khi lắng nghe câu chuyện cũng như những kiến nghị, đề xuất của chủ các dự án phát triển du lịch cộng đồng, chuyên gia Nguyễn Thị Thành Thực chia sẻ: Tôi xin chia sẻ với các bạn hai văn bản mà các bạn cần quan tâm và nghiên cứu.
Thứ nhất là Dự thảo Nghị định về kinh tế trang trại – đây là hành lang pháp lý cực kỳ quan trọng để chúng ta xây dựng hậu cần cho ngành du lịch nông nghiệp, nông thôn. Nếu dự thảo này được không được phê duyệt thì nhiều chủ trang trại, nhiều star-up sẽ gặp khó khăn về vấn đề pháp lý khi muốn phát triển các khu trang trại của mình thành các khu du lịch sinh thái, hoặc xây dựng khu du lịch theo hướng trang trại sinh thái.
Thứ hai là Nghị quyết 82-NQ/CP ngày 18/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch nông thôn. Đây là nghị quyết hướng dẫn cho các bộ ngành địa phương nhưng dưới nghị quyết này cần có văn bản hướng dẫn cụ thể của các bộ ngành. Ví dụ Bộ Tài nguyên Môi trường cần xác định đất như thế nào ở nông thôn thì được làm du lịch nông nghiệp?. Cơ chế này không chỉ giúp người trẻ ở nông thôn khởi nghiệp thuận lợi mà còn thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp về nông thôn.
Chúng ta cần nhớ, nhớ nhiều hơn nữa câu nói “Buôn có bạn, bán có phường”, đừng nghĩ chỉ một mình chúng ta ở thôn, bản này có thể “thầu” hết cả khu vực, không thể một mình mà làm được du lịch cộng đồng. Bởi du lịch nông nghiệp nhiều khi không đến chỉ từ một nguồn thu là tour du lịch mà còn đến từ lợi nhuận bán hàng nông sản đặc sản, thế thì càng cần phải liên kết, đoàn kết với nhau. Các bạn cùng mạnh dạn tham gia xây dựng và thành lập Hiệp hội Du lịch Nông nghiệp để tạo sân chơi lành mạnh, bền vững và phát triển.
Tại cuộc họp, TS Nguyễn Tất Thắng - Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Du lịch ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: Nhân lực cho du lịch nông nghiệp vẫn còn đang thiếu rất nhiều, chính vì vậy du lịch nông nghiệp vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển. Những năm qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã và đang tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực chính như:
Thứ nhất, trong quá trình đào tạo cho sinh viên ngành du lịch, học viện tập trung gắn đào tạo tại trường với đào tạo ngoài thực tế, như cho sinh viên tham gia thực tập các hoạt động tại như các tập đoàn, khách sạn nhà hàng lớn. Hay như cho các sinh viên thực tập tham gia các hoạt động gắn với các địa phương có phát triển du lịch cộng đồng phát triển. Tại những môi trường này, các em sinh viên sẽ có cơ hội được thực hành, thậm chí, học viện đã dành tới 3 kỳ để các em sinh viên có cơ hội được thực hành tại địa phương.
Bên cạnh đó, Học viện cũng set up thành công mô hình giáo dục nông nghiệp kết hợp trải nghiệm tại Học viện nông nghiệp Việt Nam như set up các điểm, các tour, tuyến du lịch như trải nghiệm vườn thực vật, trải nghiệm trung bảo tồn sen, trải nghiệm du lịch nông nghiệp công nghệ cao ngay tại trường,...
Thứ hai, Học viện tiếp tục tập trung đào tạo ngoại ngữ và tin học cũng như kiến thức liên quan đến chuyển đổi số cho sinh viên ngành du lịch để sinh viên có thể thích ứng với du lịch trong bối cảnh hiện nay.
Thứ ba, thường xuyên thúc đẩy hoạt động qua chương trình khởi nghiệp quốc gia và khởi nghiệp nông nghiệp để phát hiện ra thế mạnh của các địa phương. Từ đó set up thành đề án và mời các chuyên gia trong và ngoài nước giúp đỡ sinh viên để hiện thực hóa những ý tưởng cũng như thực hiện mục tiêu của các em sinh viên. Để sau khi học xong ra trường, chính những sinh viên đó sẽ trở thành chủ nhân của những dự án du lịch trong tương lai qua đó, nâng chất du lịch nông nghiệp.
Thứ tư, Học viện tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu giúp sinh viên có nhiều cơ hội nâng cao chất lượng chuyên môn. Từ đó học tập các mô hình ở các nước du lịch nông thôn phát triển, sau đó áp dụng vào ở Việt Nam chúng ta.
Ở góc độ cơ quan đào tạo, hiện nay Đảng và Nhà nước ta có rất nhiều chủ trương, chính sách phát triển du lịch nông nghiệp trở thành thúc đẩy phát triển nông nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Theo thống kê chúng ta có khoảng 1.300 điểm du lịch, khu du lịch do các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% các điểm, khu du lịch ở các khu vực nông thôn. Do đó tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn rất lớn. Đến thời điểm này, chúng ta đã vận hành bước đầu khoảng 500 mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn. Con số này còn rất nhỏ, tôi hi vọng rằng, tới đây chúng ta sẽ ngày càng có nhiều mô hình du lịch nông nghiệp để đóng góp cho sự phát triển vùng nông nghiệp ở các địa phương.
Chúng tôi nghe rất nhiều ý kiến từ lãnh đạo xã, các doanh nghiệp, các chuyên gia, các chủ homestay, farmstay.. Chúng tôi đều thấy một điều rất đáng mừng đó là các anh chị đều rất tâm huyết với sự phát triển du lịch nông nghiệp. Thông qua đó đóng góp giá trị cho địa phương của chúng ta, cho đất nước và cho những người trực tiếp làm du lịch.
Hiện nay, chúng ta chuyển dần tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Việc phát triển du lịch nông nghiệp cũng là câu chuyện chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tư duy này sẽ tiếp tục được triển khai phổ biến đến lãnh đạo xã, huyện, lãnh đạo địa phương. Hơn ai hết, đây là những người góp phần quan trọng đến định hướng phát triển du lịch ở chính địa phương họ.
Việc bồi dưỡng nâng cao phát triển du lịch nông nghiệp không chỉ đào tạo bồi dưỡng cho các chủ homestay mà còn đào tạo cho cả các cán bộ, những người làm bộ phận quản lý, các cấp lãnh đạo tại các địa phương. Chúng ta cần có tổ hợp các chương trình đào tạo phù hợp với các đối tượng đó.
Chúng ta phải liên kết hợp tác để cùng đi xa, cùng phát triển. Nhưng trong sự liên kết hợp tác đó chúng ta phải tạo ra sự khác biệt, tạo ra những giá trị đặc thù trên sự khác biệt để định vị sản phẩm và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Bộ trưởng NNPTNT có chia sẻ là chúng ta phải thổi hồn vào các sản phẩm nông nghiệp để tạo giá trị, sự khác biệt là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, chúng ta quan tâm công tác quảng bá, PR cho các sản phẩm du lịch và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn.