Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và kinh tế khó khăn, tình hình kinh doanh của các khách sạn và cơ sở lưu trú tại TP.HCM vẫn chưa khả quan. Nhiều khách sạn ở TP.HCM giảm hụt lượng khách trầm trọng, phải ngưng hoạt động.
Ghi nhận của Dân Việt, các con đường khu vực trung tâm thành phố như Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Thái Văn Lung, Lê Thánh Tôn, Thủ Khoa Huân (quận 1), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận)... có rất nhiều khách sạn đóng cửa, treo biển cho thuê hoặc rao bán.
Đáng chú ý, khu vực các tuyến đường "vệ tinh" xung quanh phố Tây Bùi Viện như Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu, đường Phạm Ngũ Lão (quận 1)… nhiều khách sạn, nhà nghỉ vừa và nhỏ cũng đang ồ ạt cho thuê và rao bán.
Riêng các khách sạn còn hoạt động phải ra sức giảm giá để thu hút khách hàng. Nhiều khách sạn ngoài việc giảm giá từ 20 -20% còn kết hợp ưu đãi đặt phòng cùng các dịch vụ tiện ích để kích cầu.
Bà Hiền - chủ một khách sạn tại quận 1, cho biết lượng khách du lịch sụt giảm, người dân có xu hướng tiết kiệm chi phí, nên tình hình kinh doanh của khách sạn của mình cũng ế ẩm trong suốt 2 năm qua.
Trong khi đó, áp lực chi phí vận hành, gồng lãi ngân hàng... khiến bà phải "tháo chạy" để tìm giải pháp đầu tư hiệu quả.
4 tháng qua, bà Hiền đã rao bán khách sạn nhưng không tìm được khách. Vì vậy, bà quyết định sẽ tìm cách xin phép chuyển đổi công năng thành văn phòng cho thuê để hiệu quả về kinh tế.
Ông Nguyễn Hồng Hải - Chủ tịch VNO Group, cho biết các năm ảnh hưởng dịch bệnh, các chủ đầu tư khách sạn vẫn "gồng" được là vì lãi suất ngân hàng, lạm phát chưa cao. Tuy nhiên, sau 2-3 năm, nhiều ông chủ khách sạn đã "ngấm đòn" không thể cầm cự đành phải rao bán công trình.
"Lượng khách quốc tế, khách đoàn... đến TP.HCM không được như kỳ vọng đã giảm sụt giảm đáng kể nguồn thu của các khách sạn, đặc biệt là khách sạn cao cấp khu vực trung tâm. Trong khi đó, nguồn khách nội địa - đang được xem là phao cứu sinh của của các khách sạn, nhưng đến nay giữa bối cảnh kinh tế khó khăn chung nên người dân cũng thắt chặt chi tiêu", ông Hải cho hay.
Ông Troy Griffiths - Phó Tổng Giám Đốc, Savills Việt Nam, đánh giá sự phục hồi về số lượng khách quốc tế của Việt Nam chậm hơn so với các nước trong khu vực. Số liệu của Savills Việt Nam cho thấy thị trường khách sạn tại TP.HCM trong quý II có 15.662 phòng khách sạn từ 110 dự án, tăng 1% theo quý và 3% theo năm, sau khi khách sạn Mai House Saigon (180 phòng) được cấp chứng nhận 5 sao.
Trong nửa đầu năm 2023, công suất đạt 64%, phục hồi 92% so với nửa đầu năm 2019. Giá phòng trung bình đạt 1,9 triệu/phòng/đêm, bằng 97% so với năm 2019.
Tuy nhiên, tình hình hoạt động kém, do lượng khách quốc tế đến TP.HCM giảm 13% theo quý. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2023, TP.HCM đón lượng khách lớn nhất Việt Nam với 18 triệu lượt, tuy nhiên chỉ có 11% là khách quốc tế.
Đáng chú ý, lượng khách Trung Quốc - thị trường lớn thứ hai tại Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt mức 22% so với nửa đầu năm 2019. Đến tháng 6/2023, công suất chuyến bay quốc tế từ Trung Quốc chỉ chiếm 5% tổng số chuyến bay cả Đại lục, giảm so với mức 13% trước đại dịch.
Mặc dù tỷ lệ khách lưu trú qua đêm ở TP.HCM (19%) thấp hơn so với các điểm đến khác, nhưng do thành phố chủ yếu đón khách công tác và được coi là điểm trung chuyển giữa các tỉnh/thành, nên du khách sẵn sàng chi trả cao hơn cho chỗ ở, đạt 1,5 triệu/khách/lượt
Chuyên gia Savills cho rằng hoạt động du lịch nước ngoài của Trung Quốc dự đoán sẽ hoàn toàn phục hồi vào năm 2024-2025. Khi đó, thị trường khách sạn tại TP.HCM sẽ khởi sắc hơn khi đón lượng khách lớn từ Trung Quốc và thị trường châu Á. Nhờ lượng cầu lớn này, phân khúc khách sạn được kỳ vọng sẽ phục hồi hoàn toàn từ năm 2024.