Nở rộ mô hình chăn nuôi tuần hoàn
Những năm gần đây, mô hình chăn nuôi tuần hoàn đã được bà con nông dân ở nhiều địa phương áp dụng nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chăn nuôi, tận dụng đầu ra của chăn nuôi tạo nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cao cho trồng trọt, làm thức ăn trong chăn nuôi gia súc, trồng lúa, rau hữu cơ...
Trong đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang triển khai một số mô hình phát triển chăn nuôi tuần hoàn, có ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp như là một nguồn lợi nhằm nâng cao giá trị sản xuất.
Điển hình như mô hình chăn nuôi lợn, trồng trọt theo hướng hữu cơ được triển khai ở 6 tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Nam Định, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai. Hay như mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học kết hợp trồng trọt thực hiện tại Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ, Bắc Giang, Điện Biên.
Theo báo cáo của Sở NNPTNT các địa phương, đến tháng 7/2022, tỷ lệ hộ chăn nuôi có biện pháp xử lý chất thải là 72%; còn 28% số hộ chăn nuôi thải trực tiếp chất thải chăn nuôi vào môi trường. Trong đó, tỷ lệ xử lý chất thải đạt 86% trong chăn nuôi lợn, 51% trong chăn nuôi gà, 65% trong chăn nuôi bò và 8% trong chăn nuôi trâu.
Đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, chu trình của mô hình chăn nuôi tuần hoàn là vỗ béo trâu, bò thịt - thu chất thải trong nuôi trâu, bò xử lý làm phân hữu cơ - đầu vào cho cây trồng (trồng cỏ, trồng ngô sinh khối...) - tạo sản phẩm thịt trâu, bò chất lượng cao, liên kết với công ty giết mổ tập trung và tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ áp dụng mô hình này, các trang trại đã giảm thiểu ô nhiễm, năng suất và chất lượng thịt trâu, bò tăng lên; tận dụng được thân cây ngô, rơm… làm thức ăn, giúp giảm chi phí chăn nuôi, qua đó tăng hiệu quả kinh tế từ 15-20%. Chất thải chăn nuôi được ủ bằng chế phẩm tạo nguồn phân hữu cơ để dùng trong trồng trọt tạo nên vòng tuần hoàn. Hàng năm, các mô hình trên tạo ra khoảng 20.000 tấn phân hữu cơ bón cho cây trồng, nhất là trồng cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi.
Theo đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn, địa phương khuyến khích người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn. Các địa phương quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, xây dựng hệ thống xử lý chất thải, chứa chất thải… Từ các mô hình, ý thức và tư duy chăn nuôi của người dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang khép kín, áp dụng biện pháp an toàn sinh học để bảo vệ môi trường…
Giai đoạn 2015 - 2023, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ các hộ chăn nuôi xây dựng trên 14.000 công trình xử lý chất thải bằng bể biogas, hỗ trợ đệm lót sinh học cho 6.000 hộ chăn nuôi gà, hỗ trợ máy ép phân, bể trước và sau biogas. Đến nay, tỷ lệ trang trại đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, quan tâm xây dựng hầm biogas, công trình sau biogas chiếm khoảng 70%.
Phù hợp với chiến lược ngành chăn nuôi
Tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề "Phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm" được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Thái Nguyên mới đây, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, Việt Nam có nhiều quy định, pháp luật, chính sách liên quan đến phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn như Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Chăn nuôi 2018, Luật Trồng trọt 2018… Theo đó, chăn nuôi phải gắn với trồng trọt và các ngành khác để hình thành chuỗi kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.
Hiện có 2 dạng mô hình kinh tế tuần hoàn chính trong chăn nuôi. Một là mô hình kinh tế chăn nuôi hoàn chỉnh, tạo vòng khép kín từ đầu vào đến tái sử dụng 100% chất thải. Ví dụ như mô hình chăn nuôi bò, chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi lợn trên đệm lót sinh học tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp kết hợp chế phẩm xử lý chất thải chăn nuôi sản xuất phân bón. Các mô hình này đòi hỏi phải có nguồn lực kinh phí, máy móc trang thiết bị phù hợp nên chỉ dành cho các trang trại chăn nuôi quy mô lớn.
Hai là mô hình xử lý chất thải sử dụng các biện pháp: Ủ phân làm phân bón hữu cơ; nuôi ruồi lính đen xử lý chất thải chăn nuôi; nuôi giun quế xử lý chất thải chăn nuôi; làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi; xử lý chất thải chăn nuôi bằng biogas tạo năng lượng tái tạo. Mô hình này dễ thực hiện, và thực hiện ở nhiều quy mô chăn nuôi từ nông hộ đến trang trại, nhưng đòi hỏi phải có liên kết mới đảm bảo bền vững.
Theo đại diện Cục Chăn nuôi, thời gian tới, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về xử lý, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp; xây dựng 6 mô hình chăn nuôi kinh tế tuần hoàn. Thu hút được ít nhất 3 doanh nghiệp lớn đầu tư chế biến phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất khác...
Tổng kết diễn đàn, ông Lê Minh Lịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đề nghị Sở NNPTNT, trung tâm khuyến nông các tỉnh tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố những giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi tuần hoàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm phù hợp điều kiện, tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương…