Dân Việt

Rủ khách du lịch về quê trồng cây, ăn cơm chén dừa, chàng trai Bến Tre kiếm cả nghìn USD/khách/năm

Hải Đăng 25/07/2023 11:07 GMT+7
Sau nhiều năm sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, anh Võ Văn Phong ở TP.Bến Tre, tỉnh Bến Tre đã quyết định đi bằng "hai chân" vừa làm nông vừa kết hợp với làm du lịch. Đến nay, anh đã thành công và có thu nhập rất cao từ mô hình mới này.
"Mai mối" để nông nghiệp "kết hôn" với du lịch, chàng trai xứ Dứa kiếm cả nghìn USD/khách/năm - Ảnh 1.

Anh Võ Văn Phong - Công ty du lịch C2T, Thành Phố Bến Tre (tỉnh Bến Tre) chia sẻ tại Hội nghị online với chủ đề: "Những vấn đề đặt ra trong khởi nghiệp làm du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn" ngày 24/7. Ảnh: Phạm Hưng

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch của mình ở khu vực ĐBSCL - nơi vẫn được đánh giá có sự tương đối đồng nhất giữa các địa phương, tức là ít có điểm nhấn,  đến từ Công ty du lịch C2T, Thành Phố Bến Tre (tỉnh Bến Tre) cho biết, lý do tôi khởi nghiệp từ nông nghiệp nông thôn là năm 2016 khi hạn mặn diễn ra vô cùng khủng khiếp, việc phát triển kinh tế nông nghiệp của tôi cũng như nhiều nông dân khác ở Bến Tre trở nên khó khăn. Lúc đó tôi đã nghĩ đến việc sẽ chuyển hướng để làm việc gì đó cũng từ nông nghiệp bởi tôi cho rằng trong khó khăn luôn có cơ hội, chỉ là mình có nhìn nhận và nắm bắt được nó hay không thôi.

"Ai cũng nói về miền Tây giống nhau nhưng tôi cho rằng có nhiều sự khác biệt, vị trí địa ký khác nhau, con người khác nhau, sản vật khác nhau… sẽ tạo nên sản phẩm du lịch hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, Bến Tre quê tôi có rất nhiều dừa, việc ăn cơm bằng chén từ vỏ dừa, nấu canh chua bằng nước dừa, làm nón từ lá dừa… đó chính là văn hóa của người Bến Tre và tôi dựa vào sự khác biệt văn hóa này để giới thiệu tới khách du lịch", anh Phong nói.

Sau khi đã tìm ra sự khác biệt, anh Phong tập trung vào trải nghiệm cảm xúc của khách hàng. Do là người địa phương nên anh rất am hiểu về văn hóa của quê hương và thấu hiểu khách hàng. Anh không giỏi ngoại ngữ, không giỏi tiếng Anh mà anh chỉ dành cho khách sự trải nghiệm cảm xúc và văn hóa. " Đây là yếu tố chính tôi cho là quan trọng nhất trong làm du lịch, khi khách có cảm xúc, được trải nghiệm và trân quý những giá trị văn hóa thì chắc chắn họ sẽ quay lại", anh Phong khẳng định.

Theo anh Phong, vệc trải nghiệm du lịch anh thể hiện đầy đủ, rõ ràng ở tên gọi của Công ty C2T. Ban đầu nó là CCTT nhưng sau anh thấy nó dài và hơi khó nhớ nên đã đổi thành C2T. Ý nghĩa của C2T tập trung ở những vấn đề sau, và cũng chính là mục tiêu, kinh nghiệm mà anh muốn chia sẻ khi làm du lịch nông nghiệp, nông thôn của mình.

"C2T – “Chỉ có tận tâm” thể hiện thái độ tận tình với khách, C2T cũng có thể hiểu là “Chỉ có thân thiện” – khi tôi hướng các sản phẩm du lịch của mình tới các yếu tố thân thiện với môi trường. Tôi dùng chén cơm làm bằng gáo dừa, tận dùng các sản phẩm từ dừa để vừa giới thiệu sản phẩm của quê hương mình, vừa gìn giữ môi trường thân thiện.

"Mai mối" để nông nghiệp "kết hôn" với du lịch, chàng trai xứ Dứa kiếm cả nghìn USD/khách/năm - Ảnh 2.

Anh Phong trải nghiệm sản vật địa phương cùng khách du lịch tại Bến Tre. Ảnh: NVCC

C2T còn có nghĩa “chỉ có tiêu tiền”, các anh chị đến du lịch mà không tiêu tiền thì người dân chúng tôi chỉ có “chết”, không thể sống bằng du lịch. Mục tiêu của C2T là liên kết với nhau để cùng làm du lịch, do đó, tôi xây dựng các mắt xích trong chuỗi du lịch của mình: Đó là chủ các vườn cây ăn trái, các vùng nông sản đặc sản; chủ các homestay; những người làm trong ngành vận tải… tất cả các mắt xích này đều liên kết chặt chẽ với nhau và sẵn sàng tham gia đúng với chức năng, nhiệm vụ của mình.

C2T còn có nghĩa “chỉ có tái tạo”, mỗi du khách đến đây chúng tôi yêu cầu họ trồng 1 cây xanh, hoặc là cây bần hoặc là dừa nước để du khách có trách nghiệm với quê hương tôi. Khi có trách nhiệm họ sẽ thấy chuyến du lịch của mình có ý nghĩa hơn", anh Phong tiết lộ.

Theo đó, anh Phong tập trung vào phục vụ 10% khách là khách hàng cũ, C2T xin thông tin, hình ảnh của khách hàng và lưu giữ thông tin của họ. Khi khách đi du lịch về, C2T lại kết nối bán hàng cho họ. Mỗi năm 1 hộ gia đình như vậy thường xuyên quay lại Bến Tre đem về cho chúng tôi nguồn thu cỡ 1.000USD. Bên cạnh đó, C2T chăm sóc khách hàng bằng cách gửi quà tặng là những đặc sản địa phương: trái cây, nông sản. Kể cả trong dịch covid C2T cũng không bỏ qua yếu tố chăm sóc khách hàng thường xuyên.

Và chính 10% khách hàng này đã tạo thành tệp khách hàng mới cho C2T khi họ giới thiệu người thân, bạn bè quay lại tour du lịch của công ty. Đó chính là cách gia tăng giá trị mà không cần phải tiếp cận với quá nhiều khách hàng.

"Một điều quan trọng nữa khi liên kết làm du lịch nông nghiệp nông thôn là hài hòa lợi ích giữa các bên, giữa các mắt xích với nhau. Chỉ khi cùng có lợi thì sự gắn bó mới thực sự lâu dài.

Cuối cùng tôi luôn tư duy mỗi làng xã đều là của tôi, con sông, khu vườn ở huyện, xã nào bất kỳ cũng đều là của tôi. Từ đó, tôi kết nối người dân lại giống như kết nối người nhà với nhau, thành công nhờ sự đoàn kết và sức mạnh tập thể", anh Phong chia sẻ.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm làm du lịch, anh Phong cho hay: "Chúng tôi gặp khó khăn về con người. Sau đại dịch Covid-19, nhu cầu du lịch của khách hàng đã thay đổi rất nhiều, chính vì thế các chủ homestay cũng phải thay đổi chính sách tiếp cận và phục vụ khách du lịch. Trong khi đó các chính sách đào tạo con người, nguồn nhân lực để phát triển du lịch thường kéo dài 3-4 năm, sau khi đào tạo xong nhiều chính sách đào tạo đã không còn phù hợp với xu thế phát triển hiện đại".

Cũng theo anh Phong, mỗi một địa phương nên có những chính sách, có chương trình đạo tạo về con người ngay tại cơ sở xã, phường, thị trấn. Đồng thời, đào tạo về nguồn nhân lực tại chỗ như đào tạo cán bộ xã, phường thị trấn để hiểu về tài nguyên bản địa, về mô hình kinh doanh tại địa phương mình.

Chúng ta cũng cần quan tâm đào tạo cho người nông dân không chỉ biết làm nông nghiệp, làm du lịch giỏi mà còn phải biết quay phim, chụp hình cho khách hàng. Người nông dân ở làng đó sẽ biết đâu nơi đẹp nhất để giới thiệu cho khách hàng chụp ảnh, check in.

Chúng ta cũng nói nhiều về chuyển đổi số, chính vì vậy cần đào tạo đội ngũ bạn trẻ, hay cả người già biết sử dụng internet để viết content giới thiệu, quảng bá du lịch cộng đồng ở vùng miền mình. Chúng ta chưa hiểu giá trị văn hoá của địa phương mình là gì, viết content ra sao thì rất khó để lan toả, quảng bá phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn.