Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, là bộ tiểu thuyết chương hồi nổi tiếng của văn học Trung Quốc. Tác phẩm xoay quanh những câu chuyện về các cuộc chiến phân chia quyền lực thời Ngụy, Thục, Ngô.
Với nhiều nhân vật kinh điển đã đi vào lòng người như Gia Cát Lượng, Tào Tháo, Lưu Bị, Quan Vũ... Bên cạnh những cái tên vừa kể, Tam quốc diễn nghĩa cũng hội tụ nhiều nhân vật huyền bí với tài năng xuất chúng nhưng thường chọn cho mình cách sống nhàn hạ, không màng đến thế sự.
Hoa Đà (145 - 208) tự là Nguyên Hóa, người huyện Tiêu, nước Bái, nay là huyện Bặc, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Sử chép rằng, Hoa Đà đọc thông kinh sử, tuổi trẻ du học ở Từ Châu, từng đỗ hiếu liêm. Tể tướng Trần Khuê và Thái úy Huỳnh Uyển của nước Bái từng tiến cử và mời Hoa Đà ra làm quan, song ông đều từ chối. Ông quyết chí học thuốc cứu đời, trừ bệnh tật cho dân chúng. Những bộ chính sử như Hậu Hán thư, Tam quốc chí cũng đều có ghi chép những câu chuyện về vị thần y này.
Theo Bách khoa Trung Quốc, tương truyền rằng từ khi còn trẻ, ông đã bôn tẩu khắp nơi để thu nạp thêm kiến thức nhằm nâng cao y thuật của mình. Không những vậy, Hoa Đà còn thường xuyên thực hành chữa bệnh. Vì vậy, ông vô cùng tinh thông cách chữa trị các loại bệnh trạng.
Có giai thoại kể lại, người đời năm xưa vẫn thường truyền tai nhau, một khi đã dùng thuốc của Hoa Đà thì bệnh ắt sẽ khỏi. Cũng nhờ vậy mà người ta thường nhắc tới vị danh y này như một người có khả năng diệu thủ hồi xuân.
Hoa Đà là người đã phát minh ra “ma phi tán” là loại thuốc gây tê dùng trong phẫu thuật được ghi chép sớm nhất trong lịch sử y học thế giới. Ông lại phỏng theo động tác của chim thú như: hổ, hươu, gấu, khỉ, chim… mà sáng tác ra “Ngũ Cầm Hi”.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, Hoa Đà đã từng trị thương cho Chu Thái bên Đông Ngô, giải độc cho Quan Vũ ở Kinh Châu và đã để lại câu chuyện cạo xương trị độc. Về sau bởi vì chẩn đoán ra trong não của Tào Tháo có khối u, cần phải mở não làm phẫu thuật. Nhưng Tào Tháo nghi ngờ cho rằng Hoa Đà mượn cớ để hại mình nên đã tống giam ông vào ngục. Cuối cùng, Tào Tháo đã thật sự bị mắc bệnh ấy mà chết.
Tả Từ là một nhân vật huyền thoại sống vào cuối thời nhà Hán và kỷ nguyên Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Tả Từ học phép thuật đạo Lão để được trường sinh bất tử, từ vị đạo sĩ tên Phong Hành, và sau đó truyền lại đạo thuật cho Cát Huyền.
Rất nhiều người đọc Tam quốc diễn nghĩa cho rằng, Tả Từ chỉ là nhân vật hư cấu do La Quán Trung tưởng tượng ra để báo hiệu cho cái chết của Tào Tháo. Thế nhưng, đích thực là trong sử sách, có rất nhiều ghi chép về vị đạo sĩ này. Những tác phẩm nổi tiếng như Hậu hán thư. Tả Từ truyện, Sưu thần ký, Phương dư thắng lãm, Thiên hạ danh thắng chí, Giang nam thông chí hay Lư giang huyền chí cũng đều có ghi lại.
Thậm chí còn có nhiều ý kiến cho rằng Tả Từ đã sống từ trước cả khi nhà Hán sụp đổ và mãi 300 năm sau mới mất.
Theo sử liệu, Tả Từ là một đạo sĩ Lão giáo, tự là Nguyên Phóng, đạo hiệu là Ô Giác tiên sinh, người quận Lư Giang, nay là Tiềm Sơn, tỉnh An Huy.
Tả Từ tu trên đỉnh núi Thiên Trụ, luyện tập nội đan thuật và nuôi dưỡng tinh khí bằng khí công và tập luyện Phòng trung thuật, một phương pháp luyện khí công tình dục của Đạo giáo. Nhiều người nói rằng ông có thể sống trong nhiều thời kỳ mà không cần ăn. Tả Từ cũng học Tứ thư Ngũ kinh và Chiêm tinh học.
Khoảng trước năm 200, lãnh chúa Đông Ngô là Tôn Sách, một người chủ trương Khổng giáo, muốn giết Tả Từ và truy sát ông bằng ngựa. Tả Từ chỉ đi bộ, vẫn trốn thoát được bằng cách đi chậm thong thả.
Sau đó, Tả Từ đến thăm Tào Tháo, người trả trợ cấp cho ông để trình diễn phép thuật. Tào Tháo thể hiện sự quan tâm đến các phương pháp trường sinh bất tử bằng cách luyện theo, nhưng con trai Tào Thực cho rằng tiền trợ cấp chỉ nhằm mục đích cầm chân vị đạo sĩ này và kiểm soát phép thuật hoang dã của ông. Tả Từ trình diễn nhiều chiêu thức phép kì lạ trước điện Tào Tháo, chẳng hạn như bắt một con cá lạ từ một chảo đồng trống rỗng, và biến đến một nơi khá xa để mua gừng. Tả Từ từng mời toàn điện Tào Tháo dùng thức ăn và rượu, nhưng Tào Tháo sớm phát hiện ra rằng Tả Từ đã gom hết tất cả cửa hàng rượu trong khu vực bằng phép thuật cho mục đích này. Tào Tháo cố gắng tìm cách hành hình Tả Từ, nhưng ông đã tẩu thoát bằng cách đi xuyên tường thành. Khi ai đó bẩm báo rằng Tả Từ đã lộ mặt ở khu chợ, tất cả mọi người trong khu chợ đều biến thành Tả Từ. Một bẩm báo khác cho biết Tả Từ đang ở trên đỉnh núi, do đó, Tào Tháo và quân lính đuổi theo, và nhận ra Tả Từ đang ẩn thân giữa một đàn cừu. Biết rằng không thể tìm thấy Tả, Tào Tháo nói với bầy cừu rằng chỉ đang cố gắng để kiểm tra kỹ năng của Tả Từ, và không có ý định giết ông. Lúc đó, một con dê đứng bằng hai chi sau và nói. Tào Tháo và quân lính đổ xô tới con dê, và nhìn thấy rằng những con cừu còn lại trong đàn đều hóa thành những con dê đứng bằng hai chân và biết nói giống người. Từ đó, quân lính Tào Tháo không bao giờ tìm thấy Tả Từ nữa.
Tả Từ sau đó xuất thế và ẩn mình tu luyện trên những đỉnh núi.
Trong Tam quốc diễn nghĩa hồi thứ 89 của La Quán Trung, mô tả gia đình Mạnh Hoạch có ba anh em trai, Mạnh Hoạch người là thứ hai, là tay cự phách và làm Man Vương có thế lực nhất vùng Nam Trung, Mạnh Hoạch đã dẫn quân nổi loạn chống lại quân Thục ở phía Nam. Mạnh Ưu là em út, là người luôn ủng hộ và đoàn kết với Mạnh Hoạch trong cuộc chiến tranh với Thục. Mạnh Tiết là anh cả, vốn là người hâm mộ văn hóa Hán và bất mãn với Mạnh Hoạch vì không tuân vương hóa nên đã bỏ đi làm ẩn sĩ.
Mạnh Tiết được mô tả là người đội nón nan, đeo dép cỏ, áo bào trắng, dây lưng thâm, mắt biếc, tóc vàng, là ẩn sĩ sống ở khe núi Vạn An (từ con sông câm đi thẳng mé tây vài dặm, có một hang núi, vào trong hang đi hai mươi dặm nữa, đến một cái khe, gọi là khe Vạn An). Mạnh Tiết được giới thiệu là một cao sĩ, gọi là Vạn An ẩn giả và đã vài mươi năm nay, Mạnh Tiết không rời khỏi khe Vạn An (sống cùng với một tiểu đồng). Nơi Mạnh Tiết sống có thông to, bách cổ, trúc lạ, hoa thơm, rườm rà xung quanh một khu nhà, sau bức rào, có mấy gian nhà tranh, mùi hoa ngào ngạt. Đặc biệt là sau nhà Mạnh Tiết có một cái suối, gọi là suối An Lạc, ai trúng phải độc, uống nước suối ấy khỏi lập tức, hoặc người nào sinh ghẻ, nhiễm phải chướng khí, tắm nước suối ấy tự nhiên không việc gì. Trước nhà thì có một thứ cỏ gọi là giới diệp vân hương, ngậm lá cỏ ấy trong mồm, thì chướng khí không nhiễm vào được.
Khi quân Thục bị trúng độc do uống phải nước suối câm ở chỗ của Đóa Tư đại vương, có người chỉ điểm, Khổng Minh đem hương hoa lễ vật dẫn Vương Bình và những quân câm, theo lời thần chỉ, lần mò kéo đi, vào một hang núi, đi hai mươi dặm nữa, thì thấy căn nhà của Mạnh Tiết. Mạnh Tiết hớn hở chào hỏi và mời vào nhà chơi. Khổng Minh xin Mạnh Tiết rộng lượng cho ít nước thần, để cứu vớt cái sống thừa của ba quân.
Mạnh Tiết nói: "Lão phu là người quê kệch ở chốn núi rừng, thừa tướng lọ phải uổng công đến đây. Suối này ở ngay sau nhà, xin cứ việc ra mà uống" rồi sai tiểu đồng đưa Vương Bình và quân lính ra suối lấy nước. Uống xong, quân lính đều liền thổ ra dãi độc, rồi nói được ngay. Tiểu đồng lại đưa cả bọn đến khe Vạn An tắm táp.
Mạnh Tiết ở trong nhà pha chè hạt bách, thiết đãi Khổng Minh, và báo với Khổng Minh rằng ở xứ này lắm giống rắn dữ, rết độc, hoa liễu bay vào trong khe, nước không sao uống được, phải đào giếng mới xong. Ông còn dạy quân Thục ngậm lá giới diệp vân hương để tránh độc khí. Khổng Minh xin hỏi tên họ. Thì Mạnh Tiết báo tên và tự giới thiệu là anh ruột Mạnh Hoạch. Đồng thời tâm sự với Khổng Minh về gia đình của mình và cho biết "hai em tôi cứng đầu, cứng cổ, không tuân vương hóa. Tôi can bảo chúng nó không nghe, nên phải đổi tên, ẩn dật ở đây. Nay em tôi làm phản, để thừa tướng phải khó nhọc, đến xứ bất mao này, tội tôi thật đáng muốn chết nên xin thú tội với thừa tướng trước".
Khổng Minh đề nghị với Mạnh Tiết sẽ tâu với thiên tử cử ông này lên làm vua xứ Nam Man nhưng Mạnh Tiết từ chối vì ghét công danh, nên trốn ra đây, còn bụng nào tham phú qúy nữa. Khổng Minh bèn lấy vàng lụa ra tạ. Mạnh Tiết cố từ chối không chịu lấy. Khổng Minh cảm phục, từ biệt ra về.
Sau này có thơ khen rằng:
Thảnh thơi trong một túp lều tranh,
Suối mát, hoa thơm, cảnh cũng thanh,
Cổ thụ um tùm, người vắng ngắt,
Hãy còn khói biếc khóa non xanh.