Chính phủ Trung Quốc đã cách chức Ngoại trưởng Tần Cương và thay thế ông bằng người tiền nhiệm Vương Nghị, theo truyền thông nhà nước.
“Cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc đã bỏ phiếu bổ nhiệm ông Vương Nghị làm bộ trưởng ngoại giao… khi họ triệu tập phiên họp vào thứ Ba 25/7” - Tân Hoa Xã đưa tin. “Ông Tần Cương bị cách chức ngoại trưởng.”
Thông báo được đưa ra một tháng sau lần xuất hiện trước công chúng cuối cùng của ông Tần.
Trong bản tin buổi tối quốc gia, đài truyền hình nhà nước CCTV không đưa ra lý do gì về việc ông Tần bị sa thải.
Quyết định đã được thông qua tại một cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, thường họp vào cuối tháng.
Ông Tần Cương 57 tuổi, được bổ nhiệm làm bộ trưởng ngoại giao vào tháng 12/2022.
Ông biến mất khá đột ngột. Ông đã không xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 25/6, khi ông có cuộc hội đàm với những người đồng cấp Nga, Việt Nam và Sri Lanka.
Lần xuất hiện cuối cùng của ông trên các phương tiện truyền thông nhà nước là cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko, trong chuyến thăm Bắc Kinh chưa đầy 48 giờ sau cuộc nổi dậy của nhóm Wagner chống lại Bộ Quốc phòng Nga.
Trung Quốc sau đó đã hủy bỏ các cuộc đàm phán giữa Tần Cương và người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu Josep Borrell vào ngày 4 tháng 7 mà không có lời giải thích.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó cũng cho biết ông không thể tham dự hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Jakarta vì “lý do sức khỏe”.
Sự vắng mặt bí ẩn của ông đã làm dấy lên suy đoán rằng ông đã không còn được lòng lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Một ngôi sao đang lên
Tần Cương gốc Thiên Tân. Ông phục vụ trong chính phủ Trung Quốc từ cuối những năm 1980, chủ yếu giữ các vai trò liên quan đến đối ngoại.
Ông được coi là một người thân cận của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và được coi là một ngôi sao đang lên trong ĐCSTQ.
Sự thăng tiến của ông trước các ứng cử viên giàu kinh nghiệm hơn, đầu tiên với chức vụ đại sứ Hoa Kỳ và sau đó là bộ trưởng ngoại giao, là nhờ sự tin tưởng trực tiếp của ông Tập.
Ông nói tiếng Anh lưu loát. Người ta cảm thấy sự hiện diện rõ ràng ở Washington khi là đại sứ thông qua các lần xuất hiện trước công chúng và truyền thông, trong đó ông bảo vệ vị trí địa chính trị của Trung Quốc.
Trước đây, ông cũng từng là phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nơi ông nổi tiếng về những câu trả lời gay gắt trước những câu hỏi khó của các nhà báo.
Trong những năm gần đây, ông được coi là tấm gương tiêu biểu cho việc Bắc Kinh chuyển hướng sang chính sách ngoại giao hiếu chiến được gọi là “chiến lang”.