Ngày 26/7, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức Đối thoại tháng 7 với chủ đề "Kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán".
Phát biểu tại đối thoại, bà Vũ Thị Chân Phương - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, hiện nay, UBCKNN đang quan tâm, chú trọng đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động ổn định, minh bạch. Bởi thị trường chứng khoán còn là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế bên cạnh nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng.
Về lợi ích khi được nâng hạng thị trường, theo ước tính của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 70% các quyết định phân bổ vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư quốc tế chịu ảnh hưởng từ sự xếp hạng phân loại thị trường chứng khoán và phân loại chỉ số tham chiếu trên thị trường chứng khoán.
Còn theo Báo cáo ước tính của World Bank, việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ thu hút khoảng 7,2 tỷ USD nguồn vốn ngoại ròng đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam mỗi năm. Bên cạnh đó, khả năng định giá cổ phiếu cũng sẽ được cải thiện. Từ đó, tạo ảnh hưởng tích cực tới công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.
Cuối cùng, việc nâng cấp thị trường dẫn tới cơ sở nhà đầu tư đa dạng hơn, tăng số lượng nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện nay, chúng ta phải cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư khi có đến 90% là nhà đầu tư cá nhân.
"Theo báo cáo mới nhất hồi tháng 3, Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách nâng cấp thị trường chứng khoán mới nổi. Cơ bản, thị trường chứng khoán Việt Nam đáp ứng được phần lớn yêu cầu của thị trường chứng khoán mới nổi. UBCKNN sẽ có buổi tọa đàm tại Hồng Kông vào tháng 8 tới đây với các tổ chức xếp hạng quốc tế để đánh giá tiềm năng nâng cấp của thị trường chứng khoán Việt Nam", Chủ tịch UCCKNN tiết lộ.
Cũng theo bà Phương, có hai nhóm vấn đề trọng yếu cần cải thiện, cần phối hợp các bên có liên quan tiến đến đạt kế hoạch nâng hạng thị trường chứng khoán.
Thứ nhất, về yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch, cần sự hỗ trợ phối hợp từ Ngân hàng Nhà nước. Đối với yêu cầu ký quỹ, Việt Nam có quy định đảm bảo đủ tiền, đủ chứng khoán trước khi giao dịch. Trong khi đó, yêu cầu của tổ chức xếp hạng là không yêu cầu ký quỹ trước khi giao dịch.
Do vậy, phương án tháo gỡ theo Ủy ban Chứng khoán là phải triển khai đối tác bù trừ thanh toán trung tâm cho thị trường cơ sở, giảm ký quỹ, tiến đến giảm tối đa về còn 10% giao dịch ký quỹ. "Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng lưu ký nước ngoài rất e ngại khi không được là thành viên thanh toán bù trừ trực tiếp mà phải qua ngân hàng trong nước. Nếu họ được thanh toán bù trừ trực tiếp thì tháo gỡ vướng mắc liên quan giao dịch ký quỹ", bà Phương nói.
Thứ hai, giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài. Theo UBCKNN đề xuất trong khả năng có thể làm được sớm nhất, trước mắt là các bộ ngành theo hướng rà soát hạn chế nhà đầu tư nước ngoài chỉ áp dụng với lĩnh vực cần thiết như: quốc phòng an ninh, bảo hộ thương mại.
Liên quan đến việc nâng cao minh bạch, chất lượng hàng hóa cho thị trường chứng khoán, có ý kiến cho rằng: Cần phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng, thu hẹp riêng lẻ. Bà Phương cho biết, bà không hoàn toàn đồng tình. Vì việc phát hành trái phiếu ra công chúng phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn. Ủy ban luôn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành ra công chúng.
Thời gian vừa qua, Ủy ban đã rà soát văn bản quy phạm pháp luật, quy trình, quy chế nội bộ, công khai các thủ tục nhưng hầu hết doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu phát hành ra công chúng nên doanh nghiệp không nộp hồ sơ phát hành ra công chúng.
Mặt khác, nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa trên thị trường chứng khoán, UCNKNN tăng cường công tác quản lý, giám sát, hậu kiểm theo chế độ hữu kiệt, kiểm tra báo cáo tài chính, làm việc với các tổ chức kiểm toán, kết quả kiểm tra của các bộ ngành như thuế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư… làm sao để cổ phiếu phát hành đưa vào thị trường phải đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Có ý kiến cho rằng: Thị trường chứng khoán có lúc lên theo chiều thẳng đứng, lúc lại giảm xuống? Phải chăng có yếu tố nào tác động lên thị trường chứng khoán?
Giải đáp ý kiến, Chủ tịch UBCKNN cho biết, hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân, chiếm trên 90%. Như thị trường của nước phát triển Hàn Quốc chỉ có 40 – 60% là nhà đầu tư tổ chức.
"Tôi cho rằng, bước đầu, thị trường chứng khoán Việt Nam làm sao để 40% nhà đầu tư tổ chức và 60% nhà đầu tư cá nhân cũng sẽ đáp ứng được sự ổn định. Ngoài những yếu tố xem xét ảnh hưởng đến giá cổ phiếu thì tâm lý của nhà đầu tư cá nhân tác động rất lớn lên thị trường chứng khoán", Bà Phương cho biết.
Tại buổi đối thoại, bà Phương chia sẻ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có những giải pháp thu hút, tăng cường các nhà đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp qua hình thức thành lập các quỹ đầu tư. Số lượng chứng chỉ quỹ trong quý I/2023 tăng trưởng cao. Tổng số lượng nhà đầu tư trong quý I/2023 là hơn 212,6 nghìn, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.