Dân Việt

Một ngôi đền cổ thờ Đức Thánh Trần ở Hải Phòng gợi mở nhiều chuyện về uy quyền của Trần Hưng Đạo

Vũ Thị Hải 30/07/2023 13:29 GMT+7
UBND huyện Cát Hải vừa có văn bản đề nghị Sở Văn hoá và Thể thao TP Hải Phòng xem xét, thẩm định và phối hợp hướng dẫn địa phương hoàn thiện quy trình, hồ sơ, thủ tục xếp hạng di tích cấp thành phố đối với ngôi đền cổ thờ Đức Thánh Trần tại thôn Ninh Tiếp, xã Nghĩa Lộ (huyện Cát Hải, Hải Phòng).

Ly kỳ câu chuyện về đền Đức thánh Trần

Đền thờ Đức thánh Trần được xây dựng từ lâu đời. Qua ký ức của người dân nơi đây, thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám, đền là một ngôi nhà 3 gian cột bằng gỗ lim, tường xây bằng đá vôi, mái lợp ngói. 

Khoảng năm 1958 - 1959, nhằm mở rộng diện tích ruộng muối, xã viên Hợp tác xã muối Tân Tiến đã phá gò đất nơi có đền thờ để tạo mặt bằng sản xuất. Ngôi đền chưa bị phá nhưng gồ đất nơi di tích toạ lạc bị thu hẹp. Khoảng những năm 1971, 1972, ngôi đền cùng đình Ninh Tiếp bị phá bỏ. Nhiều người dân đã mang gỗ, hoành về dựng nhà. 

CLIP: Cụ Phạm Văn Pháo (90 tuổi)- người dân thôn Ninh Tiếp, xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải,HP nói về ngôi đền cổ thờ Đức Thánh Trần. 

Năm 1990, nhân dân địa phương đã phục dựng lại một ngôi miếu nhỏ để phụng thờ Đức ThánhTrần. Nhiều người dân đã đem trả lại đền những đồ vật đã lấy đi trước đó. Năm 2012, đền được phục dựng có quy mô như hiện nay, với một gian thờ đơn sơ, mặt tiền hướng về phương Nam. 

Trao đổi với PV, bà Ngô Thị Minh Hà, người quản lý ngôi đền hiện nay cho biết, trong quá trình phục dựng ngôi đền, người dân địa phương đã thu thập được nhiều mảnh hiện vật gốm, sành, gạch vồ, ngói… 

Theo Tiến sỹ Nguyễn Hữu Mạnh thì những mảnh hiện vật này có nhiều niên đại khác nhau, trải dài từ khoảng thế kỷ XVI, XVII đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Điều đó cho biết, công trình đền thờ Đức Thánh Trần được xây dựng muộn nhất là vào thời Lê Trung Hưng, khoảng thế kỷ XVII - XVIII.

Khi biết chúng tôi về tìm hiểu lịch sử ngôi đền, các cụ cao niên trong làng kéo đến rất đông. Cụ Phạm Thị Sáu (gần 90 tuổi), cụ Phạm Văn Pháo (gần 90 tuổi), cụ Phạm Thị Len (80 tuổi), bà Bùi Thị Thay (75 tuổi) đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện từ xa xưa về ngôi đền, từ khi các cụ còn nhỏ, đã theo cha mẹ đi lễ dâng hương tại đây.

CLIP: Bà Phạm Thị Len, 80 tuổi, người dân thôn Ninh Tiếp, xã Nghĩa Lộ kể về ngôi đền thờ Đức Thánh Trần.  

Cụ Phạm Thị Sáu kể, ngay từ nhỏ, cụ đã được theo cha mẹ lên Đền để lễ. Các cụ trong làng đều nói, ngôi đền này linh thiêng lắm. "Ngày trước, trong làng có gia đình cụ Thịnh làm muối. Ruộng muối của nhà cụ Thịnh sát với ngôi đền của nhà ngài. Nhà cụ Thịnh nghèo lắm. Không có nhà để ở, dựng tạm cái chòi bé lắm. Một lần, cụ Thịnh mơ thấy Đức Thánh Trần về báo mộng, nói, cứ ra chỗ ruộng đấy, đào sâu xuống sẽ có thứ mang về mà làm nhà. 

Theo lời chỉ dẫn, cụ Thịnh ra ruộng đào thì phát hiện một hố vôi to, có đến mấy tấn vôi. Gia đình mang về đóng gạch rồi dựng được căn nhà khang trang. Chuyện này cả làng tôi đều biết. Ơn nhà Ngài, bây giờ cứ dịp ngày lễ ngày tuần của Đền là cụ Toán- vợ của cụ Thịnh lại ra đền thắp hương bái tạ"- cụ Sáu nói.

"Khi vào hợp tác xã làm muối, xã viên được giao ruộng gần gò đất của nhà ngài vì muốn mở rộng diện tích ruộng muối nên cứ vạc dần vào đất của ngôi đền. Rồi không hiểu, Ngài về báo mộng như thế nào mà các hộ dân sau đó đều tự nguyện đắp đất trả lại cho đền. Năm 2012, khi dựng lại ngôi đền như bây giờ, nhiều người dân tự nguyện mang trả lại nhiều vật dụng như chân cột đá, ngói, vật dụng thờ cúng. Một số người ngày xưa phá đền, lấy đá xanh về nung vôi xây nhà thì sau đấy cả vợ, cả chồng đều chết hết"- cụ Sáu kể.

CLIP: Bà Bùi Thị Thay, 75 tuổi trú tại thôn Ninh Tiếp, xã Nghĩa Lộ chia sẻ câu chuyện về đền Đức Thánh Trần.

Bà Bùi Thị Thay cũng góp chuyện bằng câu chuyện thật của gia đình mình. Số là chồng bà, ông Trần Văn Cây làm ruộng muối ngay ở khu vực giáp gò đất có ngôi đền cổ trước đây. Ông Cây được Ngài về báo mộng, bắt làm "lính" của Ngài, phải dựng lên một ngôi đền nhỏ để thờ nhà Ngài. Sau đó, cứ đêm đến là ông cụ Cây phải mang chiếu, mang đèn ra đền để học chữ Nho. Hôm nào lười học, không thuộc bài, bị Ngài bắt phạt cứ tự tay tát vào mặt mình...

Nơi lưu giữ nhiều di vật, đồ thờ cổ

Ngôi đền thờ Đức Thánh Trần hiện nay có bố cục mặt bằng hình chữ Nhất, kiến trúc một gian theo kiểu thức tường hồi bít đốc, trụ biểu hiên. Phần bờ nóc đền đắp hình tượng "lưỡng long chầu mặt nguyệt" theo mô típ trang trí của ngôi đền thuở xưa; mái lợp ngói khay đỏ; hai cột đồng trụ phía hiên với đình đắp linh vật nghê trong tư thế đứng chầu vào, thân cột được nhấn đôi câu đối với nội dung ca ngợi công đức của Đức Thánh Trần với đất nước, với nhân dân được lưu truyền đời đời kiếp kiếp. "Đức lớn yên dân nghìn đời thịnh/ Công cao giúp nước vạn năm dài". 

Phần hiên đền thờ đắp biểu tượng cuốn thư, lòng cuốn thư nhấn năm chữ Hán "Trần Triều Thánh linh từ" (陳朝聖靈祠) với nội dung đề cập về nhân vật được cộng đồng người dân địa phương tôn kính phụng thờ trong ngôi đền là Đức Thánh Trần.

Kiến trúc bên trong đền thờ đơn giản, mộc mạc. Phần quan trọng và tôn kính nhất là không gian thờ tự với thần tượng Đức Thánh Trần được bài trí ở trung tâm, phía trên treo bức đại tự "Trần Triều hiển thánh" (陳朝顯聖) với nội dung ca ngợi sự linh thiêng hiển thánh của Đức Thánh Trần trong lòng dân tộc và nhân dân cả nước. Ngoài ra còn có kiếm, cờ và đao bằng đồng. Bên cạnh còn có ban thờ công đồng Trần Triều.

Trải qua thời gian lịch sử với nhiều biến đổi, đến nay, đền thờ Đức Thánh Trần còn bảo tồn, lưu giữ được nhiều hiện vật, di vật, đồ thờ tự và các thành phần kiến trúc của đền thờ xưa.

CLIP: Cụ Phạm Thị Sáu, 90 tuổi, người làng Ninh Tiếp kể chuyện về ngôi đền cổ.

Theo kết quả nghiên cứu của ông Nguyễn Ngọc Tiến (cán bộ Bảo tàng Hải Phòng) đối với 7 chân tảng được làm bằng đá xanh, với nhiều kích cỡ khác nhau nhưng tập trung vào 3 loại chính với kích cỡ, đường kính cụ thể (từ 18-22cm; 25-28cm, 32-37,5cm). 

Một số tảng kê có đường kính từ 32-37,5cm này tương đương về kiểu dáng, cách thức tạo tác và đường kính với các chân tảng đá của đình, chùa Nghĩa Lộ và nhiều chân tảng đá của các di tích đình, chùa, miếu có lịch sử khởi dựng hay trùng tu vào thế kỷ XVII, XVIII như Đình Hàng Kênh (quận Lê Chân), đình Kiền Bái (huyện Thuỷ Nguyên), đình Nhân Mục, miếu Bảo Hà (huyện Vĩnh Bảo)...

Cùng với các chân tảng kế, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện nhiều phần vỡ của gạch vồ mang niên đại thế kỷ 17, 18.

Trong khuôn viên đền, dưới gốc cây đa hiện có một thạch khuyển, có niên đại khoảng thế kỷ 19-20; 3 nậm, niên đại cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20

Ngoài ra, trong khu vực này, có rất nhiều mảnh hiện vật gốm, sành, gạch vồ, ngói… với nhiều niên đại, trải dài từ khoảng thế kỷ16, 17 đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, 

Theo nhận định của ông Nguyễn Ngọc Tiến, mặc dù những dấu tích như chân tảng kê, đá hộc, gạch vồ hay những mảnh sàng vỡ... được phát hiện xung quanh di tích không nhiều nhưng lại góp phần quan trọng trong việc bước đầu nghiên cứu về vùng đất, văn hoá và lịch sử của đền thờ Đức Thành Trần. Từ những bằng chứng vật chất đó có thể nhìn nhận đền thờ Đức Thánh Trần được tạo dựng muộn nhất là vào thời Lê Trung Hưng, khoảng thế kỷ 17 - 18

Đền Đức thánh Trần có từ bao giờ?

Theo nghiên cứu của Tiến sỹ Nguyễn Hữu Mạnh, (Trung tâm nghiên cứu và phát triển tài nguyên văn hoá thuộc Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn- Đại học quốc gia Hà Nội), vào cuối thế kỷ 13, khu vực ven sông Bạch Đằng trong đó có vùng đất Nghĩa Lộ là căn cứ thuỷ quân lớn của Triều Trần. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là thân vương Triều Trần, công cao bậc nhất trong sự nghiệp chống quân Mông- Nguyên xâm lược. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã sử dụng sức người, sức của của nhân dân trong khu vực để có thể làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử. Năm 1300 Ngài qua đời, được phong phúc thần, người dân khắp nơi dựng đền thờ.

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Mạnh nhận xét, Xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải, Hải Phòng là vùng đất "giàu trữ lượng" các di sản văn hoá dân tộc như đình, chùa, miếu Nghĩa Lộ; đình, chùa Ninh Tiếp; miếu Vua Bà, miếu Cụ, miếu Chúa, miếu Quan Nghè... Lịch sử hình thành của các di tích gắn liền với câu chuyện lịch sử hình thành vùng đất này từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18.

Gốc tích ngôi đền cổ thờ Đức Thánh Trần đang được đề nghị xếp hạng di tích - Ảnh 5.

Tượng Đức Thánh Trần được thờ trong ngôi đền ở thôn Ninh Tiếp, xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải, Hải Phòng. Ảnh: NMH

Về vị trí xây dựng đền thờ Đức Thánh Trần rất đặc biệt. Đây là một trong những di tích toạ lạc xa nhất về phía biển ghi nhận sự thờ phụng Trần Hưng Đạo. Có ba khả năng xuất hiện cho hiện tượng tôn thờ Trần Hưng Đạo nơi đây. 

Thứ nhất, có lẽ vùng đất này gắn với chiến trận Bạch Đằng năm xưa. Phải chăng, khu vực này từng là một điểm cao tiền tiêu trước đây của Trần Hưng Đạo. 

Thứ hai, khu vực này là nơi trú ngụ của các ngư dân sau mỗi ngày đánh bắt. Trần Hưng Đạo là vị phúc đẳng thần được tôn sùng nên nhân dân đã xây đền thờ mong nhận được sự che chở, bảo vệ từ Ngài trong những chuyến ra khơi. 

Với bất kỳ khả năng nào thì đền thờ được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu về mặt tinh thần, tâm linh tín ngưỡng của nhân dân địa phương ở thôn Ninh Tiếp hướng về một vị anh hùng dân tộc.

Ngoài ra, khả năng thứ ba liên quan tới việc thờ Phạm Nhan- tướng quân Mông Nguyên ở xã Nghĩa Lộ. Theo tiến sỹ Nguyễn Hữu Mạnh, ở làng nào thờ tướng Phạm Nhan thì đều có đền thờ Trần Hưng Đạo. Theo nhân dân địa phương là nhằm át đi sự "nguy hiểm", dùng uy quyền của Hưng Đạo Đại Vương Trần Hưng Đạo để thị uy với tướng Phạm Nhan. Điều này ánh xạ về một vùng chiến địa ác liệt năm xưa giữa quân dân nhà Trần và quân xâm lược Nguyên Mông.

Đền thờ Đức Thánh Trần ở thôn Ninh Tiép phần nào phản ánh câu chuyện lịch sử của một vùng đất. Những hiện vật tưởng như vô tri, vô giác như chân tảng, đồ sành sứ, gạch, ngói nhưng lại gợi mở về lịch sử lâu dài hơn những ghi chép trước đây về thời gian mà con người đến sinh sống tại xã Nghĩa Lộ và rộng hơn là lịch sử chinh phục vùng đất "đầu sóng" huyện Cát Hải, Hải Phòng. 

"Có thể dễ dàng xây dựng một công trình tâm linh tại bất cứ nơi nào, nhưng để tạo dựng "hồn cốt" của một di tích lịch sử- văn hoá thì không phải trong ngày một ngày hai, chúng ta có được" - Tiến sỹ Nguyễn Hữu Mạnh kết luận.

Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Văn Phùng- Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải, TP Hải Phòng cho biết, thể theo nguyện vọng của nhân dân địa phương, UBND xã và UBND huyện Cát Hải đã có văn bản gửi Sở Văn hoá và Thể thao thành phố hỗ trợ, xem xét, hướng dẫn hoàn thiện quy trình, thủ tục xếp hạng di tích đền thờ Đức Thánh Trần tại thôn Ninh Tiếp. "Chính quyền địa phương rất ủng hộ nguyện vọng của nhân dân. Nếu ngôi đền đủ điều kiện, được xếp hạng di tích thì không chỉ người dân phấn khởi, mà đó cũng là điều vinh dự cho địa phương chúng tôi"- ông Phùng nói.