Cuộc đời Tiểu Đức Trương – đại thái giám cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc – được ghi chép khá nhiều trong các pho sử nhà Thanh. Theo Sohu, Tiểu Đức Trương tên thật là Trương Tường Trai, sinh năm 1876 ở huyện Thanh Hải, Thiên Tân (Trung Quốc).
Sinh ra trong một gia nghèo khó, ngay từ khi còn nhỏ, Tiểu Đức Trương đã phải làm thuê cho các gia đình khá giả trong làng để kiếm tiền. Nếm trải nhiều cay đắng và sự khinh thường, Tiểu Đức Trương khao khát trở nên giàu có. Năm 12 tuổi, Tiểu Đức Trương bị đánh một trận đòn nhừ tử vì không kịp tránh đường khi xe ngựa một tay địa chủ chạy qua. Uất ức vì vừa bị đòn oan vừa bị những người xung quanh chế nhạo, Tiểu Đức Trương chạy về hỏi mẹ "làm gì để trở nên giàu có".
"Muốn giàu có thì chỉ có làm lão công (thái giám)", bà mẹ đáp.
Theo Sohu, vào những năm cuối cùng của triều đại nhà Thanh, hậu cung và thái giám lũng đoạn tình hình trong Tử Cấm Thành. Sự giàu có của Lý Liên Anh – đại thái giám được Từ Hy Thái hậu sủng ái – khiến người đời không khỏi ghen tỵ. Dân gian khi đó đồn thổi rằng, vàng bạc trong nhà Lý Liên Anh chất cao như núi, gia tộc thái giám họ Lý thậm chí còn giàu hơn hoàng tộc. Từ những câu chuyện có phần được thêu dệt, nhiều nhà nghèo ở Trung Hoa thời bấy giờ (trong đó có gia đình Tiểu Đức Trương) mong muốn con em trở thành thái giám để được đổi đời.
Theo Lishi, lời nói “làm lão công” tưởng như trêu đùa của người mẹ đã khiến Tiểu Đức Trương hạ quyết tâm. Nửa đêm, khi cả nhà đã ngủ say, cậu bé Tiểu Đức Trương 12 tuổi đã tự mình mài dao, cắt đi “của quý” của mình. Nghe tiếng la hét thất thanh, cha mẹ Tiểu Đức Trương chạy đến thì “sự đã rồi”. Nhà họ Trương đành gom góp tiền bạc, gửi con trai cho một người quen ở Bắc Kinh. Hy vọng người này có thể dựa vào các mối quan hệ, giúp Tiểu Đức Trương được nhập cung trở thành thái giám.
Năm 1891, Tiểu Đức Trương nhập cung, được giữ vị trí tiểu thái giám chăn nuôi gia cầm. Mặc dù địa vị ở bậc thấp nhất trong số các thái giám, nhưng Tiểu Đức Trương bước đầu đã đạt được kế hoạch của mình.
Theo Daynews, triều Mãn Thanh quy định hệ thống phân cấp bậc thái giám rất nghiêm ngặt. Đại thái giám có quyền hành lớn, thường được thưởng tiền, nhận đút lót, còn tiểu thái giám thì thấp cổ bé họng, nếu không nịnh bợ, làm vừa lòng đại thái giám còn có thể bị hành hạ, đánh đập. Có 2 cách để tiểu thái giám được thăng cấp bậc, trở thành đại thái giám, đó là cống hiến lâu năm hoặc được sự sủng ái của hoàng tộc nhà Thanh.
Tiểu Đức Trương tuy ít học, nhưng bù lại thông minh, nhanh nhẹn hơn người. Nắm bắt Từ Hy Thái hậu – người đàn bà có quyền hành nghiêng đổ triều Thanh lúc bấy giờ – thích nghe kinh kịch, Tiểu Đức Trương liền ra sức học bộ môn này. Mặc dù luôn cố gắng hết mình trong những lần may mắn được diễn kinh kịch cho Từ Hy xem, Tiểu Đức Trương chỉ được giao những vai diễn ít nổi bật.
Có lần, một diễn viên của đoàn kinh kịch làm động tác quá mạnh, khiến đạo cụ rơi xuống sân khấu, Tiểu Đức Trương nhanh chân đỡ được và được Từ Hy khen ngợi. Ông ta lấy đó làm vinh hạnh và càng ra sức học kinh kịch, không quản ngại vất vả. Năm 1898, Tiểu Đức Trương được tuyển vào làm thái giám hậu cung. Vị trí này giúp Tiểu Đức Trương gần cận hoàng gia hơn, không phải vất vả chăn gà, chăn vịt như trước nữa.
Bước ngoặt giúp Tiểu Đức Trương “một bước lên mây” là năm 1900, khi liên quân 8 nước (bao gồm Anh, Pháp, Đức, Italia, Nhật, Nga, Mỹ, Áo – Hung) tấn công Bắc Kinh. Triều đình Mãn Thanh, bao gồm cả Từ Hy, phải bỏ chạy khỏi kinh thành, liên quân 8 nước mặc sức thảm sát khắp nơi. Vào thời điểm nhiều người tưởng rằng nhà Thanh đã sụp đổ và ai cũng lo giữ mạng, Tiểu Đức Trương lại có hành động hoàn toàn ngược lại. Ông ta không quản ngại vất vả, nguy hiểm, để tham gia đoàn hộ tống Từ Hy. Đưa ra được quyết định này, bản lĩnh và tầm nhìn của Tiểu Đức Trương thực sự không tầm thường.
Khi đoàn xa giá của Từ Hy chạy đến Tây An, trời đổ mưa lớn khiến xe ngựa của Thái hậu không thể vượt qua vũng lầy. Trong khi những người xung quanh còn bối rối, Tiểu Đức Trương đã nhanh trí xin cõng Từ Hy vượt qua đoạn đường lầy lội. Nhận thấy viên thái giám thường ngày không hầu cận mình nay lại nhiệt tình tham gia vào đoàn hộ tống, Từ Hy không khỏi xúc động.
“Nếu con trai ta cũng được hiếu thảo như nhà ngươi thì tốt biết mấy”, Từ Hy nói.
Nhận thấy cơ hội đã đến, Tiểu Đức Trương vội vàng quỳ xuống rập đầu tạ ơn. Từ đó, viên thái giám trẻ tuổi này được xem như con nuôi trên danh nghĩa của Từ Hy.
Năm 1901, hòa ước Tân Sửu được ký kết. Nhà Thanh cam kết sự hiện diện của phương Tây ở Trung Quốc, mở cửa tất cả thương cảng cho nước ngoài tự do buôn bán, phá bỏ pháo đài Đại Cô và bồi thường 450 triệu lạng bạc (tương đương thu nhập 1 năm của triều Thanh).
18 tháng sau khi ký kết hòa ước Tân Sửu, Từ Hy và hoàng tộc nhà Thanh về lại Bắc Kinh. Đối mặt với những thế lực ngấm ngầm muốn hạ bệ mình, Từ Hy lựa chọn tin tưởng vào những thái giám tâm phúc như Lý Liên Anh, Tiểu Đức Trương.
Trở về Bắc Kinh từ sau đại nạn, Tiểu Đức Trương “phất” nhanh như diều gặp gió. Ông ta trở thành một trong những đại thái giám hầu cận bên cạnh Từ Hy, không lâu sau lại được đảm nhiệm vị trí cai quản ngự thiện phòng (bếp nấu ăn cho vua, hoàng tộc nhà Thanh). Đặc biệt, Tiểu Đức Trương còn được phong chức quan tam phẩm, chỉ kém Lý Liên Anh một bậc.
Thời Càn Long, triều Thanh có quy định cấm nghiêm ngặt phụ nữ và hoạn quan tham gia chuyện triều chính. Đặc biệt, Càn Long quy định thái giám không được phong vượt quá bậc tứ phẩm. Tuy nhiên, kể từ khi nắm quyền, Từ Hy đã phá vỡ quy tắc của Càn Long khi phong cho Lý Liên Anh cấp quan tam phẩm, sau đó là nhị phẩm. Việc Lý Liên Anh, Tiểu Đức Trương lần lượt giữ các cấp bậc cao trong triều đình được xem là ngoại lệ đặc biệt trong lịch sử nhà Thanh, cũng tương tự như trường hợp Từ Hy là phụ nữ mà nắm quyền lớn trong tay.
Dưới sự che chở của “lão phật gia” Từ Hy, Tiểu Đức Trương tha hồ nhũng nhiễu, ra oai với những kẻ dưới trong cung. Các quan lại muốn gặp Từ Hy, đều phải lo lót để Tiểu Đức Trương sắp xếp. Ông ta vì vậy vơ vét được nhiều của cải, quyền lực không thua kém gì Lý Liên Anh. Năm 1949, sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, nhiều thái giám kể lại rằng họ bị Tiểu Đức Trương “đánh đập như cơm bữa”.
Vốn là người có nhiều quỷ kế và tham vọng, dù leo tới chức đại thái giám chuyên phục vụ Từ Hy Thái hậu, Tiểu Đức Trương vẫn chưa thấy mãn nguyện. Viên thái giám trẻ tuổi quyết tâm tranh giành vị trí số một với Lý Liên Anh – đại tổng quản thái giám được Từ Hy vô cùng sủng ái. Là người nhiều năm sống trong cung, Lý Liên Anh cũng không phải kẻ có đầu óc tầm thường. Nhận thấy Tiểu Đức Trương có thể là thế lực uy hiếp, ông ta không ngừng tìm cách bới móc sai sót, nói xấu Tiểu Đức Trương trước mặt Từ Hy, theo Lishi.
Đối phó với “đòn ngầm” từ Lý Liên Anh, Tiểu Đức Trương lại tỏ ra “cao tay” hơn một bậc. Mỗi lần có cơ hội trò chuyện với Từ Hy, Tiểu Đức Trương lại ca ngợi Lý Liên Anh hết lời. Tiểu Đức Trương thậm chí còn nói với những thái giám, cung nữ dưới quyền rằng, nếu không nhờ Lý Liên Anh, ông ta cũng không có được vị trí như ngày hôm nay. Từ Hy nghe được những lời này, trong lòng không khỏi khen ngợi Tiểu Đức Trương là người khiêm tốn, biết phép tắc. Lý Liên Anh có tìm cách nói xấu Tiểu Đức Trương, Từ Hy cũng chẳng thèm quan tâm nữa.
Năm 1908, hoàng đế Quang Tự, Từ Hy lần lượt qua đời, nhận thấy chỗ dựa vững chắc đã không còn, Lý Liên Anh chủ động từ chức đại tổng quản thái giám, nhường vị trí lại cho Tiểu Đức Trương. Lúc này, Lý Liên Anh 60 tuổi, Tiểu Đức Trương mới 32 tuổi.
Năm 1909, nhờ sự ủng hộ của hoàng hậu Long Dụ, Tiểu Đức Trương nhậm chức tổng quản đại thái giám, cấp quan nhị phẩm. Giấc mơ quyền lực, tiền bạc khi tự tay vung dao cắt đi “của quý” của ông ta đã thành hiện thực.
Tuy nhiên, thời kỳ đỉnh cao quyền lực của Tiểu Đức Trương không kéo dài được lâu. Năm 1911, Cách mạng Tân Hợi thành công, nhà Thanh sụp đổ, Phổ Nghi – hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc – tuyên bố thoái vị.
Theo điều kiện ưu đãi, hoàng tộc nhà Thanh vẫn được ở lại Tử Cấm Thành, Tiểu Đức Trương tiếp tục đứng đầu những viên thái giám hầu hạ nhà vua. Ngoài mặt, Tiểu Đức Trương tỏ ra trung thành với nhà Thanh, nhưng sau lưng, ông ta lén lút chuyển dần tài sản của mình từ Bắc Kinh về quê nhà Thiên Tân. Ở Hong Kong, Quảng Châu, Tiểu Đức Trương cũng thành lập các cửa hiệu, sòng bạc và trở thành một nhà tư bản giàu có.
Năm 1913, hoàng hậu Long Dụ qua đời, Tiểu Đức Trương cũng rời khỏi Tử Cấm Thành đến Thiên Tân sinh sống. Nhờ các mối quan hệ và tài sản, ông ta nhận được sự che chở của người Anh và sống trong phú quý tột bậc. Tiểu Đức Trương thậm chí còn cưới tới 4 bà vợ, mua ô tô, thuê vệ sĩ, xây nhà lớn như lâu đài.
Đáng nói, thời điểm Tiểu Đức Trương hưởng thụ sự giàu sang, trên khắp Trung Quốc, hầu hết thái giám bị trục xuất khỏi Tử Cấm Thành đều phải sống trong nghèo khổ và bị phân biệt đối xử. Đến khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, những thái giám này mới được nhìn nhận lại và tái định cư hợp lý. Chính quyền không chỉ cấp nhà ở mà còn hỗ trợ y tế và trợ cấp hàng tháng cho họ.
Trước năm 1949, Tiểu Đức Trương sống như một nhà đại tư bản. Cuối những năm 1950, cửa hàng, nhà xưởng của ông ta đều bị quốc hữu hóa, những bà vợ cũng bỏ đi. Vì không tham gia vào hoạt động ủng hộ Quốc dân đảng, Tiểu Đức Trương nhận được sự khoan dung của chính quyền. Những năm cuối đời, ông sống trong một căn nhà nhỏ, kiếm tiền bằng nghề bán trái cây chiên.
Tháng 4.1957, Tiểu Đức Trương qua đời ở tuổi 81. Trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời, từ viên thái giám trong Tử Cấm Thành đến nhà đại tư bản thời Dân quốc, Tiểu Đức Trương được xem là một trong những chứng nhân lịch sử của Trung Hoa.