Dân Việt

Người Thái Bình "gánh" theo tên làng, tên xã khi di dân vào Đắk Lắk, nay là một vùng trù phú, đang giàu lên

Thái Hưng 28/07/2023 18:44 GMT+7
Để có được sự trù phú như hôm nay, gần 40 năm trước, theo chính sách di cư đi kinh tế mới, những người Thái Bình-người dân quê lúa đã đến huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk lập nghiệp...

Trong cái nắng, cái gió, bầu không khí dịu mát của Tây Nguyên mùa mưa, thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) nép mình bên dòng sông Sêrêpôk. 

Những con đường phẳng lì từ trung tâm thị trấn đến tận thôn, buôn; những rẫy cà phê, hồ tiêu hút tầm mắt…

Để có được sự trù phú như hôm nay, gần 40 năm trước, theo chính sách di cư đi kinh tế mới, những người dân quê lúa Thái Bình đã đến đây lập nghiệp. 

Đó là hành trình đổ mồ hôi, sôi nước mắt để góp phần làm nên diện mạo đổi khác nơi quê mới, như câu thơ trong thi phẩm "Đất nước" của Nguyễn Khoa Điềm: "Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói/ Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân"…

Hai vùng quê thêm trù phú, đổi mới từng ngày

Ở thị trấn Buôn Trấp, thật thú vị khi có những địa danh như thôn Quỳnh Tân 1, Quỳnh Tân 2, Quỳnh Tân 3 tồn tại cùng các tổ dân phố Buôn Trấp, buôn Ê Căm, buôn Rung trên bản đồ địa giới hành chính. 

Cái tên "Quỳnh Tân" bà con tự đặt, nghĩa là "Quỳnh Phụ mới", tức là những người dân đều từ huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình vô đây lập quê mới. 

Không chỉ ở Buôn Trấp, mà xã Ea Na cạnh đó, người dân mang cả tên xã Quỳnh Ngọc của huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) để đặt tên thôn Quỳnh Ngọc 1, Quỳnh Ngọc 2. 

Gần 40 năm qua người Thái Bình vào Tây Nguyên lập làng, dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái ngày càng đông đúc. Họ luôn tự hào rằng cả vùng đều là đồng hương, và tên thôn làng sẽ mãi nhắc nhớ về bản quán.

Chúng tôi tới thăm ngôi nhà khang trang ngay mặt đường thôn Quỳnh Tân 2 của ông Ngô Quang Được, 74 tuổi, khi ông đang cần mẫn chăm sóc vườn lan. "Loài hoa lan rất hợp với nắng và gió vùng này, màu hoa đẹp và bền lắm. 

Cũng như người Thái Bình giờ đã quen với đất đỏ Tây Nguyên", ông Được vừa tưới lan vừa đúc kết. Hỏi chuyện ông về những ngày đầu vào Tây Nguyên lập nghiệp, ông cười bảo, đó là một câu chuyện dài không bao giờ kể hết được.

Người Thái Bình "gánh" theo tên làng, tên xã khi di dân vào Đắk Lắk, nay là một vùng trù phú, đang giàu lên - Ảnh 1.

Ông Ngô Quang Được, quê gốc thôn Quỳnh Tân 2, thị trấn Buôn Trấp, (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) đã rời quê Thái Bình vào Tây Nguyên gần 40 năm.

Cuối thập kỉ 70 thế kỉ trước, nhà nước chủ trương đưa dân từ các nơi khác đến xây dựng vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên. 

Có hàng chục điểm khai hoang cấp tỉnh, trong đó lớn nhất có Buôn Trấp, huyện Krông Ana. Thời kỳ 1976 - 1980, UBND tỉnh Thái Bình đã huy động trên 22.000 người tham gia các đơn vị lao động tiền trạm xây dựng kinh tế mới ở các tỉnh phía Nam, trong đó, 8.800 lao động Thái Bình đến Đắk Lắk.

Năm 1977, ở huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, xã nào hầu như cũng có các gia đình từ biệt quê hương để lên đường. Từ xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ, ông Được đưa mẹ và vợ con vào Tây Nguyên.
Trong hành trình xa xôi ấy, ông Được khấn hương hồn người cha liệt sĩ cùng theo gia đình vào vùng đất mới. Người cha hy sinh năm 1950 khi tham gia kháng chiến chống Pháp, nhưng ông Được vẫn tình nguyện lên đường đi bộ đội năm 1972. 

Vào chiến trường, ông gặp cô gái thanh niên xung phong Nguyễn Thị Khanh, quê ở xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ. Tình đồng hương, tình đồng đội đã khiến họ cảm mến nhau. Đám cưới của họ diễn ra ngay tại chiến trường, giản dị mà ấm áp. 

Năm 1974, bà ra quân, về Thái Bình sinh con. Sau giải phóng miền Nam ông xuất ngũ, trở về quê hương, tham gia nhiều công tác ở địa phương. Và rồi số phận đưa đẩy, một năm sau thì họ trở lại Tây Nguyên bắt đầu cuộc mưu sinh trên vùng đất mới.

"Đất Thái Bình chúng tôi cả tỉnh không có một ngọn núi; ruộng đồng bằng phẳng, thẳng cánh cò bay. Bao năm đã quen nhịp cấy cày, mùa vụ nối nhau. Vào đến Buôn Trấp chỉ thấy những khoảng rừng xanh ngút ngát, hoang vu, đi mãi chả thấy bóng người. 

Mặc dù trước khi dân vào, đội thanh niên xung kích tiền trạm Thái Bình đã có mặt ở Tây Nguyên khai hoang, làm nhà, làm thủy lợi cho bà con. Nhưng khó khăn thì trùng điệp như núi, cái gì cũng thiếu, từ dụng cụ lao động đến lương thực. Lúc đầu chúng tôi hoang mang, lo lắng, không biết sức người có chinh phục được thiên nhiên nơi đây, có biến sỏi đá thành cơm không", ông Được nhớ lại. 

Những ngày tháng ấy đã xa rồi, nhưng ở Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk vẫn còn lưu giữ và trưng bày xẻng đào đất, dao chặt cây của đội thanh niên xung kích tiền trạm Thái Bình ngày ấy.

Nhấp ngụm trà, ông Được tiếp tục câu chuyện: "Những ngôi nhà của bà con Thái Bình thời ấy đều dựng bằng tre nứa, lợp tranh. Sợ nhất khi Tây Nguyên vào mùa khô, những cơn gió dàn dạt thổi rung lắc cả căn nhà, nếu bén lửa thì cháy cả làng. 

Từ hai bàn tay trắng, chúng tôi làm quen với nương rẫy, đất rừng, học cách trồng cà phê, hồ tiêu. Cái nết chịu thương chịu khó, cần cù học hỏi được dịp phát huy. Đất đỏ bazan màu mỡ, quyết không để đất hoang, đất rỗi. 

Thế hệ buổi đầu đi vỡ đất nay kẻ còn người mất. Giờ nhìn lại, thật tự hào khi người Thái Bình đã góp phần giúp Buôn Trấp "lột xác" từ một vùng rừng núi, lau sậy năm xưa nay trở thành vùng sản xuất trọng điểm ca cao, hồ tiêu, cà phê".

Từ khi đặt chân vào Buôn Trấp, ông Được đã hăng hái tham gia nhiều công tác địa phương. Từ Đội trưởng Đội thủy lợi, Đội trưởng Đội sản xuất đến Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị trấn Buôn Trấp. Hiện tại, ông đang là Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn huyện Krông Ana. Việc gì ông cũng năng nổ, gây dựng phong trào vì tập thể. 

Ông bảo, bà con Thái Bình có truyền thống đoàn kết, quần tụ, nên đã truyền dạy, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, nếp ăn ở cho đồng bào Êđê. Trước đây, đồng bào ở chung trong nhà dài, sau chia đất, tách nhà, tách vườn riêng. Trước kia họ ở nhà sàn, giờ ở nhà xây. Đồng bào vốn chỉ quen chọc lỗ, tra hạt trên nương, giờ đã biết làm thủy lợi, cấy lúa nước.

Sau bao năm vất vả, ông Được giờ đã xây được nhà cao cửa rộng, các con của ông đều trưởng thành ra ở riêng. Còn sức khỏe nên ông vẫn về quê Thái Bình hàng năm nhân dịp giỗ tết. Mỗi lần về quê lại thấy những ngôi nhà mới, con đường mới. Điều đó khiến ông vui vì cả hai quê đều đổi khác từng ngày.

Khí chất người Thái Bình quê lúa giữa Tây Nguyên ngập tràn nắng, gió

"Bà con Thái Bình vào đây ai cũng đã về thăm quê, thăm họ hàng. Còn tôi, vì hoàn cảnh khó khăn mà chưa một lần trở lại nơi chôn nhau cắt rốn. Bao nhiêu năm qua tôi luôn có cảm giác nằng nặng, day dứt trong tâm can", bà Nguyễn Thị Năng ngồi trước cửa nhà, đôi mắt xa xăm nói những lời gan ruột.

Người Thái Bình "gánh" theo tên làng, tên xã khi di dân vào Đắk Lắk, nay là một vùng trù phú, đang giàu lên - Ảnh 2.

Một góc thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk-nơi có những người Thái Bình di dân vào cư trú.

Nhà bà Năng cũng ở thôn Quỳnh Tân 2. Trong gian nhà nhỏ bé, tuềnh toàng, chồng bà -  ông Trần Công Tịnh bị tai biến mấy năm nay giờ chỉ nằm một chỗ. 

Cô con gái đi lấy chồng cũng bị tai biến, về ở với bà. Ở tuổi 70, bà Năng vừa nuôi chồng, nuôi con, nuôi cả cháu, chưa một ngày được nghỉ ngơi. Rồi bà chép miệng: "Ông nhà tôi quê ở xã Quỳnh Hội, còn tôi ở xã An Đồng, cùng huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. 

Năm kinh tế, chúng tôi cùng vào đây, gặp nhau và nên vợ nên chồng. Chúng tôi có với nhau 8 người con. Ông nhà tôi to khỏe, lao động hăng lắm, làm nương rẫy trồng cà phê, hồ tiêu, không ngại việc gì. Rồi tai nạn giáng xuống. Một lần nổ lốp xe, ông ấy bị phạt vào bàn tay, từ đó yếu dần, giờ thì nằm một chỗ".

"Năm kinh tế" là cách gọi của bà Năng khi nhắc đến thời điểm ông bà vào Tây Nguyên năm 1977. Trong trí nhớ của bà, ngày đó vùng này cỏ tranh, lau lách ngập đầu, đi đến đâu cũng gặp vắt xanh, ruồi vàng, muỗi vằn và rắn độc. 

Nỗi lo FULRO còn bao trùm, thêm cả dịch sốt rét lan rộng, ám ảnh đến tận bây giờ. Đã có lúc tưởng buông bỏ, nghĩ đến việc trở về quê cũ, nhưng rồi người Thái Bình đã cùng nhau bám trụ lại, bằng tất cả sự bền bỉ và lòng quyết tâm. 

Bà Năng nhớ thời đó bà con Thái Bình phát triển nghề đan lát, làm ra bao nhiêu sản phẩm rổ, nia từ mây, nứa, lồ ô. Dần dần, bà con còn đóng gạch xây nhà thay cho nhà tranh vách nứa.

Tuy lạ nước lại cái nhưng nếp ăn nếp ở nơi đồng đất Thái Bình thì quyết giữ. Dù đã bao năm ăn tết trong thời tiết ấm áp của Tây Nguyên, họ vẫn nhớ cái tết rét mướt miền Bắc. 

Tết đến, cả mấy thôn làng đều gói bánh chưng, mổ lợn, ăn cơm tất niên như ngoài Bắc vậy. Ngày vào đây, bà Năng mới 21 tuổi, giờ đã gần 70. Nhớ quê, nên mảnh vườn trước nhà bà trồng bụi chuối, cây chanh, cây mít, chứ không trồng sầu riêng, chôm chôm, cóc như trong này.

Chợt có khách tới chơi nhà bà Năng, đều là đồng hương cả. Hai chị em bà Phạm Thị Nhung và Phạm Thị Vóc thỉnh thoảng lại đảo qua. 

Bà Nhung bảo, năm 1977 bà mới 6 tuổi đã theo bố mẹ và 5 anh chị em từ xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ vào đây. Lúc đầu buồn lắm, cả tuần không nhìn thấy bóng người, cứ ngồi khóc vì nhớ chúng bạn ở quê. Những người như bà Nhung, bà Vóc là thế hệ thứ 2 của từ Thái Bình vào Tây Nguyên nhưng trong từng câu nói thì giọng Thái Bình vẫn không thể lẫn. 

Họ vẫn về lại quê, vẫn gọi điện thăm hỏi họ hàng thường xuyên. Họ giờ đã yên tâm gắn bó với quê hướng thứ 2 này, vẫn kể cho con cháu câu chuyện ông bà một thời đi vỡ đất.