Theo bản án sơ thẩm vụ chuyến bay giải cứu, trong số 54 bị cáo, có 5 cựu lãnh đạo, cán bộ bị tòa phạt mức nặng hơn đề nghị của Viện kiểm sát, gồm cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Tô Anh Dũng, người nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng và bị đề nghị từ 12 – 13 năm tù nhưng tòa phạt 16 năm tù.
Hai người phạm tội nhận hối lộ tiếp theo, bị cáo Vũ Anh Tuấn, cựu Cán bộ Xuất nhập cảnh Bộ Công an và Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Lãnh sự, đều bị Viện kiểm sát đề nghị 18 – 10 năm tù nhưng tòa án phạt tù chung thân.
Bị cáo từng là cấp Phó của bà Lan là Đỗ Hoàng Tùng bị tuyên phạt 12 năm tù cùng về tội "Nhận hối lộ"; mức án này cao hơn đề nghị của Viện kiểm sát là 9 – 10 năm tù.
Theo tòa án, những người trên đều có chức vụ quyền hạn nhưng lại lợi dụng dịch bệnh, lợi dụng vị trí công tác để nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin cho, buộc doanh nghiệp đưa hối lộ, chia sẻ lợi ích với mình.
Một người cũng bị tuyên án nặng hơn là Hoàng Văn Hưng, cựu Trưởng phòng 5, Cục An ninh điều tra. Anh ta bị Viện kiểm sát cáo buộc lừa đảo chạy án, chiếm đoạt 800.000 USD (hơn 18 tỷ đồng) nên cần nhận mức từ 19 – 20 năm tù.
Tuy nhiên HĐXX đánh giá, bị cáo Hoàng Văn Hưng không thành khẩn, không trung thực; không nộp lại tiền bất chính. Cựu điều tra viên này kêu oan nhưng HĐXX khẳng định đủ căn cứ xác định anh ta lừa đảo. Cộng với các tình tiết tăng nặng, Hoàng Văn Hưng bị phạt tù chung thân, buộc giao nộp hơn 18 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, có 35 người được tuyên án thấp hơn đề nghị của đại diện Viện kiểm sát, điển hình là Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế. Anh ta bị Viện kiểm sát đề nghị tử hình do 253 lần nhận hối lộ hơn 42,6 tỷ đồng.
Quá trình tòa nghị án, gia đình Kiên nộp thêm tiền khắc phục và đến nay, người này chỉ còn thiếu 400 triệu đồng trong số 42,6 tỷ đồng cần tịch thu xung công. HĐXX đánh giá anh ta ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, tích cực nộp tiền nên chỉ tuyên án tù chung thân.
Ngoài ra, đa phần các bị cáo được giảm án so với đề nghị của Viện kiểm sát, đó là các bị cáo thuộc nhóm môi giới hoặc đưa hối lộ, trong số này có 10 trường hợp được hưởng án treo.
HĐXX xác định họ đưa tiền cho nhiều bị cáo để mong muốn được tạo điều kiện. Có bị cáo là giám đốc doanh nghiệp đưa nhiều lần, số lượng đặc biệt lớn và sau đó, họ được ưu ái tổ chức chuyến bay nhiều hơn tại những thị trường mong muốn. Không thể nói đây là "cảm ơn theo văn hóa người Việt".
Tuy nhiên, nhóm đưa hối lộ phải chịu một trong 2 thủ đoạn của nhóm nhận hội lộ. Thứ nhất, những người có chức vụ chủ động mặc cả, buộc doanh nghiệp chi tiền. Thứ hai là gây khó khăn bằng cách mập mờ, làm không hết trách nhiệm buộc doanh nghiệp chi tiền "bất thành văn" mới được cấp phép chuyến bay, theo bản án.
Cụ thể, trong quá trình xin cấp phép, các doanh nghiệp gặp khó khăn, bị từ chối hoặc không được trả lời. Một số dù được cấp phép nhưng nhận được văn bản cấp phép muộn, sát thời điểm bay làm doanh nghiệp không tổ chức chuyến bay được hoặc bị thua lỗ. Từ đó, nhiều doanh nghiệp chủ động liên hệ các cựu quan chức đặt vấn đề hỗ trợ nhờ vả, giúp đỡ tạo điều kiện.
Trong quá trình xét xử, nhiều bị cáo là đại diện doanh nghiệp trình bày, họ là nạn nhân của "văn hóa phong bì", của cơ chế xin cho. Doanh nghiệp trong thời dịch Covid -19 bùng phát chỉ muốn tổ chức các chuyến bay với mục đích đưa người Việt về nước và cũng tạo công ăn việc làm cho chính mình.
Tuy nhiên họ bị nhóm quan chức, cán bộ nhũng nhiễu, gây khó khăn, đe dọa phải chi tiền từ 50 – 150 triệu đồng/chuyến bay hoặc từ 500.000 – 2 triệu đồng/khách về nước. Số tiền này đương nhiên doanh nghiệp không "bỏ tiền túi", nó được tính vào giá vé của những công dân khốn khổ vì dịch bệnh, phải trở về quê nhà.