Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc: Tội phạm mua bán người trên không gian mạng ngày càng tinh vi, khó lường

PV Đông Bắc Thứ bảy, ngày 29/07/2023 08:33 AM (GMT+7)
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, phương thức thủ đoạn tiếp cận của các đối tượng mua bán người ngày càng tinh vi như lợi dụng các trang mạng xã hội để đăng tải những thông tin quảng cáo tìm việc làm.
Bình luận 0

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Bộ Công an và UBND tỉnh Quảng Ninh vừa tổ chức lễ phát động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7" với chủ đề “Mở rộng vòng tay tới nạn nhân mua bán người để không ai bị bỏ lại phía sau”, ngày 28/7.

Tội phạm buôn bán người đã lợi dụng triệt để không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội

Tại buổi lễ, bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, mua bán người luôn là vấn đề nóng không chỉ với mỗi quốc gia mà đã trở thành vấn nạn mang tính toàn cầu.

Loại hình tội phạm mua bán người thường hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về quyền con người, tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội, an ninh chính trị của mỗi quốc gia.

Tội phạm mua bán người trên không gian mạng ngày càng tinh vi, khó lường  - Ảnh 1.

Các đại biểu ấn nút hưởng ứng Lễ phát động Chung tay phòng, chống mua bán người và hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7". Ảnh: CTV

Tại Việt Nam, với sự phát triển của Internet và mạng xã hội hiện nay, tội phạm buôn bán người thông qua các tài khoản ảo, sim điện thoại không chính chủ để kết bạn, làm quen, hứa đưa ra nước ngoài làm việc có thu nhập cao; lấy chồng người nước ngoài.

Đáng lưu ý, cơ quan chức năng phát hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người trong nước để ép nạn nhân làm mại dâm hoặc cưỡng bức lao động gây bất an, lo lắng trong nhân dân.

Theo báo cáo toàn cầu về mua bán người công bố năm 2022 của cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc, mua bán người ở trong nước và mua bán nam giới có xu hướng tăng lên.

Tội phạm mua bán người trên không gian mạng ngày càng tinh vi, khó lường  - Ảnh 2.

Tham dự lễ phát động có đại diện các Bộ, ngành cùng cơ quan liên quan. Ảnh: CTV

Theo Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó Trưởng phòng 5, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, thời gian gần đây, tội phạm buôn bán người đã lợi dụng triệt để không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng có thể sử dụng các tài khoản ẩn danh, sim rác, không trực tiếp tiếp xúc với nạn nhân để tiếp cận, dụ dỗ người nhẹ dạ cả tin để đưa ra nước ngoài.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng rà soát có khoảng 3.300 trang mạng xã hội, group kín liên quan đến tuyển mua lao động, dụ dỗ người, cho nhận con nuôi, đẻ thuê... Trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Công an và Bộ đội Biên phòng đã đấu tranh bắt giữ 88 vụ với 229 đối tượng, giải cứu được 224 nạn nhân.

Thủ đoạn của tội phạm mua bán người vô cùng tinh vi

Tại lễ phát động ngày toàn dân phòng, chống mua bán người, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng ban chỉ đạo 138 Chính phủ cho biết, theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, mua bán người trong nội địa và nạn nhân là nam giới chiếm trên 40%.

Phương thức hoạt động của loại tội phạm mua bán người chuyển từ truyền thống sang hiện đại, triệt để lợi dụng không gian mạng để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tiếp xúc trực tiếp nên công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra xử lý của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Tội phạm mua bán người trên không gian mạng ngày càng tinh vi, khó lường  - Ảnh 3.

Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, nêu lên nhiều giải pháp ngăn chặn nạn mua bán người. Ảnh: CTV

Sau dịch Covid-19, phương thức thủ đoạn tiếp cận của các đối tượng ngày càng tinh vi như lợi dụng các trang mạng xã hội để đăng tải những thông tin quảng cáo tìm việc làm. Tuy nhiên thực tế các đối tượng đã dụ dỗ lừa bán nạn nhân vào các sòng bạc ở nước ngoài.

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo 138 của Chính phủ, Bộ Công an và các Bộ, ngành địa phương đã tập trung triển khai quyết liệt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong Chương trình phòng, chống mua bán người của Chính phủ giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030. Đồng thời, ban hành và tổ chức hiệu quả văn bản chỉ đạo về phòng chống mua bán người với mục tiêu cao nhất là bảo vệ quyền con người, bảo vệ an ninh và đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị các cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng cần tiếp tục xác định công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài.

Đồng thời, cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng cần chú trọng đổi mới nội dung, đa dạng hình thức giáo dục pháp luật và tuyên truyền nhận thức cho người dân về những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người. Khai thác kết quả triển khai Đề án 06 của Chính phủ về "Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Bên cạnh đó, cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy lùi nạn mua bán người, bảo vệ nạn nhân bị buôn bán người, để không ai bị bỏ lại phía sau.




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem