Trong đó có hoạt động hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho người đang tham gia giết mổ, kinh doanh, buôn bán thịt chó, mèo.
Hạn chế nạn buôn bán trái phép chó mèo
Theo Tổ chức Humane Society International tại Việt Nam (HIS), đơn vị và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ký một thỏa thuận có thời hạn ba năm để cùng hợp tác giải quyết nạn buôn bán thịt chó, mèo và thúc đẩy phúc lợi động vật đồng hành thông qua việc triển khai Dự án "Thúc đẩy phúc lợi động vật đồng hành và giảm thiểu hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ chó mèo tại địa bàn tỉnh Đồng Nai".
Trong khuôn khổ hợp tác, tỉnh Đồng Nai, HSI cùng với các bên liên quan tại địa phương cũng cam kết cải thiện hiệu quả chương trình tiêm chủng vắc-xin dại bằng việc xác định chính xác tỷ lệ đàn chó mèo được tiêm thông qua ứng dụng trên điện thoại di động đặc biệt của HSI.
Để giảm thiểu việc tiêu thụ thịt chó và mèo, các giải pháp đồng bộ sẽ được triển khai. Bên cạnh việc tăng cường thực thi pháp luật nhằm hạn chế nạn buôn bán trái phép chó mèo để giết mổ, hoạt động hỗ trợ người kinh doanh thịt chó và mèo chuyển sang sinh kế thay thế khác và các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng cũng sẽ được chú trọng.
Hoạt động hỗ trợ chuyển đổi sinh kế cho đối tượng đang tham gia giết mổ, kinh doanh, buôn bán thịt chó, mèo là một phần quan trọng trong chương trình "Mô hình thay" đổi độc đáo của HSI. Chương trình này đã được triển khai lần đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 11 năm 2022 với việc đóng cửa một lò mổ và cũng là nhà hàng thịt chó tại Thái Nguyên.
Bà Thẩm Thị Hồng Phượng, Giám đốc HIS Việt Nam, cho biết: "Việc bảo vệ phúc lợi cho những "người bạn đồng hành" là chó và mèo của chúng ta không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân động vật mà còn bảo vệ cộng đồng khỏi những căn bệnh truyền lây nguy hiểm mà có thể phòng ngừa được.
Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với tỉnh Đồng Nai, nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y để triển khai dự án đặc biệt này".
Sớm trở thành vùng "sạch" đối với bệnh dại
Như Dân Việt đã đưa tin, vào ngày 29 và 30/12/2022, ông T.V.P (36 tuổi, ngụ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cùng vợ và 2 người con bị con chó nuôi tại nhà (chưa tiêm vắc xin phòng dại) cào và cắn. Sau đó, vợ và 2 con đã đi tiêm vắc xin, riêng ông P thấy chỉ bị cào xước da ở cổ tay, không chảy máu nên đã không xử lý vết thương cũng không đi tiêm ngừa. Đến ngày 12/7/2023, ông P bắt đầu có các dấu hiệu như chán ăn, nôn ói, đau cơ, sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng, tức ngực, khó thở. Ngày 13/7/2023 ông P được đưa đến Bệnh viên thì được chẩn đoán theo dõi bệnh dại thể não và viêm da cơ địa. Ngày 14/7/2023 ông P tử vong.
Trước đó, vào ngày 15/12/2022, bệnh nhân N.T.Y (phường Tân Phong, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) tử vong với các biểu hiện của bệnh dại như: sợ nước, sợ gió, hốt hoảng. Trước đó 4 tháng, bệnh nhân Y bị chó nuôi ở nhà cắn trên vùng mặt nhưng không đi tiêm phòng bệnh dại.
Được biết, trong dự án này, HIS và tỉnh Đồng Nai sẽ đồng hành để cải thiện công tác quản lý đàn chó, mèo, công tác tiêm phòng bệnh dại, cũng như hướng tới việc chấm dứt buôn bán và giết mổ chó và mèo trong tương lai.
Theo HIS, ngoài vấn đề đối xử tàn nhẫn với động vật, việc buôn bán chó và mèo làm thịt còn gây ra rủi ro nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng do tạo điều kiện lây truyền vi-rút bệnh dại chết người. Chương trình hành động chung này sẽ mang lại cho tỉnh những phương án đồng bộ thiết thực để giải quyết những vấn đề đó trong mối tương thích về lợi ích của cả con người và động vật.
Ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai, cho biết: "Tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực xây dựng vùng an toàn dịch bệnh động vật theo tiêu chuẩn của Bộ NN-PTNT đối với 2 thành phố và tất cả các thị trấn của tỉnh trong giai đoạn 2021-2030. Thông qua các hoạt động chính của dự án bao gồm việc kiểm soát vận chuyển chó liên tỉnh và sử dụng ứng dụng trên điện thoại của HSI để quản lý đàn chó nuôi và việc tiêm phòng dại. Chúng tôi kỳ vọng rằng những địa phương mà dự án triển khai sẽ sớm trở thành vùng sạch đối với bệnh dại, đóng góp vào mục tiêu chung của tỉnh."
Mối liên hệ giữa việc lây truyền bệnh dại và buôn bán thịt cho ở Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới xác định rõ ràng, và việc loại bỏ bệnh dại đang bị cản trở bởi sự tiếp diễn của các hoạt động buôn bán thịt chó.
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã chứng minh rằng một tỷ lệ đáng kể bệnh nhân bị nhiễm vi rút sau khi tiếp xúc với chó không phải do bị cắn mà do giết, mổ, và ăn thịt. Mẫu não chó được thu thập từ các lò mổ tại các tỉnh miền Bắc và Nam cũng phát hiện có vi rút gây bệnh dại. Mối liên hệ giữa bệnh dại và buôn bán thịt chó đã được xác định rõ ràng nên trong các năm 2018 và 2019, thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã khuyến cáo người dân không tiêu thụ thịt chó để giảm nguy cơ mắc và lan truyền bệnh dại.
Cũng trong dịp này, HSI đã đưa ra những sự thật về thịt chó ở Việt Nam sau nhiều nghiên cứu:
• Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á trong hoạt động giết mổ chó làm thức ăn.
• Mặc dù việc buôn bán và tiêu thụ thịt chó không phải là bất hợp pháp tại Việt Nam, nhưng việc vận chuyển chó liên tỉnh không được kiểm soát là bất hợp pháp từ năm 2009, và hành vị trộm cắp vật nuôi bị coi là vi phạm pháp luật từ năm 2016.
• Một số thành phố bao gồm Hà Nội và Hội An đã cam kết chấm dứt buôn bán thịt chó, nhưng việc thực thi luật còn nhiều bất cập và các xe tải vẫn tiếp tục vận chuyển hàng trăm con chó cùng lúc trên các tuyến đường quốc lộ.
• Một số người tiêu dùng vẫn tin rằng thịt chó có dược tính và có thể làm tăng cường sinh lý ở nam giới mặc dù không có bằng chứng khoa học nào xác nhận.
• Những con chó thường bị giết bằng cách cắt cổ bằng dao hoặc đâm vào tim, trước sự chứng kiến của những con chó khác.
• Một nghiên cứu năm 2016 – 2017 được thực hiện bởi Liên minh bảo vệ chó Châu Á (ACPA), trong đó HSI là một thành viên, phối hợp với Trung tâm Chẩn đoán Thú y Quốc gia của Việt Nam, đã tiến hành sàng lọc bệnh dại trên 400 mẫu não chó từ 14 lò mổ nhỏ ở Hà Nội. Kết quả cho thấy cứ 100 con chó thì có một con bị nhiễm bệnh dại, một tỷ lệ rất cao.
• Các bài báo, tài liệu học về chủ đề mối liên hệ giữa bệnh dại và việc tiêu thụ thịt cho được xuất bản từ 2008 đến 2011 sẽ được cung cấp khi có yêu cầu.