Hà Nội có thể sẽ là thành phố nói không với thịt chó, mèo đầu tiên trên cả nước
Tranh luận việc Hà Nội sẽ là thành phố nói không với thịt chó, mèo đầu tiên trên cả nước
Hà Thành
Thứ tư, ngày 05/07/2023 09:52 AM (GMT+7)
Theo thống kê của các tổ chức phúc lợi động vật quốc tế, trung bình hàng năm có khoảng 5 triệu con chó và 1 triệu con mèo bị buôn bán, giết thịt tại Việt Nam…
Hà Nội hướng tới thành phố nói không với thịt chó, mèo
Ngày 4/7, tại Hà Nội, Tọa đàm "Buôn bán và tiêu thụ thịt động vật nuôi (chó, mèo): Chính sách, thách thức và cơ hội", Ban tổ chức cho biết, trong bối cảnh buôn bán, tiêu thụ thịt chó, mèo đang diễn ra hàng ngày với các rủi ro ngày càng gia tăng về sức khỏe cộng đồng cũng như sự cần thiết trong vấn đề hoàn thiện công tác phòng, chống bệnh dại và các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ khác.
Ngày 4/7, ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Hà Nội chia sẻ: "Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học lớn của cả nước mà còn là "Thành phố vì hòa bình", nơi thu hút hàng triệu du khách đến tham quan, du lịch. Do đó, việc kinh doanh, tiêu thụ thịt chó, mèo đã tạo những cảm xúc không tốt đối với khách du lịch, nhất là du khách quốc tế, người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Hà Nội".
Theo ông Tường, chó, mèo nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, không được tiêm phòng đầy đủ sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Các cơ quan phải tổ chức bắt giữ chó thả rông, vô chủ, khuyến khích các hoạt động nhân đạo, phúc lợi động vật.
Để thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, trong đó tiến tới giảm trừ và chấm dứt việc buôn bán, tiêu thụ thịt chó, mèo, trước hết phải thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh dại, xây dựng vùng an toàn bệnh dại, quản lý việc kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong kinh doanh, buôn bán, giết mổ...
Đại diện Tổ chức Soi Dog Foundation International cam kết hỗ trợ xây dựng khung pháp lý, thực hiện các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi hành vi và tạo điều kiện thiết lập các cơ chế phối hợp hiệu quả, khơi dậy tình yêu thương động vật để giảm thiểu, tiến tới một Hà Nội nói không với thịt chó, mèo.
Người Việt dần quay lưng với thịt chó, mèo
Trong khi một bộ phận người dân đã ngừng tiêu thụ và phản đối việc ăn thịt động vật nuôi thì vẫn còn một số nhóm đối tượng coi thịt chó, mèo là đặc sản. Nhu cầu tiêu thụ là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy thị trường buôn bán và giết mổ thịt chó, mèo gia tăng.
Từ lâu, vấn đề giết mổ và ăn thịt chó mèo vẫn luôn là vấn đề nóng, gây nên nhiều tranh cãi. Đặc biệt, giới trẻ ngày nay càng nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ động vật. Không ít trận "hỗn chiến" trên mạng xã hội của các bạn trẻ nhằm lên án những hành vi buôn bán, giết thịt chó, mèo trái phép.
"Em coi mèo của mình như thành viên trong gia đình. Ngày xưa bố em cũng có tư tưởng thịt chó, mèo là đặc sản, nhưng từ ngày bị bệnh gút thì bố chừa hẳn" – em Minh Anh, học sinh lớp 12 chia sẻ.
Nhìn chung, quyết định của thành phố đã nhận được sự ủng hộ trên khắp các trang mạng xã hội. Đây là một chuyển biến tích cực trong công cuộc xây dựng hình ảnh đô thị văn minh của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
Những ý kiến trái chiều
Ở một số vùng miền của Việt Nam, ăn thịt chó mèo vẫn được coi là một phần của văn hóa và ẩm thực truyền thống. Điều này gây không ít khó khăn trong việc thay đổi tư duy và thay đổi quan niệm văn hóa trong xã hội, phải đối mặt với sự phản đối từ một bộ phận quần chúng vì họ xem đây là can thiệp vào quyền tự do cá nhân và quyền tự do lựa chọn thực phẩm.
Ở châu Á, Hong Kong, Philippines, Đài Loan, Singapore, Thái Lan có lệnh cấm tiêu thụ thịt chó từ nhiều năm nay.
Tại Việt Nam, cuối năm 2021, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) tổ chức lễ ký kết hợp tác với tổ chức FOUR PAWS (tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu) về việc xây dựng Hội An là thành phố du lịch thân thiện, không tiêu thụ thịt chó, mèo và hỗ trợ loại trừ bệnh dại. Thỏa thuận có hiệu lực từ cuối năm 2021 và kéo dài trong 2 năm.
"Tôi chưa thấy một nước phương Tây, phát triển hay văn minh nào từ bỏ các món ăn truyền thống cả. Thậm chí, những thứ cả thế giới phản đối thì họ vẫn nâng lên thành nghệ thuật cao sang. Ví như người Nhật vẫn thịt cá voi, vẫn ăn đồ tươi sống và vẫn sống được cả đến trăm năm. Cho nên, xét trên góc độ dân chủ, nhân quyền, ai ăn được cứ ăn, ai không ăn được thì thôi" - một cư dân mạng chia sẻ.
Cũng theo ý kiến của một cư dân mạng, anh không còn ăn thịt chó, mèo thường xuyên như trước. "Tuy nhiên, đây là một món nhậu rất ngon, thi thoảng không ăn lại nhớ!"...
Có thể thấy, cấm hoàn toàn việc buôn bán và giết thịt chó mèo ở Việt Nam ở thời điểm hiện tại là điều rất khó. Song, cần có các chiến dịch giáo dục và tạo nhận thức công chúng mạnh mẽ về quyền sống và quyền đối xử công bằng với các loài động vật, tác động tiêu cực của việc ăn thịt chó, mèo đến hình ảnh quốc gia và tăng cường giá trị bảo vệ động vật.
Các cấp chính quyền cần tiếp tục quan tâm tăng cường công tác thông tin, tập huấn, tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong kinh doanh, buôn bán, vận chuyển, giết mổ chó, mèo và phòng, chống dịch bệnh dại động vật, để từng bước thay đổi nhận thức của cộng đồng, đưa Hà Nội trở thành thí điểm nói không với thịt chó, mèo đầu tiên trên cả nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.