Dân Việt

Đọc sách cùng bạn: "Vết thương của mùa xuân"

Phạm Xuân Nguyên 29/07/2023 17:04 GMT+7
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi đưa tới bạn cuốn sách "Những bức thư ôm lấy bạn" của tác giả Đinh Hoàng Anh.
Đọc sách cùng bạn: "Vết thương mùa xuân" - Ảnh 1.

Cuốn sách "Những bức thư ôm lấy bạn" của tác giả Đinh Hoàng Anh. (Ảnh: ST)

Như tên gọi của nó, cuốn sách được viết dưới hình thức các bức thư của tác giả gửi tới bạn đọc, sắp xếp thành ba phần: "Những lời nhắn gửi từ dòng đời" (Phần 1), "Trăn trở của các thế hệ" (Phần 2) và "Những bông hoa bình dị" (Phần 3). Trong hai phần đầu là 24 bức thư được đề ngày 1 và 15 mỗi tháng của "năm vô tận". Phần thứ ba là những câu chuyện tâm sự của tác giả về mình, về con mình, về những quan sát và chiêm nghiệm của mình trong cuộc sống.

NHỮNG BỨC THƯ ÔM LẤY BẠN

Tác giả: Đinh Hoàng Anh

Nhà xuất bản Dân Trí, 2023

Số trang: 287 (khổ 13x20,5cm)

Số lượng: 2000

Giá bán: 129.000đ

Tác giả có lời đầu sách: "Và tôi gửi tới các bạn những bức thư này cũng để chia sẻ những trải nghiệm, những tâm tình, những hiểu biết của cá nhân tôi về cách người ta nhận ra ánh sáng của yêu thương trong mỗi con người. Nhất là trong tình cảm thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái. Để nhận ra và học cách khơi nguồn dòng suối vô tận chảy qua các thế hệ. Để phá bỏ dần những thành kiến, lầm lẫn, khuôn sáo… như những cửa đập chắn lại dòng nước tinh khiết của yêu thương." (tr. 5)

Như vậy từ khoá tác giả trao tay người đọc ở cuốn sách này là: Yêu thương. Và những bức thư ở đây tác giả tập trung nói về lòng yêu thương của cha mẹ và con cái. Yêu thương để thấu hiểu. Thấu hiểu để biết cách ứng xử hợp tình hợp lẽ. Biết cách ứng xử để cho mỗi người, dù trong quan hệ nào, biết sống tự nhiên và trách nhiệm. Sống tự nhiên, đó là tư tưởng chủ đạo Đinh Hoàng Anh đang thực hành cho mình và muốn truyền đến cho mọi người.

Cha mẹ và con cái gắn với nhau bằng quan hệ huyết thống nhưng cũng cách xa nhau bằng quan hệ thế hệ. Trong gia đình thường huyết thống hay lấn lướt thế hệ. Cha mẹ thường dễ theo truyền thống, và do cả vô thức lịch sử, mà tự cho mình có quyền uy của bậc sinh thành để áp đặt ý muốn, cả suy nghĩ và tình cảm, của mình cho con cái, bắt chúng làm theo mình, uốn nắn chúng những cái mình thấy là khác mình. Đinh Hoàng Anh không nghĩ thế và không muốn thế. Chị muốn cha mẹ hãy tôn trọng sự khác biệt của con cái, hãy để con cái được tự nhiên trong sự phát triển của chúng. Đứa trẻ lọt lòng ra đã là một sinh thể hoàn toàn mới mẻ, hoàn toàn khác với mọi sinh thể khác. Và cứ mỗi bước nó lớn lên cái khác ấy càng bộc lộ, càng phát triển. Cha mẹ nhiều lúc quên cái khác của chính mình hồi cũng là đứa bé để nhiều lúc lo lắng muốn cản bước, ngăn chặn cái khác ấy của con mình. Nhưng vô ích. Và có hại nữa. Cha mẹ hãy là người bạn tâm tình của con mình chứ đừng là cảnh sát giam cầm con trong ngục tù ý muốn độc đoán của mình. Đó là điều tác giả muốn nhắn gửi qua mỗi bức thư.

Đinh Hoàng Anh đã dùng một hình ảnh rất hay để làm yên lòng các bậc cha mẹ lo lắng hoảng hốt trước những sự biến chuyển tâm sinh lý của con cái. Hình ảnh "vết thương của mùa xuân". "Chỉ nhớ một điều nhỏ thôi, hỡi những người cha người mẹ rất yêu con nhưng chưa hẳn khi nào cũng biết cách yêu, đó là những búp non ban đầu bao giờ cũng có màu đỏ như máu, như những vết thương li ti của mùa xuân. Những vết thương ấy là điều mà con bạn phải trải qua để trưởng thành, đó là những vết thương êm ái tuyệt trần vì trong màu đỏ hồng ấy ẩn chứa màu xanh bất tận của một vòng đời sung mãn, của bầu trời và nước ngầm lan toả những giai điệu vĩnh cửu. Và đừng bao giờ để những giọt máu li ti ấy trở thành những tổn thương chết người hay những vết sẹo không bao giờ lành trong tâm hồn con bạn. Hãy nhớ rằng dòng chảy của cuộc sống mạnh mẽ vô cùng, trong việc sinh thành cũng như huỷ diệt. Và với một chút khiêm nhường, hãy nhớ rằng, sớm hay muộn, chúng ta cũng phải ra đi, nhường lại hành tinh này cho những con người mới, với những bài ca mới, với dòng chảy của mùa xuân bất tận…" (tr. 32)

Tác giả, như đã nói, không chỉ nghĩ vậy và viết ra vậy, mà chị còn thực hành sống vậy. Chị và chồng đã nuôi dạy Gấu, đứa con trai út của mình từ lúc sinh ra đến nay tuổi lên mười theo đúng cách đó. Gấu được sống tự do thoải mái trong không gian tuổi thơ của mình, học ở nhà chứ không đến trường, làm những gì mình thích, mình muốn, có thể chuyện trò với bố mẹ không lo bị thúc giục, la mắng. Gấu đã được tận hưởng những tháng ngày êm dịu và hạnh phúc nhất của tuổi thơ mình, đúng như bố mẹ Gấu mong muốn: "Những đứa trẻ không cần học hành điên cuồng để chạy đua cho một tương lai hư huyễn nào đó, để bước vào cuộc giành giật miếng cơm trong một cái chợ khổng lồ." (tr. 30); "Tất nhiên, việc khuyến khích con trẻ phấn đấu là cần thiết. Nhưng không nhất thiết phải có bằng cấp cao, không nhất thiết phải hơn người, phải có thành tích vượt trội… Xét cho cùng con người cần một công việc để sinh tồn, nhưng con người còn cần hơn nữa là sự hiểu biết để sống cuộc đời mình một cách an vui." (tr. 204) Đọc trong sách bạn đọc sẽ được chứng thực điều này qua những câu chuyện sinh động thú vị của hai mẹ con Gấu.

Bản thân tác giả đã biết cách sống an vui cuộc đời mình. Chị là một tiến sĩ toán học ở nước ngoài về từ những năm chín mươi thế kỷ trước, đã từng là giảng viên đại học trong nước, nhưng chị đã từ bỏ những vướng bận ngoại thân đó để cùng gia đình riêng sống một cuộc sống an nhiên, hoà mình trong thiên nhiên, và vui cùng bạn bè tập Thiền. Chị cùng bạn bè chung tâm hướng đã lập nên nhóm Thiền và Câu lạc bộ Sắc màu Thiên nhiên để có bên nhau những phút giây ngày tháng thảnh thơi an lạc trong tâm hồn và trong cuộc sống. Và một cách Đinh Hoàng Anh lan toả năng lượng tinh thần Thiền cho mình và cho người là viết thơ viết truyện và tản văn. Cuốn "Những bức thư ôm lấy bạn" này đã là cuốn sách thứ mười mấy của chị. Nó nằm trong mạch viết như chị nói là những bức thư gửi về tương lai, là lời tâm tình tâm sự về những điều bình thường giản dị của cuộc sống mà nhiều khi do hối hả sống cho những cái ngoài mình nên ta đã quên, đã mất. Văn của Đinh Hoàng Anh nhẹ nhàng, tinh tế, sâu lắng, đó là lời trò chuyện thủ thỉ dễ vào, dễ ngấm. Chị biết cách nói những điều phức tạp, không dễ nói bằng những lời lẽ bình thường, những hình ảnh sinh động, dễ có sức thuyết phục người đọc. Quả là đọc chúng người đọc như được bao bọc, ôm choàng trong một không khí thanh tịnh, trong veo. Ở đó các bậc cha mẹ được soi vào tấm gương là con cái mình, "những tấm gương mà Tạo Hoá đã gửi đến một cách thân ái và hào phóng, đó là những đôi mắt trẻ thơ, lung linh như những thiên đường." (tr. 287)

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

Hà Nội, 29/7/2023