Truyện của Hồ Anh Thái luôn đưa lại cho người đọc sự thích thú. Vì anh có chuyện kể và biết cách kể chuyện. Mà nhà văn suy cho cùng là người kể chuyện. Nhà văn viết suốt đời nhiều cuốn sách có khi chỉ là để kể một câu chuyện. Nhưng kể mỗi lần một khác. Kể bằng nhiều cách khác nhau. Tiếng trong nghề gọi là cách dựng chuyện. Lần này Hồ Anh Thái kể câu chuyện của mình về Hà Nội. Cũng xin nói thêm đây là cuốn sách thứ hai của nhà văn viết trực tiếp về Hà Nội (cuốn thứ nhất dạng phi hư cấu là "Hướng nào Hà Nội cũng sông", 2009). Hà Nội trong cuốn tiểu thuyết mới này là vào năm 1972, thời chiến tranh. Tạo ra một nhân vật ở lính, có thời gian thấy mình có năng lực đặc biệt nhìn xuyên không, rồi làm việc ở bộ phận viết giấy báo tử cho các gia đình quân nhân, lại khi ngồi quán bia thích mời những người lạ uống một cốc để được nghe chuyện của họ. Có Phan – nhân vật như vậy thế là đủ để nhà văn dùng Phan kết nối, xâu chuỗi những chuyện thời chiến ở Hà Nội, ở chiến trường, thông qua những người sống quanh Phan và những người Phan được gặp.
HÀ NỘI NHIỀU MÂY CÓ LÚC CÓ MƯA NGÂU
Tác giả: Hồ Anh Thái
Nhà xuất bản Trẻ, 2023
Số trang: 214 (khổ 13x20cm)
Số lượng: 3000
Giá bán: 110.000đ
Cái tên sách phát xuất từ tiếng loa đọc bản tin dự báo thời tiết: Hà Nội ngày và đêm nay nhiều mây có lúc có mưa to. Nhưng chẳng hiểu sao vào đầu Phan câu đó lại thành ra: Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu. Và truyện từ đó vỡ ra. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả để cho nhân vật cứ muốn thêm mưa ngâu vào bản tin thời tiết. Tháng ngâu mưa ngâu là câu chuyện của Ngưu Lang – Chức Nữ trên trời bị xa nhau, mỗi năm chỉ được gặp nhau trong một ngày tháng Bảy âm lịch. Cuốn tiểu thuyết của Hồ Anh Thái viết về thời chiến tranh loạn lạc với những cuộc chia tay, chia ly, đau khổ, mất mát. Mưa ngâu của Phan là sự dự cảm dự báo của "thời tiết chiến tranh".
Hồ Anh Thái giỏi ở cách dựng truyện như đã nói. Khi dựng được khung truyện rồi, tác giả thoải mái ra vào nên cuốn sách hơn hai trăm trang nhỉnh một chút khổ bình thường mà đọc thấy có tầng có lớp chuyện của một người, chuyện của nhiều người, chuyện bình thường, chuyện không bình thường, chuyện tình yêu, chuyện chết chóc, nghĩa là chuyện cuộc đời như nó vốn thế, nhưng lại khác thế, trong một thời chiến tranh. Phan chỉ cần ngồi ở quán bia Cổ Tân là đã nghe ra bao nhiêu chuyện, thấy ra bao nhiêu phận người. (Một nhà phê bình gọi những chuyện Phan nghe được đó là "hiện thực thậm phồn" là đã hiểu sai khái niệm hậu hiện đại này.) Mà kiểu viết này của Hồ Anh Thái lại đan xen lời nhân vật và lời người kể chuyện, do đó cảm xúc, suy nghĩ trong sách được nhân lên từ các góc nhìn khác nhau. Cho nhân vật có năng lực đặc biệt nhìn xuyên không nên nhà văn nói được cái chuyện hát "nhạc vàng" một thời cấm kị, nhất là lại đang lúc đánh nhau ta địch. Đó là một nét riêng của thanh niên Hà Nội hào hoa "Việc của con chim là hót", tr. 20), mà với ai biết chuyện thì còn có thể liên tưởng đến vụ án xử một nhóm thanh niên hát "nhạc vàng" ở Thủ đô đầu thập niên 1970. Phan nhìn xuyên tường thấy anh thanh niên hát loại nhạc cấm đó nhưng anh không báo cáo cho cấp trên đúng với nhiệm vụ được giao mà lại còn gặp người hát để được nghe hát, thế là tác giả lại cho người đọc biết thêm một phẩm chất của người Hà Nội. Con kiến đốt Phan đúng lúc anh nghe thấy tiếng hát hay đó là lòng cảm thông đồng điệu đã khiến nhân vật quyết định không báo cáo việc này, coi như không thấy không nghe.
"Nhiệm vụ của Phan là phải báo cáo ngay tại chỗ nếu thấy chuyện bất thường. Hát ca vàng vọt thế kia cũng là điều bất thường. Thời chiến không thể bỏ qua điều bất thường. Hạt bụi ở chỗ này có liên quan đến con bướm đập cánh ở chỗ kia." (tr. 9). Câu cuối ở đoạn trích này nhà văn nhắc tới "hiệu ứng cánh bướm" (butterfly effect) nổi tiếng thường được dùng để nói về nghịch lý thời gian và quan hệ nhân quả. Phan đã im lặng cho người thanh niên hát chứ không để anh ta bị bắt và xử lý vì tiếng hát đó.
Năng lực đặc biệt của Phan chỉ hiệu lực trong hai năm, sau đó là mất. Và nó chỉ hiện lại một lần duy nhất nữa là khi Phan viết giấy báo tử cho gia đình một chiến sĩ lái xe khiến anh nhìn thấy rõ cảnh chiếc xe bị bom hất tung thế nào. Công trạng đặc biệt của anh trong việc này cũng không được nhắc đến, ấy là theo tác giả cho biết ở "Đoạn kết mở rộng" nói về thời sau của các nhân vật (còn thời hiện tại của họ trong truyện thì được tác giả nói ở "Đoạn kết").
Cũng ở "Đoạn kết mở rộng" nhà văn cho người đọc biết số phận về sau của anh chàng hát nhạc vàng. Kết cục là anh ta tìm cách đi bộ đội nhưng vẫn bị nghi ngờ, và bị bắt, bị kết án, bị đi tù. "Sau này sang thời Đổi Mới, anh ta được tự do hát thứ nhạc vàng ngày xưa, được những người hoài cổ tung hô là một ca sĩ "tài tử". Thực ra, theo một số chuyên gia tâm lý, anh ta chỉ là một gã "cao bồi" thời chiến, bí mật tụ tập hát nhạc vàng như một kiểu thanh niên thích làm ngược với những gì chính thống. Còn theo các chuyên gia âm nhạc thì anh ta không có kiến thức thanh nhạc, hát rất phô." (tr. 213) Đọc đến đây người hiểu chuyện thì không thể không thấy tác giả nói ai ở ngoài đời, hay nói cách khác biết ai là hình bóng của anh chàng nhạc vàng này. Nhà văn như vậy đã lấy chuyện đời thực làm truyện tiểu thuyết, không khéo có khi dễ sinh chuyện. Cũng xin nhắc bạn đọc, nguyên mẫu những thanh niên Hà Nội hát nhạc vàng thời chiến tranh cũng đã được nhà văn Trần Thị Trường sử dụng trong cuốn tiểu thuyết "Phố Hoài" (2020).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.