Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Thuận đặt câu hỏi vì sao thiết kế tại vị trí km25 + 419 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hạ dốc dọc xuống thấp gây nước tràn vào, ngập đường cao tốc?
Đại diện đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng 533 cho rằng nguyên nhân ngập nước thời điểm trên là nước đổ về ngược từ Sông Phan lên hạ lưu của cống, gây ngập tuyến đường tại vị trí cống thoát nước.
Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận đặt câu hỏi vì sao thiết kế mặt đường tại vị trí km25 + 419 cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây hạ dốc dọc (cốt nền) xuống thấp, gần bằng mực nước sông cao nhất và gây nước tràn vào đường cao tốc. Bên dưới vị trí này có đường điện cao thế, liệu có phải thiết kế như vậy để đảm bảo khoảng cách an toàn với đường dây điện này không?
Ông Phan Đình Minh, Giám đốc Truyền tải điện Bình Thuận, cho rằng theo kỹ thuật, khoảng cách từ dây dẫn điện xuống mặt đường tại vị trí km25 + 419 chỉ cần khoảng cách 14m.
Trong khi đó, qua đo đạc, vị trí thấp nhất trên mặt đường ở km25+ 419 so với đường dây đến 25m. Do đó, không phải do đường dây điện cao thế mà phải hạ cốt nền sâu đến như vậy.
Ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Ban điều hành dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cho rằng, có 3 dòng chảy từ thượng lưu đổ về hạ lưu. Cùng với lưu lượng mưa quá lớn đột biến gây nước tràn vào cao tốc ở vị trí trên. Ông Thái cũng cho rằng, đây là sự cố không mong muốn và sẽ giải quyết triệt để những bất cập này.
Trước những nguyên nhân được chỉ ra, các đơn vị cùng các Sở, ngành bàn giải pháp để khắc phục triệt, đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Trong đó có giải pháp nâng nền đường đoạn đã bị ngập và khảo sát lại toàn tuyến về cống thoát nước và tăng thêm các cống thoát nước…
Theo dự kiến, ngày 1/8, đoàn khảo sát sẽ tiếp tục kiểm tra toàn tuyến và các vị trí có đặt cống thoát nước… Sau đó thống nhất trình các phương án khả thi lên Bộ GTVT.
Tại cuộc họp này, Sở GTVT Bình Thuận cũng đã yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bình Thuận báo cáo tình hình lưu lượng nước lũ qua đập sông Phan từ ngày 27 - 29/7 và dự báo trong những ngày tới.
Sở GTVT Bình Thuận cũng đề nghị UBND huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân báo cáo tình hình mưa lũ trên sông Phan trước và sau khi có đường cao tốc tại vị trí bị ngập nước nêu trên.
Như Dân Việt đưa tin, khoảng 2 giờ 30 rạng ngày 29/7, do mưa lớn, đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây thuộc địa phận xã Sông Phan, Hàm Tân nước tràn qua đường có đoạn sâu khoảng 0,7m.
Các loại xe 4 chỗ, 7 chỗ đều không thể qua được, nước ngập nhiều trôi cả xe tải nhỏ. Do sự cố này nên cao tốc bị kẹt xe kéo dài khoảng 10 km, nhiều phương tiện phải rẽ xuống nút giao Quốc lộ 55 (huyện Hàm Tân) để ra QL1A.
Trưa cùng ngày, Ban QLDA Thăng Long đã có báo cáo gửi Bộ GTVT và nêu: Từ ngày 27- 29/7 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận liên tục có mưa lớn kéo dài, đặc biệt là trong đêm ngày 28 có mưa liên tục với lượng mưa rất lớn.
Đến rạng sáng 29/7 đã xảy ra ngập nước tại lý trình Km25+419 phạm vi 100 m; điểm sâu nhất chiều cao khoảng 70 cm, ảnh hưởng đến xe cộ không lưu thông được theo cả hai chiều.
Tại khu vực hạ lưu cống Km25+419 có mương, suối hiện hữu (ngoài phạm vi dự án) thoát nước ra cầu Sông Phan Km24+384 thời điểm trên ghi nhận thực tế mực nước dâng đến vị trí đáy xà mũ cầu Sông Phan. Đến 6 giờ 30 ngày 29 đoạn tuyến đã hết ngập các phương tiện đã lưu thông bình thường.
Được biết, mấy ngày qua do mưa lớn, nước vẫn liên tục dâng mấp mé miệng cống ở vị trí này và Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 6, Cục CSGT - Bộ Công an đã phải cử lực lượng có mặt để đề phòng bất trắc, cảnh báo, điều tiết phương tiện.