Nuôi tôm công nghệ cao đem lại đa giá trị
Đến thăm mô hình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn của anh Lê Đình Sáng (ở xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) chúng tôi thấy rõ niềm phấn khởi của chàng trai sinh năm 1994.
"Thấy bây giờ ít người nuôi tôm trong ao đất mà đã chuyển sang nuôi CNC, nhưng tiền đầu tư lớn quá nên em bàn với bố mẹ vay 4 tỷ đồng, đánh liều xem sao…"- Sáng nói.
Có vốn trong tay, đầu năm nay, Sáng thuê máy múc đào ao, lót bạt, mua máy sục khí để bắt đầu "hành trình mới". Sáng chia sẻ với tôi, khi mới bắt tay vào nuôi tôm CNC thì may mắn được tham gia vào dự án "Nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP ở Bắc Trung Bộ" do Trung tâm KNQG triển khai, với diện tích 0,4ha.
"Các dự án nuôi tôm công nghệ cao giúp hình thành vùng nuôi tập trung, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng đảm bảo an toàn thực phẩm và đạt tiêu chuẩn VietGAP, góp phần phát triển ngành nuôi tôm Việt Nam theo hướng bền vững".
Ông Lê Quốc Thanh -
Giám đốc Trung tâm KNQG
Sáng cho biết, anh được cán bộ khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh hướng dẫn tỉ mỉ về kỹ thuật nuôi tôm, như mật độ thả 100 con/m2, sử dụng các loại chế phẩm sinh học trong nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn. "Tham gia dự án đã giúp tôi dễ dàng quản lý môi trường nước và thức ăn, theo dõi chặt quá trình phát triển của tôm. Mặt khác, việc chuyển giai đoạn nuôi giúp tôm được tiếp cận môi trường nước sạch hơn, hạn chế ô nhiễm dưới tầng đáy, tôm đạt đầu con và kích cỡ tôm tăng hơn. Tỷ lệ sống của tôm đạt từ 80 - 95%" - anh Sáng chia sẻ.
Về hệ thống ao nuôi, anh Sáng thiết kế gồm có 8 ao gồm: Ao lắng, ao ương và ao nuôi. Các ao ương, ao nuôi được thiết kế hình tròn được lót bạt HDPE xung quanh. Mô hình còn có hệ thống chứa và xử lý nước, chất thải. Nguồn nước được xử lý diệt khuẩn, loại bỏ mầm bệnh, đảm bảo các yêu cầu về chỉ số kỹ thuật trước khi thả tôm.
Thời gian đầu thực hiện mô hình nuôi tôm thâm canh 3 giai đoạn, anh Sáng tiến hành thả con giống vào ao ương, giai đoạn thả tôm vào ao ương kéo dài trong thời gian 25 ngày, sau khi tôm đạt kích cỡ khoảng 600-700 con/kg sẽ được sang giai đoạn 2 trong 25 ngày. Khi tôm có kích cỡ 150-170 con/kg sẽ chuyển qua giai đoạn 3. Lúc này, việc san tôm sẽ được thực hiện bằng việc kéo lưới. Tại ao nuôi giai đoạn 3, tôm được nuôi với mật độ thưa từ 70 - 85 con/m2. Trong thời điểm này tôm phát triển nhanh, thời gian nuôi 30 ngày, khi thu hoạch đạt 40 - 50 con/kg.
Lãi 2 tỷ đồng/năm từ nuôi tôm sạch
Còn tại Quảng Bình, anh Trần Anh Đức (ở xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh) cho biết, khi tham gia vào dự án "Nuôi tôm CNC Grofarm" của Trung tâm KNQG đã giúp anh "bỏ túi" được nhiều kinh nghiệm nuôi tôm hiệu quả.
"Do không sử dụng kháng sinh, hóa chất nên môi trường nuôi an toàn, ổn định; khống chế và trị bệnh hoàn toàn bằng vi sinh, chế phẩm sinh học; giảm được rủi ro, tăng năng suất, chất lượng, từ đó giúp người nuôi tôm luôn có lợi nhuận cao" - anh Đức chia sẻ.
Trang trại nuôi tôm của anh Đức gồm có hệ thống 7 hồ nuôi (mỗi hồ có diện tích từ 2.500 - 3.500m2). Nhờ áp dụng công nghệ mới nên thời gian gần đây, hiệu quả hồ nuôi rất cao. Anh Đức cho biết, quá trình nuôi tôm được áp dụng công nghệ mới do Công ty Grobest Việt Nam hỗ trợ từ khâu xử lý nguồn nước, lựa chọn con giống, thức ăn và phòng chống bệnh bằng các phương pháp soi kính hiển vi…, tỷ lệ thành công đạt rất cao.
"5 vụ tôm liên tiếp, tôi đạt năng suất trên 40 tấn/ha/năm. Sau khi trừ các chi phí, cho lãi mỗi năm khoảng 2 tỷ đồng. Áp dụng công nghệ nuôi mới này giúp chúng tôi rất an tâm trong sản xuất" - anh Đức nói.
Kiểm tra 2 mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Hà Tĩnh và Quảng Bình, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm KNQG đánh giá cao hiệu quả của các mô hình này đem lại. "Các mô hình không chỉ giúp tăng năng suất và hiệu quả trong quá trình nuôi tôm, mà còn giảm thiểu tác động của yếu tố bên ngoài đến quá trình nuôi tôm, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm" - ông Thanh nhận định.
Thông tin tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp: "Ứng dụng các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi tôm tại một số tỉnh vùng Duyên hải miền Trung" được tổ chức mới đây tại Quảng Bình, ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết, các tỉnh Duyên hải miền Trung có tiềm năng rất lớn về nuôi tôm nước lợ nhưng chưa khai thác được tương xứng, vì vậy, nuôi tôm là hướng đi quan trọng cho ngành thủy sản, cần được đẩy mạnh phát triển trong những năm tới.
Để thúc đẩy nghề nuôi tôm CNC tại khu vực Bắc Trung Bộ, hiện Trung tâm KNQG cũng đang triển khai nhiều mô hình và bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Đơn cử như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt chứng nhận VietGAP được triển khai tại Nghệ An và Hà Tĩnh (tổng diện tích 3,6 ha) đã giúp người nuôi bán tôm thương phẩm giá 230.000 đồng/kg, thu về trên 1,4 tỷ đồng/vụ đối với diện tích nuôi 0,4 ha. Sau khi trừ chi phí, người nuôi đạt lợi nhuận 670 triệu đồng/vụ.