Dân Việt

Đan Mạch cân nhắc việc cấm đốt Kinh Koran

V.N (Theo AP, Guardian) 31/07/2023 20:00 GMT+7
Hôm 30/7, Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch cho biết, chính phủ sẽ tìm cách biến việc mạo phạm Kinh Koran hoặc thánh thư của các tôn giáo khác trước các đại sứ quán nước ngoài ở nước này là bất hợp pháp.

Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình công cộng DR của Đan Mạch, Bộ trưởng Ngoại giao Lars Løkke Rasmussen  rằng việc đốt thánh thư “chỉ nhằm tạo ra sự chia rẽ trong một thế giới thực sự cần sự thống nhất”.

“Đó là lý do tại sao chúng tôi đã quyết định trong chính phủ rằng chúng tôi sẽ xem xét làm thế nào, trong những tình huống rất đặc biệt, chúng tôi có thể chấm dứt hành vi chế giễu các quốc gia khác, hành động xung đột trực tiếp với lợi ích của Đan Mạch và sự an toàn của người Đan Mạch” -  ông nói.

Đan Mạch cân nhắc việc cấm đốt Kinh Koran - Ảnh 1.

Biểu tình ở Baghdad (Iraq) hôm 22/7 ở quảng trường gần Đại sứ quán Đan Mạch sau các vụ đốt Kinh Koran ở Copenhagen. Ảnh: AP.

Gần đây, một loạt các nhà hoạt động chống Hồi giáo ở Đan Mạch và nước láng giềng Thụy Điển đã công khai xúc phạm Kinh Koran, làm dấy lên các cuộc biểu tình giận dữ ở các quốc gia Hồi giáo.

Ngoại trưởng Løkke Rasmussen cho biết Nội các của Thủ tướng Mette Frederiksen quyết tâm tìm ra “một công cụ pháp lý” để ngăn cấm những hành vi như vậy mà không ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận, nhưng ông thừa nhận rằng điều đó sẽ không dễ dàng.

Cho  rằng cần có sự phản biện tôn giáo, song ông nói thêm:  “Nhưng khi bạn đứng trước một đại sứ quán nước ngoài và đốt một cuốn Kinh Koran hoặc đốt cuộn kinh Torah trước đại sứ quán Israel, điều đó không phục vụ mục đích nào khác ngoài việc chế nhạo.”

Bình luận của ông được đưa ra ngay sau một tuyên bố của chính phủ Đan Mạch vào tối Chủ nhật 30/7 nói rằng quyền tự do ngôn luận là một trong những giá trị quan trọng nhất trong xã hội Đan Mạch.

Tuy nhiên, tuyên bố nói thêm, việc phá hủy cuốn sách thánh Hồi giáo ở Đan Mạch đã dẫn đến việc quốc gia này bị nhiều nơi trên thế giới coi là “một quốc gia tạo điều kiện cho sự xúc phạm và bôi nhọ các nền văn hóa, tôn giáo và truyền thống của các quốc gia khác”.

Tuyên bố này cũng nhắc tới những quan ngại về an ninh nếu các cuộc biểu tình phản đối rơi vào tay những kẻ cực đoan, đem lại hậu quả tiêu cực cho Đan Mạch. 

Tại Thụy Điển,  hôm 30/7, Thủ tướng Ulf Kristersson cho biết đang tiếp xúc chặt chẽ với người đồng cấp Đan Mạch Mette Frederiksen  và tiến trình tương tự đang diễn ra ở Thụy Điển. “Chúng tôi cũng bắt đầu phân tích tình hình pháp lý… nhằm cân nhắc các biện pháp củng cố an ninh quốc gia , an ninh của Thụy Điển và trên toàn thế giới” - ông viết trên Instagram. Các hành động báng bổ Kinh Koran và các sách thánh khác đang làm dấy lên sự thù địch chống lại Thụy Điển. 

Thủ tướng Kristersson nói: “Chúng ta đang ở trong tình trạng chính sách an ninh nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến thứ hai”.

Tuần trước chính phủ Thụy Điển đã ra lệnh cho 15 cơ quan chính phủ, bao gồm cả các lực lượng vũ trang cùng các cơ quan hành pháp khác củng cố khả năng ngăn ngừa khủng bố. 

Tổ chức Hợp tác Hồi giáo đã triệu tập một cuộc họp từ xa khẩn cấp vào hôm nay 31/7 để thảo luận về các vụ đốt kinh Koran xảy ra trước cửa đại sứ quán một số quốc gia Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Ai Cập ở Thụy Điển và Đan Mạch tuần trước.