Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, ông Lê Đình Quảng – Phó Trưởng ban Chính sách và Pháp luật (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, hiện trong Bộ Luật Lao động 2019 không có quy định cụ thể về “nội dung nghỉ mát, đi du lịch cho người lao động”. Chế độ nghỉ mát, đi du lịch cho người lao động thường được quy định hoặc thể hiện thông qua nội quy, quy chế, hoạt động của tổ chức công đoàn cơ sở.
Cũng theo ông Quảng, Điều 67, mục 2, Chương Chương V về Đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể trong Bộ luật Lao động năm 2019 có quy định cụ thể về các nội dung thương lượng tập thể. Theo đó, ngoài chế độ tiền lương, thưởng, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi… cũng mở rộng thêm các nội dung khác được người lao động hoặc doanh nghiệp quan tâm. Ví dụ như: Tiền nghỉ mát, du lịch; thăm hỏi ốm đau…
“Điều này có nghĩa rằng, không có quy định yêu cầu bắt buộc doanh nghiệp phải chi tiền cho lao động đi nghỉ mát, hoặc đi du lịch. Tuy nhiên, nếu vấn đề đã được đưa ra thương lượng tập thể, đưa vào thỏa ước lao động, có trong quy chế chi tiêu nội bộ thì doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện”, ông Quảng phân tích.
Trong trường hợp kinh tế khó khăn, sức khỏe tài chính doanh nghiệp không đảm bảo, không có khả năng chi trả thêm các khoản phúc lợi (dù có quy định cụ thể) như: Thưởng; chế độ nghỉ mát, du lịch… thì có thể kêu gọi lao động “thông cảm” thông qua việc đàm phán thương lượng.
“Tôi nghĩ nếu doanh nghiệp thực sự khó khăn, mong muốn được đối thoại thì chắc chắn người lao động sẽ cảm thông với khó khăn ấy. Nhưng doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì ngoài việc xây dựng chế độ tiền lương, cũng cần duy trì một chế độ phúc lợi đủ mạnh để giữ chân lao động. Vì thế không có lý do gì doanh nghiệp giàu có mà lại không chăm lo tốt chế độ phúc lợi như: Thăm hỏi; cho lao động đi nghỉ mát…”, ông Quảng nhấn mạnh.
Như vậy, việc tổ chức cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp đi tham quan, nghỉ phép hàng năm không phải là quy định bắt buộc, mà đây là việc chăm lo đời sống cho người lao động được pháp luật khuyến khích.
Ngoài Bộ Luật lao động, tại khoản 2 Điều 2 Điểm điểm 3.2 Thông tư số 111/2013/BTC cũng quy định:
Khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, giải trí thẩm mỹ... nếu nội dung chi trả ghi rõ tên cá nhân được hưởng. Trường hợp nội dung chi trả phí dịch vụ không ghi tên cá nhân được hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế.
Và những khoản chi chăm lo đời sống cho nhân viên như đi du lịch, nghỉ mát hàng năm được tính vào chi phí của doanh nghiệp khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Lưu ý để được tính vào chi phí của doanh nghiệp thì các khoản chi cho nhân viên đi du lịch, nghỉ mát hàng năm phải hợp lý, có chứng từ. Khoản chi từ 20 triệu đồng phải thực hiện không thanh toán tiền mặt.