Dân Việt

Một gò đất cao có ngôi chùa ở Long An được đầu tư hơn 32 tỷ để khám phá nền văn hóa cổ xưa nào?

Lê Đức 01/08/2023 18:50 GMT+7
Tỉnh Long An có quyết định chủ trương đầu tư dự án giải phóng mặt bằng Di tích khảo cổ An Sơn, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa-một trong những di tích khảo cổ liên quan đến nền văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ. Theo đó, dự án sẽ được triển khai thực hiện và hoàn thành trong năm 2024

Cụ thể, dự án thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhằm giải phóng mặt bằng Di tích khảo cổ An Sơn với tổng diện tích khoảng 10.020m2

Trong đó, phần diện tích khu vực bảo vệ khoảng 9.728m2, khu vực bảo vệ II khoảng 292m2. Tổng mức đầu tư dự án được dự kiến trên 32,2 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.

Theo UBND tỉnh Long An, Di tích khảo cổ An Sơn là một trong những di tích Quốc gia điển hình của tỉnh và có giá trị quan trọng trong việc nghiên cứu nền văn hóa Óc Eo của Nam Bộ. 

Di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia tại Quyết định số 324/QĐ-BVHTTDL ngày 26/01/2011. Di tích này được giao cho UBND huyện Đức Hòa quản lý theo phân cấp của UBND tỉnh từ năm 2017.

Một gò đất cao có ngôi chùa ở Long An được đầu tư hơn 32 tỷ để khám phá nền văn hóa cổ xưa nào? - Ảnh 1.

Phước Trường Cổ Tự (chùa Đất) trên đỉnh gò di tích khảo cổ An Sơn, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. (ảnh tư liệu). Di tích khảo cổ An Sơn liên quan đến nền văn hóa Óc Eo, cư dân thời tiền sử. Gò An Sơn là di tích cư trú của người tiền sử và mộ táng người tiền sử có quy mô lớn, tầng văn hoá dày, thời gian cư trú khoảng 1.500 năm, có niên đại cách nay khoảng 4.000 - 2.500 năm...


Gò An Sơn là di tích cư trú của người tiền sử và mộ táng người tiền sử có quy mô lớn, tầng văn hoá dày, thời gian cư trú khoảng 1.500 năm, có niên đại cách nay khoảng 4.000 - 2.500 năm và là điểm dừng chân đầu tiên, định cư lâu dài (hơn 1.000 năm), mở đầu trong tiến trình khai phá vùng đất phía Nam Tổ quốc của cư dân tiền sử.

Do đất di tích có diện tích lớn, lại thuộc quyền sử dụng đất của người dân nên trong thời gian dài, đặc biệt trong thời gian gần đây, nhu cầu sử dụng đất của người dân tăng cao, dẫn đến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát quản lý tình trạng canh tác, xây dựng, làm xáo trộn bề mặt địa tầng, tầng văn hóa, làm thay đổi hiện trạng di tích gốc,... ảnh hưởng đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Theo UBND tỉnh Long An, với tình hình thực tế như trên, việc giải phóng mặt bằng để bảo tồn, phát huy giá trị di tích là hết sức cần thiết để bảo tồn những yếu tố nguyên gốc vốn có của di tích trong giai đoạn hiện nay và phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của di tích trong thời gian tới, thúc đẩy tiềm năng du lịch khảo cổ, góp phần làm đa dạng hơn các loại hình du lịch của tỉnh.

Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng của di tích còn nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu, học tập, nghiên cứu của người dân địa phương và khách du lịch bên cạnh việc kết hợp lồng ghép tham quan những địa điểm di tích trong và ngoài khu vực như: Khu di tích ngã tư Đức Hòa, Cụm di tích khảo cổ học Bình Tả (xã Đức Hòa Hạ), Di tích Khu nhà ông Bộ Thỏ (ấp Bình Hữu 2, xã Đức Hòa Thượng).

Đồng thời, việc thực hiện dự án còn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để địa phương phát triển kinh tế-xã hội, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Long An trong thời gian tới.