5 bị cáo bị đưa ra xét xử, gồm: Đặng Quang Tuấn (nguyên Chủ tịch HĐQT); Tân Tú Hải (nguyên Tổng giám đốc); Phan Việt Anh (nguyên Phó Tổng giám đốc), Chu Thị Ngọc Ngà (nguyên Trưởng ban kiểm soát) và Nguyễn Tấn Hoàng (nguyên Trưởng phòng kinh doanh) của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà và Xây dựng Tây Hồ (viết tắt Công ty Tây Hồ). Tất cả cùng bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, năm 2017, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội có 98,83% vốn Nhà nước và nắm giữ 50,09% vốn điều lệ tại Công ty Tây Hồ. Ông Đặng Quang Tuấn và Tân Tú Hải với vai trò là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc đại diện phần vốn của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội tại Công ty Tây Hồ đã bàn bạc, thống nhất với Phan Việt Anh, Chu Thị Ngọc Ngà và Nguyễn Tấn Hoàng là thành viên Hội đồng quản trị, trưởng phòng kinh doanh thực hiện hành vi bán 118 lô đất ở khu đô thị mới huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh không đúng trình tự quy định và không theo kết quả thẩm định giá, gây thất thoát hơn 91 tỷ đồng là tài sản Nhà nước.
Trong quá trình điều tra, truy tố và chuẩn bị xét, cụ bà Đặng Thị Ngọc Bảo (91 tuổi, nguyên Phó giám đốc Kho bạc nhà nước TP.Hà Nộ), trú phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội –là mẹ của bị cáo Chu Thị Ngọc Ngà đã có nhiều đơn kêu oan cho con gái tới các cơ quan như Bộ Công an, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, TAND tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan báo chí.
Cụ Bảo cho biết, từ khi con gái bị khởi tố, bắt tạm giam, thấy có dấu hiệu oan sai, ngày cụ quên ăn, đêm thường xuyên thức trắng suy nghĩ, nghiên cứu các sách luật, nhờ luật sư tư vấn, rồi lọ mọ tìm tới các cơ quan tố tụng kêu oan cho con. Cụ cho biết thêm, cho tới nay con gái của cụ vẫn không nhận tội.
Trong đơn kêu oan cho con gái, cụ Bảo đã rằng: Con gái bà là Chu Thị Ngọc Ngà vừa là cổ đông, vừa là người lao động tại Công ty Tây Hồ. Con gái bà bị truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí", nhưng tội danh này pháp luật quy định chỉ áp dụng cho những người được Nhà nước giao vốn - tức phải là "Người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp" mà Công ty Tây Hồ là doanh nghiệp ngoài nhà nước.
"Công ty Tây Hồ là doanh nghiệp cổ phần ngoài nhà nước, từ 2006 đã cổ phần hóa, nhà nước đã rút gần hết vốn chỉ còn dưới 50% vốn điều lệ vậy nên Phòng đăng ký kinh doanh Hà Nội, Sở Tài chính Hà Nội đều ghi nhận Công ty Tây Hồ là "Doanh nghiệp ngoài nhà nước". Tại nơi con tôi làm việc không có người đại diện vốn nhà nước, con tôi thì làm ban kiểm soát cũng chẳng có quyền gì đối với tài sản của doanh nghiệp, cũng chẳng có tài sản nào thuộc sở hữu tại Công ty Tây Hồ như vậy thì sao con tôi cùng 4 người trong công ty lại phạm tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí" để bị khởi tố và truy tố", cụ Đặng Thị Ngọc Bảo nêu trong đơn.
Cụ Bảo cho biết thêm: Sau khi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, gia đình cụ đã có rất nhiều đơn phản ánh, kêu oan, nhưng chưa một lần được cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết trả lời.
Nghiên cứu về vụ án này, luật sư Phan Quốc Thắng, Giám đốc Công ty Giám đốc Công ty luật TNHH Faith phân tích: Tại thời điểm 2017 - 2020 cơ cấu cổ phần tại Công ty Tây Hồ có 49,91% vốn điều lệ của cổ đông ngoài nắm giữ (cán bộ, nhân viên, người ngoài công ty), số vốn còn lại (50,09%) thuộc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty Cổ phần nắm giữ. Tại thời điểm này Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty Cổ phần là doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước mà không phải doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014.
Một điểm nữa là sau khi cổ đông Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty cổ phần mua 50,09% vốn điều lệ Công ty Tây Hồ số tiền góp vốn này đã được chuyển quyền sở hữu tài sản, từ sở hữu của cổ đông góp vốn (Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty cổ phần) sang sở hữu của doanh nghiệp (Công ty Tây Hồ) theo quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 36 Luật Doanh nghiệp 2014 (điểm b, khoản 1 Điều 35 Luật Doanh nghiệp 2020), nghĩa toàn bộ tiền góp vốn của cổ đông theo Luật Doanh nghiệp là "Tài sản của Công ty Tây Hồ" mà không phải là "Tài sản Nhà nước" và Công ty Tây Hồ cũng là doanh nghiệp ngoài Nhà nước, có nghĩa tài sản của Công ty Tây Hồ, là tài sản của doanh nghiệp ngoài Nhà nước, cổ phần góp vốn của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty Cổ phần vào Công ty Tây Hồ "không phải vốn Nhà nước" mà là "vốn của công ty cổ phần có vốn nhà nước góp vốn vào doanh nghiệp khác" theo nội dung trả lời của Chính phủ trên Báo Điện tử Chính phủ ngày 29/11/2018.
Vẫn theo luật sư Thắng, tại Công ty Tây Hồ giai đoạn 2015 - 2020, không có ai là người được Bộ Xây dựng, hoặc Chủ tịch UBND TP. Hà Nội ủy quyền giao vốn bằng văn bản, được hiểu tại Công ty Tây Hồ "không có Người đại diện vốn Nhà nước" mà chỉ có bị cáo Đặng Quang Tuấn (nguyên Chủ tịch HĐQT), bị cáo Tân Tú Hải (nguyên Tổng giám đốc) là người được Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty cổ phần ủy quyền giao vốn, tức là 2 người này là "Người đại diện phần vốn của cổ đông" - Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty cổ phần tại Công ty Tây Hồ.
Với bà Chu Thị Ngọc Ngà (thành viên BKS) và Nguyễn Tấn Hoàng, họ còn không phải là người được Công ty Tây Hồ giao quản lý, sử dụng tài sản và cũng không có quyền quyết định đối với tài sản Công ty Tây Hồ, do vậy 2 người này không có quyền và không chịu trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng tài sản Công ty Tây Hồ.