Dân Việt

Giao thông "đánh thức" những tiềm năng phát triển cho huyện miền núi Nông Sơn – Quảng Nam

Trương Hồng - Đoàn Hồng 09/08/2023 14:44 GMT+7
Trở lại huyện Nông Sơn (Quảng Nam) vào những ngày này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng ở huyện miền núi vốn trước đây còn rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giờ đây diện mạo nông thôn của huyện Nông sơn đang khởi sắc từng ngày.

Những con đường đất đỏ, lầy lội đã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa bằng phẳng, thuận tiện cho việc đi lại và giao thương hàng hóa. Làng quê bạt ngàn những vườn cây ăn quả, nhà cửa khang trang, kiên cố…

Giao thông đi đầu

Ông Nguyễn Chí Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết: Với đặc thù là một huyện miền núi, Nông Sơn bắt tay vào xây nông thôn mới với vô vàn khó khăn khi có xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán canh tác lạc hậu, địa hình chia cắt phức tạp, cơ sở hạ tầng thấp kém.

Giao thông mở lối cho huyện miền núi Nông Sơn – Quảng Nam vượt khó ấn tượng - Ảnh 1.

Huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) xác định giao thông sẽ "mở lối" cho địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: T.H.

Xây dựng nông thôn mới là việc còn mới mẻ và đầy bỡ ngỡ đối với một địa phương còn nhiều khó khăn như Nông Sơn. Tuy có nhiều thách thức, song địa phương xác định đây cũng là cơ hội để huyện chuyển mình đi lên, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc theo quy tắc ưu tiên dễ làm trước, khó làm sau.

Giao thông "đánh thức" những tiềm năng phát triển cho huyện miền núi Nông Sơn – Quảng Nam - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Chí Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn. Ảnh: T.H.

"Mặc dù huyện Nông Sơn đã có nhiều đổi thay tích cực, song so với mặt bằng chung hiện nay địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, do xuất phát điểm thấp, nội lực địa phương còn hạn chế, hơn lúc nào hết huyện rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ của Nhà nước, các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp và con em xa quê. Từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp người dân nâng cao thu nhập và từng bước đạt các tiêu chí nông thôn mới …", ông Nguyễn Chí Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn.

Theo ông Tùng, một trong những giải pháp được huyện đặc biệt chú trọng đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về mục đích và tầm quan trọng của xây dựng nông thôn mới…. Từ đó tạo sự đồng thuận cao, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân.

Phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển rộng khắp các xã, các thôn xóm. Trong đó nổi bật là phong trào làm đường giao thông nông thôn, hàng trăm hộ dân đã tự nguyện hiến đất làm đường, góp công, góp của xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao.... Diện mạo nông thôn miền núi đổi thay rõ nét.

Việc đầu tư và nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm với 100% đường giao thông huyện, xã được cứng hoá; 100% xã có hệ thống lưới điện quốc gia; gần 100% xã có phủ sóng 3G/4G, thuận tiện cho người dân thông tin liên lạc.

Giao thông "đánh thức" những tiềm năng phát triển cho huyện miền núi Nông Sơn – Quảng Nam - Ảnh 4.

Những con đường sáng – xanh – sạch – đẹp là dấu ấn trong xây dựng của huyện Nông Sơn (Quảng Nam). Ảnh: T.H.

Cùng với giao thông nông thôn, huyện cũng chú trọng đầu tư xây dựng, sửa chữa kênh mương, công trình thủy lợi, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, công trình nước sạch, vệ sinh môi trường... thông qua việc lồng ghép các chương trình, dự án, góp phần tô điểm cho bức tranh miền núi khang trang, hiện đại hơn. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng nông thôn ngày càng nâng cao.

Giao thông mở lối cho huyện miền núi Nông Sơn – Quảng Nam vượt khó ấn tượng - Ảnh 2.

Trường học tại các xã của huyện Nông Sơn được đầu tư xây dựng mới. Ảnh: T.H.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị ở cơ sở được tăng cường, vị thế của giai cấp nông dân được nâng cao, dân chủ cơ sở ngày càng được phát huy.

Song song với đó là nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn, tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp, góp phần chung tay xây dựng nông thôn mới.

Giao thông mở lối cho huyện miền núi Nông Sơn – Quảng Nam vượt khó ấn tượng - Ảnh 3.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân huyện Nông Sơn ngày một nâng cao nhờ Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: T.H.

Sau gần 12 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Nông Sơn đã đạt được 103 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 17,2 tiêu chí (tăng 101 tiêu chí so với năm 2010) và đã có 4 xã về đích nông thôn mới (Quế Trung, Quế Lộc, Sơn Viên, Phước Ninh).

Nhiều mô hình kinh tế mới hiệu quả

Ông Tùng cho biết, để xây dựng nông thôn mới bền vững, huyện Nông Sơn tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đặc biệt, với lợi thế có gần 85% diện tích là đất rừng, huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế rừng, kinh tế trang trại.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản có nhiều bước tiến mới nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ thâm canh; giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích được tăng lên.

Giao thông mở lối cho huyện miền núi Nông Sơn – Quảng Nam vượt khó ấn tượng - Ảnh 4.

Kinh tế vườn – rừng là thế mạnh của huyện Nông Sơn. Ảnh: T.H.

Nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao tiếp tục được nhân rộng như: Mô hình trồng cây sen kết hợp nuôi cá (hộ ông Trần Văn Trà), trồng cây ăn quả trong vườn nhà gắn với xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu (hộ ông Phùng Văn Lạc), nuôi gà ta thả vườn an toàn dịch bệnh kết hợp chế biến thức ăn tại chỗ (hộ ông Uông Minh Đông), trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái (hộ ông Trần Kim Hùng, ông Nguyễn Quốc Khánh).

Địa phương khuyến khích người dân chuyển hóa rừng nguyên liệu sang trồng rừng gỗ lớn, phấn đấu bình quân hàng năm trồng từ 100-150ha, phát triển vườn cây dược liệu và nhân rộng diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ để nâng cao giá trị kinh tế rừng.

Giao thông mở lối cho huyện miền núi Nông Sơn – Quảng Nam vượt khó ấn tượng - Ảnh 5.

Mô hình trồng cây ăn quả đang được huyện Nông Sơn nhân rộng. Ảnh: T.H.

Giao thông mở lối cho huyện miền núi Nông Sơn – Quảng Nam vượt khó ấn tượng - Ảnh 6.

Huyện Nông Sơn đã phát huy thế mạnh về trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch để nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: T.H.

Những năm qua, kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; nhiều làng nghề truyền thống như trầm hương, bánh tráng, may mặc, rèn, nghề mộc được phát triển và mở rộng, tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giảm nghèo ở nông thôn, từng bước cải thiện đời sống cho người dân địa phương.

Giao thông mở lối cho huyện miền núi Nông Sơn – Quảng Nam vượt khó ấn tượng - Ảnh 7.

Du lịch siinh thái, trải nghiệm hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại huyện miền núi Nông Sơn. Ảnh: T.H.

Giao thông "đánh thức" những tiềm năng phát triển cho huyện miền núi Nông Sơn – Quảng Nam - Ảnh 11.

Ông Tùng nhấn mạnh: "Hiện nay, huyện ưu tiên, tập trung triển khai xây dựng Đề án phát triển làng Đại Bình thành điểm du lịch theo định hướng du lịch sinh thái cộng đồng giai đoạn 2022-2025 và tầm nhìn đến 2030. Đây sẽ là điểm nhấn trong phát triển dịch vụ du lịch của huyện Nông Sơn, tạo đà cho sự phát triển du lịch tại các điểm tiềm năng khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện".

Tập trung phát triển hệ thống sản phẩm dịch vụ du lịch cụ thể như: homestay, bungalow, cắm trại, điểm check-in và bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn viên du lịch, ẩm thực….

Từ đó, kết nối du lịch đến với nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa khác của Nông Sơn như Đèo Le, Hòn Kẽm – Đá Dừng, vườn Tiên – Núi Chúa, núi Cà Tang, Lăng Bà Thu Bồn, suối nước nóng Tây Viên.

Giao thông "đánh thức" những tiềm năng phát triển cho huyện miền núi Nông Sơn – Quảng Nam - Ảnh 12.

Sản phẩm bột ngũ cốc Hạt Thương của huyện Nông Sơn được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Ảnh: T.H.

Sau hơn 5 năm thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), huyện Nông Sơn có 13 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao gồm: bưởi trụ Đại Bình, dầu mè Đại Bình nguyên chất 100%, thịt heo đồi Phước Ninh, vòng trầm hương, bột ngũ cốc Hạt Thương, hương trầm Đại Bình Quảng Nam, hạt sen Tây Viên, hương trầm Nông Sơn, bánh tráng Quế Lâm, rượu sim Cao Hoàng, rượu nếp cẩm Sơn Viên, đường thẻ Phú Gia, bút trầm hương và 1 sản phẩm tượng trầm tâm linh đạt 4 sao.

Giao thông "đánh thức" những tiềm năng phát triển cho huyện miền núi Nông Sơn – Quảng Nam - Ảnh 12.

Trầm hương là thế mạnh của huyện Nông Sơn trong phát triển sản phẩm OCOP. Ảnh: N.S.

Trong thời gian tới, nhiều sản phẩm tiềm năng sẽ tiếp tục được hỗ trợ để trở thành sản phẩm OCOP của huyện: tượng phong thủy để xe, trầm cảnh hoa sen, mứt vỏ bưởi Bà The – Đại Bình, gạo lứt, trà đậu.

Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 7,83%, giảm 53,47% so với năm 2010 (hộ nghèo là 61,3%); tỷ lệ lao động qua đào tạo được nâng lên; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 42,4 triệu đồng, tăng 34,3 triệu đồng so với năm 2011.

Những kết quả đạt được cho thấy phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện nhà ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực đối với đời sống nhân dân. Năm 2025, huyện Nông Sơn phấn đấu có 6/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (Quế Lộc và Sơn Viên), 12 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu và về đích huyện nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 53 triệu đồng/năm trở lên.…

Giao thông "đánh thức" những tiềm năng phát triển cho huyện miền núi Nông Sơn – Quảng Nam - Ảnh 14.