Ngay sau khi Chung kết Miss World Vietnam 2023 vừa kết thúc, những phát ngôn thiếu thận trọng và kém hiểu biết của tân Hoa hậu Huỳnh Trần Ý Nhi đã dấy một làn sóng phẫn nộ. Hàng nghìn lời kêu gọi đòi tẩy chay và tước vương miện của tân Miss World Vietnam 2023 được đăng tải rộng rãi trên nền tảng trực tuyến.
Ngay trong ngày 28/7, hàng loạt group antifan Ý Nhi đã được thành lập trên Facebook, trong đó có 1 group phát triển mạnh nhất đã lên tới gần nửa triệu thành viên, hoạt động rất tích cực và yêu cầu tước vương miện hoa hậu của cô.
Ngày 2/8, Ý Nhi tiếp tục gây chấn động khi tự cho mình là người nổi tiếng nhất Bình Định dù chỉ mới đăng quang cách đây không lâu. Cô tự tin kể tên mình trước cả vua Quang Trung và nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ngoài ra, Ý Nhi còn bị chỉ trích vì nhầm lẫn về quê quán của của hai danh nhân này. Sự việc như giọt nước tràn li khiến sự căng thẳng được đẩy lên tột độ và việc đòi tước danh hiệu của Ý Nhi trở nên gay gắt hơn.
Theo Ths. Lê Thị Thoa, thông thường, thời điểm vàng để xử lý khủng hoảng truyền thông là từ 24h – 48h. Tuy nhiên, đã hơn 1 tuần (168h) trôi qua, khủng hoảng của Ý Nhi trên nền tảng trực tuyến vẫn không những không có dấu hiệu dừng lại mà ngày càng căng thẳng hơn.
Vị giảng viên này nhận định, về mặt cá nhân, scandal của tân Hoa hậu Ý Nhi đã làm sụp đổ toàn bộ hình tượng (vốn ít ỏi) của cá nhân cô, cả về ngoại hình và tri thức. Về vấn đề tình cảm của Hoa hậu, người ta hiểu rằng, đây có lẽ là dấu hiệu cho đoạn kết của cuộc tình "Công anh xúc tép nuôi cò/Cò ăn, cò béo, cò dò lên cây".
Về đạo đức, Ý Nhi bị cộng đồng mạng đánh giá là ngạo mạn thái quá về bản thân, ảo tưởng về danh hiệu và nhan sắc cũng như trí tuệ. Đó là còn chưa kể đến việc Ý Nhi đi làm từ thiện hết sức vội vàng và ăn mặc lộng lẫy tại một bệnh viện thẩm mỹ với trang thiết bị khang trang, hiện đại, khiến người ta có cảm giác sự thiếu chân thành, giả trân ở người đẹp. Hoa hậu cũng là người hay đổ lỗi cho ngoại cảnh (do còn trẻ, do mệt… nên không trả lời ứng xử được bằng tiếng Anh và phát ngôn tiếng Việt chưa chuẩn xác).
Về trí tuệ, hiểu biết, vốn tiếng Anh bập bẹ, kiến thức về lịch sử, danh nhân ở địa phương của Ý Nhi quá thiếu sót, đặc biệt gây thất vọng khi cô tự ý thay đổi quê quán của vua Quang Trung và thi sĩ Hàn Mạc Tử.
"Ở Việt Nam, các cuộc thi nhan sắc luôn được đông đảo công chúng và dư luận quan tâm. Việc Ý Nhi đăng quang trong đêm chung kết ban đầu chỉ tạo ra sự xôn xao nhè nhẹ về việc "Hoa hậu có thực sự là người xinh đẹp nhất không?".
Tiếp đó, khi có sự xuất hiện của bạn trai lâu năm của hoa hậu trước công chúng, dư luận chia làm 2 hướng: một số khen ngợi tình yêu đẹp và bạn trai hiền lành chân chất, một số khác lại dự đoán tình cảm khó có thể bền lâu và tân Hoa hậu không nên công khai bạn trai như vậy.
Cảm xúc của dư luận được bữa tiệc "no nê" với liên tiếp hàng loạt phát ngôn vừa ngạo mạn, vừa thiếu hiểu biết của tân Hoa hậu khiến công chúng phẫn nộ, thông qua số lượng bài đăng, chia sẻ, tương tác, comment, thả các icon buồn, phẫn nộ… đều mang sắc thái chủ đạo là "tiêu cực" (negative). Thông điệp phía sau cảm xúc này đều thống nhất nội dung: Đề nghị tước vương miện hoa hậu của Ý Nhi", Ths. Lê Thị Thoa nhấn mạnh.
Ths. Lê Thị Thoa cho rằng, hàng loạt video, hình ảnh của Ý Nhi với các phát ngôn "để đời" đã được viral trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, Youtube… với hàng triệu lượt tiếp cận. Hàng trăm fanpage, group lớn đồng loạt đăng tải hình ảnh kèm các từ khóa, bắt trend, chế ảnh meme cùng các quote về Ý Nhi được chia sẻ rầm rộ.
Thậm chí, keyword "trong khi chúng bạn đang uống trà sữa thì em đã đăng quang hoa hậu" đã tạo trend và được nghệ sĩ Thành Lộc đưa lên sàn diễn, được lan truyền khắp nơi. "Thần đồng bơi lội" Kim Sơn cũng bày tỏ quan điểm và có những ý kiến tranh luận với Hoa hậu Quý bà Lê Phương, càng thổi bùng lên sự chú ý của dư luận.
Ban đầu, bên cạnh những người phản đối còn có lẻ tẻ một số ý kiến bênh vực cho sự non nớt và ngây thơ của Hoa hậu. Tuy nhiên, từ ngày 2/8, những người cuối cùng bênh vực cho Ý Nhi đã đồng loạt quay xe, ngay cả Hoa hậu Lê Phương cũng "không đỡ nổi". Ca sĩ Mỹ Lệ cũng "không gánh còng lưng được nữa". Rất nhiều nhân vật nổi tiếng như: NTK Đỗ Mạnh Cường, người mẫu Hồng Quế, ca sĩ Minh Quân cũng không thể ngồi yên mà công khai đề nghị BTC rút vương miện hoa hậu đối với người đẹp gốc Bình Định.
Tại thời điểm hiện tại, scandal của Ý Nhi là một trong những tâm điểm đáng chú ý nhất của dư luận, gần như không có bất kỳ scandal nào khác xen vào. Scandal này xảy ra sau khi cơn sốt mang tên "Blackpink" đã lắng xuống. Vì thế, ở thời điểm hiện tại, scandal của Ý Nhi đang mang tính duy nhất, lớn nhất, được quan tâm nhất và tăng tiến nhanh nhất sau từng ngày.
"Trước đây, cũng từng có một vài hoa hậu bị đề nghị rút vương miện như: Hoa hậu Thùy Dung (2008) vì học bạ giả, Hoa hậu Diễm Hương (vì nghi vấn đã kết hôn), Hoa hậu Đại Dương Lê Âu Ngân Anh (vì nghi vấn phẫu thuật thẩm mỹ)… nhưng chưa lần nào phản ứng của dư luận lại mạnh mẽ và thống nhất quan điểm như lần này.
Mức độ nghiêm trọng của vụ việc này nếu tiếp tục được đẩy lên cao trào, rất có thể hàng loạt các nhà tài trợ sẽ chấm dứt hợp tác với Sen Vàng – đơn vị tổ chức Miss World Vietnam 2023 và cũng là đơn vị đang quản lý Hoa hậu Ý Nhi, không chỉ trong cuộc thi này mà còn trong hàng loạt các cuộc thi và hoạt động kinh doanh sắp tới do đơn vị này thực hiện.
Bên cạnh đó, nếu Ý Nhi đại diện Việt Nam đi ra đấu trường sắc đẹp quốc tế có thể sẽ bị chính các antifan trong nước tẩy chay, không ủng hộ trong cuộc chạy đua bình chọn. Sẽ không BTC cuộc thi quốc tế nào dám trao giải cho một thí sinh gặp scandal ngay tại quê nhà. Thậm chí, các đồng hương của Ý Nhi tại Bình Định cũng đã và đang quay lưng với cô vì cảm giác "tràn ngập sự xấu hổ".
Sai lầm nối tiếp sai lầm!
Ths Lê Thị Thoa phân tích, hiện nay, nút thắt của các scandals liên tục xảy ra với Ý Nhi chính là cô liên tục phát ngôn trong khi cô không hề có năng lực kiểm soát phát ngôn của mình. Điều này xuất phát từ việc Ý Nhi thiếu kỹ năng, thiếu rèn luyện và có thể là thiếu cả một nền tảng tri thức tốt. Ngoài ra, BTC cũng chưa thực sự nhanh nhạy trong việc hỗ trợ phát ngôn, dự phòng rủi ro và kiểm soát truyền thông cho Ý Nhi sau đăng quang.
Nhà Sen Vàng hiện nay đang thực hiện các giải pháp: Livestream để Ý Nhi khóc giải thích; đưa ra lời xin lỗi; khóa bình luận trên trang của Sen Vàng cũng như trang cá nhân của bà Kim Dung; hạn chế/né tránh hình ảnh của Ý Nhi trên truyền thông; tiếp tục thương lượng với các nhà tài trợ... Bên cạnh đó, việc truyền thông về các hình ảnh thiện nguyện không phù hợp của Ý Nhi cũng là sai lầm trong kiểm soát đầu ra thông tin của Sen Vàng.
Tuy nhiên, dù đã nỗ lực nhưng những giải pháp này hiện nay chưa có bất kỳ hiệu quả nào, trong khi mỗi ngày Ý Nhi lại cho truyền thông và công chúng "lãnh đủ" những phát ngôn thiếu hàm lượng trí tuệ của mình. Vì vậy, nhà Sen Vàng giống như đang "thả gà ra để đuổi".
Từ thời điểm bắt đầu xảy ra những dấu hiệu đầu tiên của khủng hoảng đã 7 ngày trôi qua, nhưng scandal vẫn liên tục bùng nổ, lan rộng và đẩy lên cao trào hơn nữa và chưa hề có dấu hiệu dừng lại hay giảm nhiệt.
Có thể nói, khủng hoảng trên nền tảng trực tuyến của hoa hậu Ý Nhi sau đăng quang là một trong những scandal hiếm hoi đạt tổng số điểm tối đa cho 8 tiêu chí đánh giá mức độ khủng hoảng (40/40). Điều này cho thấy Sen Vàng cũng như những người làm truyền thông cho cuộc thi hoa hậu này đang thiếu nghiêm trọng các biện pháp ngăn ngừa và xử lý khủng hoảng truyền thông một cách đúng đắn và kịp thời.