Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố có hiệu lực từ 1/8. Nghị định quy định nhiều vấn đề trong đó có vấn đề chuẩn hóa trình độ chuyên môn cho cán bộ công chức xã. Theo đó, cán bộ xã ở tất cả các vị trí đều phải đạt trình độ đại học trở lên. Nếu không đạt phải tự đăng ký học chuẩn hóa bằng cấp, trong thời hạn 5 năm nếu không bổ sung thì sẽ bị xem xét cho nghỉ hưu sớm hoặc xét tinh giản biên chế theo quy định.
Trước thông tin trên, chị Nguyễn Thị Mai, (công chức ngành Văn hóa) ở xã vùng biển Hoằng Hóa (Thanh Hóa) tỏ ra khá lo lắng. Chị Mai chia sẻ, chị được tuyển dụng vào làm công chức 12 năm, ban đầu vào làm công chức ngành lao động, sau đó chuyển sang làm công chức ngành văn hóa.
Hiện nay trình độ của chị mới là cao đẳng, tới đây nếu yêu cầu bắt buộc công chức xã phải có trình độ đại học thì chị phải đi học nâng cao nghiệp vụ. Ở cái tuổi 45, thu nhập tháng chỉ được 5,4 triệu đồng (hệ số 3,03), giờ lại đi học thì không biết lấy tiền đâu sống, để nuôi con, để đi học. Đó là chưa kể công việc hiện tại của chị tại đơn vị rất bận, xin đi học không chắc lãnh đạo có đồng ý.
"Tôi nghe nói thời gian tới xã tôi có thể sáp nhập với một số đơn vị khác. Nếu sáp nhập xã phường thì những công chức như chúng tôi học xong không biết sẽ được bố trí công việc thế nào, thời gian đi học có được nhận lương không… chưa kể học xong đại học mất thêm 3-4 năm, lúc đó tôi đã 49 tuổi rồi?. Biết đâu học xong lại bị tinh giản biên chế", hàng loạt các băn khoăn được đặt ra trong đầu chị Mai.
Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, một lãnh đạo xã cho hay, ông ủng hộ việc chuẩn hóa trình độ đại học cho công chức cấp xã. Ông cho rằng việc này sẽ góp phần nâng cao chất lượng công chức, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan công quyền.
Tuy vậy, ông này cũng cho rằng, rất khó để có thể chuẩn hóa trình độ của tất cả công chức xã ở trình độ đại học. Lý do là bởi những người có trình độ đại học trở lên, nhất là những người trẻ có năng lực thường chọn vị trí, công việc có thu nhập cao, ở những nơi "sang" hơn.
"Công việc của một công chức xã khá phức tạp, vất vả vì phải tiếp xúc trực tiếp với dân. Vì vậy, không chỉ cần trình độ, chuyên môn mà cần cả sự nhiệt tình, hiểu dân nữa", ông này nói.
Thực tế, hiện nay các xã rất khó tuyển công chức đạt trình độ, lại đúng chuyên ngành cần tuyển. Trước đây đa phần công chức tuyển vào đi lên từ cán bộ không chuyên trách cấp tổ thôn, xóm. Trình độ chuyên môn hạn chế, sau đó vừa làm vừa học nâng cao. Hiện nay cán bộ công chức xã mới được tuyển dụng đáp ứng tốt hơn về trình độ chuyên môn, đa phần đều có trình độ cao đẳng, đại học.
Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, ông Bùi Sỹ Lợi – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội (nay là Ủy ban Xã hội) cho rằng Nghị định 33 đặt ra vấn đề chuẩn hóa trình độ chuyên môn (đại học) cho cán bộ, công chức cấp xã phường là rất tốt. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét thực tế liệu có khả thi.
Nghị định 33/2023/NĐ-CP chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2023. Ngoài nội dung quy định chuẩn hóa trình độ đại học cho công chức cấp xã, nghị định còn quy định nhiệm vụ cụ thể cho từng vị trí, chức danh lãnh đạo cấp xã; quy chế tuyển dụng; chế độ tiền lương; thời giờ làm việc… đối với công chức xã.
"Các xã phường lâu nay toàn cán bộ, công chức trình độ trung cấp, cao đẳng, đào đâu ra trình độ đại học. Nhất là ở các xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Người có trình độ đại học thì người ta tìm việc làm tốt, thu nhập cao làm, chẳng ai dại ở lại 'vác tù và hàng tổng' nếu có cũng rất ít", ông Lợi nói.
Từ thực tiễn đó, lãnh đạo địa phương cần phải linh hoạt, người có năng lực thì tuyển. Ưu tiên cán bộ không chuyên trách, người đã gắn bó với hoạt động, công tác địa phương, gần dân. Đương nhiên việc chuẩn hóa trình độ đại học cho cán bộ, công chức cấp xã là tốt nhưng cần có lộ trình và bước đi cụ thể.
"Vừa xóa được đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã phường thì nay lại đề ra tiêu chuẩn này chẳng khác nào tự làm khó mình. Yêu cầu công chức cấp xã, có trình độ đại học chẳng khác nào bảo 'con kiến mà leo cành đa… leo phải cành cụt leo ra leo vào'", ông Lợi ví von.
Ông Lợi cũng phân tích thêm, việc chuẩn hóa trình độ chuyên môn cho cán bộ phường cần có lộ trình, việc này nên lưu ý thực hiện trong quá trình tuyển dụng từ nay về sau. Còn việc yêu cầu cho thời hạn 5 năm để tự chuẩn hóa (đi học bổ sung bằng) nhiều khả năng sẽ gây "lợi bất cập hại".
Câu chuyện công chức tự chuẩn hóa trình độ chuyên môn cũng đặt ra nhiều câu hỏi, liệu 5 năm cán bộ đi học lấy bằng đại học, học xong thì bố trí công việc cho người ta thế nào? Trong 5 năm ấy ai làm việc thay, có trả lương cho họ hay không? Nếu trả lương thì ngân sách nào gánh nỗi, không trả lương thì công chức lấy tiền đâu ăn, tiền đâu sống, tiền đâu mà học… Một loạt các vấn đề được ông Lợi và các chuyên gia đặt ra.
"Tôi ủng hộ việc bỏ cán bộ không chuyên trách, nhưng theo tôi nên sắp xếp lại bộ máy nhân sự cấp xã phường. Nên tăng cường cán bộ huyện đang rảnh về xã phường làm việc", ông Lợi kiến nghị.
Ông Lợi cũng cho rằng, công chức xã khác với công chức các bộ ngành. Nhiều người có trình độ đại học chưa chắc đã làm được. Quan trọng phải có cái tâm vì cán bộ xã gần như phải "ăn cùng dân, ngủ cùng dân" làm việc gần như 24/24 giờ. Nếu không có tâm, không nhiệt tình thì không thể làm nỗi. Bởi vậy, ông Lợi kiến nghị, cần nâng chế độ phụ cấp lên cho nhóm đối tượng này để họ yên tâm công tác, cống hiến.