Tại hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo do Bộ Công Thương tổ chức tại TP.Cần Thơ vào hôm nay 4/8, bà Huỳnh Thị Bích Huyền - Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát kiến nghị kiểm tra lượng gạo tồn kho.
Theo bà Huyền, thời điểm này, thực tế gạo tồn kho, trữ lại ở các doanh nghiệp không được bao nhiêu.
"Hiện tại, giá gạo xuất khẩu tăng lên tới 620 - 660 USD/tấn, các doanh nghiệp vẫn bán được cho đối tác nước ngoài nhưng lượng lúa thực tế về doanh nghiệp không có nhiều, không được bao nhiêu".
Về nguyên nhân, bà Huyền cho hay, vụ lúa hè thu đã và đang thu hoạch bị ngập nước quá nhiều. Điển hình vừa qua, ở thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), doanh nghiệp không lấy lúa được. Ở Đắk Lắk, doanh nghiệp phải bỏ cọc, khiến sản lượng lúa về doanh nghiệp mất 70%. Còn hiện ở huyện Tri Tôn (An Giang), lúa cũng bị ngập khó mua.
"Toàn bộ lúa hè thu ở ĐBSCL, do mưa dầm kéo dài nhiều ngày, do đó chỉ có thể lấy được sản lượng 50% phục vụ xuất khẩu. Do đó, theo tôi, cần cân nhắc làm sao đảm bảo lượng dự trữ và bán ra ngoài với số lượng vừa phải" - bà Huyền nói.
Theo bà Huyền, trước đó, vụ lúa hè thu năm tuy bán chậm, nhưng tới tháng 11 giá gạo tăng cao, lúc này nhiều doanh nghiệp xuất bán. Đến vụ lúa đông xuân, doanh nghiệp tiếp tục xuất bán với giá cao hơn, cụ thể là từ 525 - 550 USD/tấn.
Ngoài ra, bà Huyền còn cho biết, đang có hiện tượng tàu của khách hàng Philippines vào cảng Mỹ Thới (An Giang) mua gạo từ các nhà máy xay xát, không thông qua doanh nghiệp, để đi tiểu ngạch qua Campuchia, tuồn ra ngoài.
Điều này rất khó cho nhà xuất khẩu chính ngạch. Vì vậy, bà Huyền đề nghị ngành chức năng kiểm tra lại thông tin trên xem có chính xác không, để tránh lượng hàng mất đi quá nhiều, không kiểm soát được.
Ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông (ORICO) cho hay, ông đã có nhiều năm qua tham gia thị trường và theo kinh nghiệm cho thấy, vấn đề lúa gạo đảm bảo an ninh lương thực trong nước trong thời gian tới là ổn. Tuy nhiên, ông cảm thấy lo lắng cho vấn đề cân đối cho xuất khẩu trong năm nay.
Theo ông Việt Anh, từ vụ lúa Đông Xuân, các hãng tin đáng tin cậy của Mỹ đánh giá tỉ lệ tồn kho trên tỉ lệ tiêu dùng của Việt Nam chỉ khoảng 11% trong khi đó mức an toàn khoảng 22%. Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đến thời điểm này thì con số chỉ còn 8,5%.
"Là doanh nghiệp tham gia lâu năm trong ngành lúa gạo, tôi thấy rất có cơ sở để có con số này, tức con số này là có thật" - ông Việt Anh nhấn mạnh.
Ngoài sự việc trên, theo ông Việt Anh, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL còn đang đối mặt với tình trạng nông dân bán sang tay quá nhiều (không bán trực tiếp cho doanh nghiệp - PV), cùng với câu chuyện giá lúa tăng từng ngày đã dẫn đến việc doanh nghiệp không lấy được hàng.
Tổng Giám đốc Công ty ORICO nói: "Khi các doanh nghiệp không có gạo giao, sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng. Trong chuỗi này, nông dân được khi giá lúa tăng nhưng doanh nghiệp không được hoặc thua lỗ quá lớn. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi rất mong cơ quan chức năng có biện pháp bình ổn thị trường".