Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp vừa ký Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2030.
Kế hoạch lần này yêu cầu đảm bảo hài hòa các mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, giảm mức tiêu hao các loại năng lượng (điện, than, dầu, khí đốt), tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai.
Theo đó, TP.HCM sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh; gắn tăng trưởng xanh với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn.
Đối với ngành nông nghiệp, TP.HCM xác định tăng trưởng xanh gắn liền với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền nông nghiệp, trên cơ sở chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu. Để làm được điều này, cần dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học và công nghệ hiện đại phù hợp với điều kiện thực tế của TP.HCM.
Theo Kế hoạch lần này, Sở NNPTNT TP thực hiện 9/17 mục tiêu tổng quát, 21/88 mục tiêu cụ thể với 93/409 nhiệm vụ. Trong đó, có nhiệm vụ, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiệu quả, bền vững, nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường và xây dựng cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn.
Thí điểm, nhân rộng các mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới thông minh, trong đó chú trọng về phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương hướng tới tăng trưởng xanh.
Khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình có chăn nuôi ở nông thôn sử dụng rộng rãi các nguồn năng lượng có khả năng tái tạo. Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản.
Đồng thời, TP.HCM yêu cầu trong quá trình thực hiện cần đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người trên địa bàn TP. Tăng đáng kể hiệu quả sử dụng nước trong tất cả các lĩnh vực, đảm bảo nguồn cung nước sạch bền vững nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước, giảm đáng kể số người chịu cảnh khan hiếm nước.