Nông dân TP.HCM sắp trồng cây dược liệu, nấm dược liệu, bán giống đi các tỉnh thành

Quang Sung Thứ năm, ngày 03/08/2023 14:15 PM (GMT+7)
TP.HCM định hướng phát triển giống các loại rau, cây dược liệu, nấm dược liệu, cây kiểng… theo hướng nông nghiệp đô thị, hướng đến cung cấp giống cho nông dân thành phố và các tỉnh khác.
Bình luận 0

Thực hiện chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021-2025, UBND TP.HCM đặt mục tiêu đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao đối với lĩnh vực trồng trọt.

Trong đó tập trung vào công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa và các công nghệ tiên tiến khác ứng dụng trong sản xuất giống cây trồng. Qua đó, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao về giống cây trồng; góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp có năng suất, an toàn và có sức cạnh tranh cao.

Đối với các giống rau, TP.HCM sẽ nghiên cứu, phục tráng, nhập khẩu và cung ứng giống rau mới có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng sâu bệnh và phù hợp với thị trường.

Nông nghiệp đô thị TP.HCM năm 2025 sẽ có cây dược liệu, nấm dược liệu - Ảnh 1.

Nông nghiệp đô thị TP.HCM chú trọng phát triển giống, những loại cây có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Quang Sung

Đến năm 2025, TP.HCM đặt mục tiêu sẽ chuyển giao 2-3 giống rau mới chất lượng cao, đẩy mạnh sử dụng giống cây con ươm sẵn, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị. Mục tiêu sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 400-450 tấn hạt giống các loại, đáp ứng cho 500.000-650.000ha gieo trồng/năm.

Đối với giống hoa, TP sẽ tiếp tục sưu tập, bảo tồn các giống hoa, cây kiểng bản địa làm nguyên liệu. Đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chọn tạo giống hoa, cây kiểng mới, trong đó tập trung giống hoa lan, hoa mai vàng, hoa nền đặc trưng có giá trị kinh tế cao.

Phấn đấu đến năm 2025, TP.HCM sản xuất giống lan tại chỗ cung ứng khoảng 15%-22% nhu cầu mở rộng diện tích hoa lan của TP và cung ứng cho thị trường khoảng từ 15-20 triệu cây giống/năm (chủ yếu lan cấy mô) đáp ứng khoảng 220-250ha canh tác.

Đến năm 2025, TP.HCM sẽ xây dựng ít nhất 2 bộ sưu tập gồm 150-200 giống cây dược liệu (bao gồm nhóm cây dược liệu phục vụ chăm sóc sức khỏe con người và nhóm giống cây dược liệu phục vụ lĩnh vực cây trồng, vật nuôi và thủy sản).

Nông nghiệp đô thị TP.HCM năm 2025 sẽ có cây dược liệu, nấm dược liệu - Ảnh 3.

Cải bồ công anh - một loại rau dược liệu tốt cho sức khỏe. Ảnh: Quang Sung

TP cũng tiến hành định danh giống, lưu giữ bảo tồn nguồn gen, chọn lọc giống cây dược liệu có năng suất, chất lượng cao đặc tính tốt, giá trị kinh tế cao phù hợp với khu vực phía Nam để nhân giống; sản xuất giống phục vụ vào sản xuất tại TP và các tỉnh thành khác. Đồng thời, TP.HCM sẽ nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học xây dựng hoàn thiện từ 3-4 quy trình nhân giống cây dược liệu có giá trị cao.

Đối với giống nấm ăn, nấm dược liệu (gọi chung là nấm), TP.HCM dự kiến xây dựng bộ sưu tập trên 20 giống nấm. Các giống này được định danh, lưu giữ bảo tồn nguồn gen để chọn lọc giống nấm có năng suất, chất lượng cao, đặc tính tốt, giá trị kinh tế cao. Mục tiêu đến năm 2025 TP.HCM sẽ hoàn thiện từ 2-3 giống nấm gốc có giá trị cao.

Riêng giống cây lâm nghiệp, TP đặt mục tiêu năm 2025 sản xuất trên 4 triệu cây giống/năm, trong đó khoảng 2-2,5 triệu cây giống lâm nghiệp cao sản, chất lượng cao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem