Giữa hai thời điểm từ cuộc gặp cấp cao đầu tiên đến cuộc gặp cấp cao thứ hai này là khoảng thời gian xảy ra nhiều biến động và xáo trộn dữ dội trong tình hình thế giới nói chung và tình hình ở Nga cũng như ở châu Phi nói riêng, tác động rất mạnh mẽ tới mối quan hệ hợp tác giữa Nga và các nước châu Phi. Nhân tố tác động chính và nguyên do chính ở đây là cuộc chiến ở Ucraine giữa Nga và Ukraine.
Cuộc chiến này giúp cho các quốc gia châu Phi càng thêm có giá trong chính sách và chiến lược của các đối tác bên ngoài. Nga và các nước trong khối Phương Tây đối địch nhau quyết liệt trên mọi phương diện. Mỹ và EU cùng một số đồng minh khác cạnh tranh chiến lược cũng rất quyết liệt và gần như trên mọi phương diện với Trung Quốc.
Tất cả các bên này đều có nhu cầu cấp thiết và lợi ích chiến lược trong việc tranh thủ các quốc gia châu Phi và phân rẽ các nước châu Phi với các đối tác bên ngoài khác. Các quốc gia châu Phi ý thức được về sự gia tăng vị thế của họ trong chính sách và chiến lược của các đối tác bên ngoài và tận dụng triệt để lợi thế mới này, nhưng đồng thời bị đẩy vào tình thế khó xử khi buộc phải quyết định lựa chọn đứng về phe nào hoặc tìm cách cân bằng quan hệ với Nga và với các nước Phương Tây.
53 quốc gia châu Phi tạo nên khối các nước lớn nhất trong quan hệ quốc tế. Hiện tại so với trước đây, các quốc gia châu Phi trở nên càng thêm quan trọng đối với Nga. Nhưng vì buộc phải dành ưu tiên hàng đầu và cao nhất cho cuộc chiến ở Ukraine và đối phó Phương Tây nên Nga không thể thực hiện được một số cam kết và thoả thuận của Nga với các quốc gia châu Phi tại cuộc gặp cấp cao lần trước. Nga trong tình trạng khó khăn hơn trước, các nước châu Phi có nhiều lợi thế - thời cuộc như thế làm chậm lại rõ ràng tiến triển của mối quan hệ hợp tác giữa Nga và các quốc gia châu Phi.
Cho nên tổng thống Nga Vladimir Putin kỳ vọng nhiều ở cuộc gặp cấp cao thứ hai này giữa Nga và các quốc gia châu Phi. Điều có thể dự đoán được từ trước là sự kiện năm nay không thể hài hoà và thành công được như sự kiện cách đây 4 năm. Chỉ có lãnh đạo cấp cao của 17 quốc gia châu Phi (năm 2019 có 43 vị) tới tham dự.
Phía các nước Phương Tây hả hê về điều này và về việc các quốc gia châu Phi tham dự cuộc gặp hối thúc ông Putin chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, chấp nhận sáng kiến của các nước châu Phi về giải pháp chính trị cho cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời khôi phục hiệu lực của thoả thuận về xuất khẩu ngũ cốc và lương thực bằng vận tải qua Biển Đen. Sau cuộc đảo chính quân sự vừa mới rồi ở Niger, phía Phương Tây càng phải coi trọng hơn trước việc tranh thủ các quốc gia châu Phi và phân hoá các nước châu Phi với Nga.
Tại cuộc gặp cấp cao lần này với các nước châu Phi, ông Putin phải chủ động tiến lại gần phía các quốc gia châu Phi để cuộc gặp đưa ra được tuyên bố chung. Những nội dung trong bản tuyên bố chung này có thể được coi là sự kiện đã thành công chứ không bị thất bại, không thành công vang dội như Nga kỳ vọng và không thất bại hay hữu danh vô thực như phía các nước Phương Tây mong đợi. Hai kết quả quan trọng nhất của cuộc gặp này là giữa Nga và các nước châu Phi vẫn tồn tại sự đồng thuận quan điểm và song trùng lợi ích sâu rộng cũng như khuôn khổ diễn đàn gặp gỡ cấp cao này đã được thể chế hoá thêm một bước rất cơ bản.
Ông Putin tung ra ba chiêu rất lợi hại ở cuộc gặp lần này. Ông Putin tuyên bố xoá nợ hơn 23 tỷ USD cho các quốc gia châu Phi. Xoá nợ cho các nước nghèo và chậm phát triển trên thế giới là vấn đề được cả nhóm G7 và G20 bàn thảo nhiều mà chưa giải quyết được. Ông Putin cho biết Nga sẽ cung ứng miễn khí khối lượng lớn ngũ cốc và lương thực cho những quốc gia châu Phi bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc thoả thuận ngũ cốc Biển Đen hiện không còn hiệu lực. Và ông Putin thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác quân sự giữa Nga với các nước châu Phi.
Thời cuộc hiện tại làm chậm lại đà tiến triển của mối quan hệ hợp tác giữa Nga và các quốc gia châu Phi. Nhưng cuộc gặp cấp cao vừa rồi giữa hai bên cho thấy sự chững lại này chỉ là nhất thời, không phải là bước ngoặt lớn.