Dân Việt

Ngăn chặn sâm lậu và bài toán bảo vệ nông dân trồng sâm (Bài 5)

Nhóm PV Điều tra 12/08/2023 09:57 GMT+7
Có thể thấy, với giá bán rẻ giật mình, sâm lậu khi về Việt Nam được "tẩy trắng" thành sâm chất lượng của Việt Nam gây lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng đến người tiêu dùng và trực tiếp là người nông dân trồng sâm.
Ngăn chặn sâm lậu và bài toán bảo vệ nông dân trồng sâm (Bài 5) - Ảnh 1.

Loại sâm trồng bên Trung Quốc được tìm cách nhập lậu về Việt Nam, đội lốt sâm Ngọc Linh giá rẻ

Sâm Trung Quốc có dư lượng thuốc BVTV cao

Như chúng tôi đã cung cấp tới bạn dọc ở các bài viết trước, tại tỉnh Vân Nam của Trung Quốc có vùng trồng sâm rộng lớn và họ gọi sản phẩm đang trồng là tam thất. Tuy nhiên, cây và củ tam thất này ở Trung Quốc lại có ngoại hình rất giống với sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu của Việt Nam.

Loại sâm trồng bên Trung Quốc được chăm sóc giống như các cây trồng khác, có ánh nắng trực tiếp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên cây sinh trưởng nhanh hơn, thân mập mạp, lá xanh tốt hơn.

Ngăn chặn sâm lậu và bài toán bảo vệ nông dân trồng sâm (Bài 5) - Ảnh 1.

Người quản lý vườn sâm ở Kim Bình (Vân Nam, Trung Quốc) nhổ sâm tại vườn cho phóng viên xem.

Trong quá trình tìm hiểu thông tin, chúng tôi được một đầu mối bán lẻ cho vài cây sâm Trung Quốc còn nguyên củ, thân, lá để dùng thử cho biết. Nhóm PV đã mang loại sâm này đi kiểm nghiệm tại một Viện nghiên cứu tại Việt Nam.

"Theo nghiên cứu của chúng tôi, hiện giống của một số loại sâm Việt Nam và sâm Trung Quốc là cùng một loài và chỉ trồng ở vùng khí hậu khác nhau thôi", một cán bộ của Viện này cho biết.

Theo vị cán bộ này, để xác định nguồn gốc sâm thì có thể nhận biết bằng mắt thường qua các đặt điểm của cây sâm (kiểu dáng, hình khối, thân, lá, củ, rễ, cành, hoa, mầu sắc…) và nhận biết bằng các chỉ tiêu qua kiểm nghiệm.

Ngăn chặn sâm lậu và bài toán bảo vệ nông dân trồng sâm (Bài 5) - Ảnh 2.

Kết quả cho thấy đối với các củ sâm mang về từ Trung Quốc có thành phần saponin nhưng không cao bằng sâm Lai Châu và kém nhiều so với sâm Ngọc Linh của Việt Nam.

Sau khi thực hiện kiểm nghiệm, kết quả cho thấy đối với các củ sâm mang về từ Trung Quốc có thành phần saponin nhưng không cao bằng sâm Lai Châu và kém nhiều so với sâm Ngọc Linh của Việt Nam. Nhưng điều đáng lưu ý là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở những củ sâm này. Đó là hoạt chất Chlorpyrifos vượt gấp 16 lần mức cho phép.

Trao đổi với Dân Việt, ông Cao Trung Hiếu – Phó Giám đốc Trung Tâm kiểm định và khảo nghiệm thuốc BVTV phía Bắc cho biết: "Chlorpyrifos là chất mà Việt Nam đã đưa ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam từ tháng 2/2019 và cấm tuyệt đối sau 2 năm. Do đó, thời điểm hiện nay khi phát hiện chất này vào Việt Nam thì coi là chất cấm".

Đối với chỉ tiêu kiểm nghiệm ADN, "kết quả phân tích dựa trên 2 chỉ thị phân tử gcpm 11 và gcpm 14 cho thấy, mẫu sâm là loài sâm Việt Nam, có quan hệ gần gũi với sâm Lai Châu".

Điều này khớp với những thông tin chúng tôi đã thu thập được, là các chủ vườn Trung Quốc đã tìm mua giống sâm Lai Châu về trồng và nhân giống thành công với môi trường, khí hậu ở Vân Nam. Nếu không ngăn chặn được nguồn sâm nhập lậu từ Trung Quốc, sẽ rất khó để người tiêu dùng phân biệt được sâm Trung Quốc có chất lượng thấp hơn với sâm Lai Châu hay sâm Ngọc Linh quý giá của Việt Nam.

Bảo vệ nông dân trồng "bảo vật của Việt Nam"

Chúng tôi trở lại vùng trồng sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Trên đường dẫn chúng tôi vào xã Trà Linh, (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam), cán bộ Phòng NNPTNT huyện chỉ vào những căn biệt thự trên đường giới thiệu, đấy đều là thành quả của việc trồng sâm Ngọc Linh. Chính vì vậy, bà con rất ý thức được việc giữ gìn vốn quý của thiên nhiên, đất trời ban tặng.

Câu chuyện sâm Ngọc Linh bị giả mạo thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường, gây bức xúc đối với bà con nông dân trồng sâm Ngọc Linh chân chính.

"Chúng tôi luôn có ý thức giữ gìn và bảo vệ nguồn giống sâm Ngọc Linh nên ít khi cho người lạ vào vườn sâm. Tuy nhiên, gần đây tình trạng mạo danh sâm Ngọc Linh bán với giá rẻ giật mình trên các trang mạng xã hội đã ảnh hưởng rất lớn tới người trồng sâm, nên đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý nghiêm, bảo vệ quốc bảo của Việt Nam", ông Hồ Văn Đuôi, Bí thư Chi bộ thôn 2, xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam nói.

Ngăn chặn sâm lậu và bài toán bảo vệ nông dân trồng sâm (Bài 5) - Ảnh 4.

Ông Hồ Văn Thể - Chủ tịch UBND xã Trà Linh huyện Nam Trà My tỉnh Quảng Nam, nơi có diện tích trồng sâm Ngọc Linh lớn nhất tỉnh Quảng Nam.

Ông Ngô Tân Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội sâm Lai Châu chia sẻ: "Để đầu tư trồng sâm ở Việt Nam hiện mất rất nhiều công sức chăm sóc, bảo vệ và chi phí cho giống".

Chi phí để trồng 1ha sâm khá tốn kém. Giá sâm đang bán trên mạng xã hội khiến chính người trồng sâm không thể tưởng tượng có thể rẻ tới mức giật mình như vậy. Theo ông Hưng, nếu không ngăn chặn sâm lậu từ Trung Quốc, chắc chắn những người nông dân trồng sâm ở Lai Châu, Kon Tum, Ngọc Linh, …sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Ở địa bàn Kon Tum, cũng đã xuất hiện tình trạng đem sâm nhập lậu về tận đây trồng để "tẩy trắng" nguồn gốc. 

"Chúng tôi ngoài lấy mẫu ở các hộ kinh doanh sâm tại huyện Đắc Tô còn phối hợp với một số xã nghi ngờ có người đưa sâm ở nơi khác về trồng. 

Kết quả mới đây khi xác minh, kiểm nghiệm cũng phát hiện có tình trạng đưa sâm nơi khác về trồng trong vườn nên chúng tôi đã thông báo cho chính quyền địa phương có biện pháp xử lý", ông Ngụy Đình Phúc – Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường Kon Tum cho biết.

Theo ông Phúc, việc một số cá nhân, tổ chức vì lợi nhuận trước mắt, nhập lậu sâm vào Việt Nam "tẩy trắng" thành sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu để trục lợi đã gây lũng đoạn thị trường, ảnh hưởng tới doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng sâm, đặc biệt là những người trồng sâm.

Ngăn chặn sâm lậu và bài toán bảo vệ nông dân trồng sâm (Bài 5) - Ảnh 8.

Ông Ngụy Đình Phúc – Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường Kon Tum. Ảnh NVCC

Trao đổi với Dân Việt, ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: sâm Ngọc Linh là một trong những loại sâm quý hiếm nhất thế giới, trong những năm qua, hiệu quả kinh tế đem lại từ việc trồng sâm Ngọc Linh là khá cao. Việc bảo vệ, gìn giữ uy tín, thương hiệu sâm Ngọc Linh có ý nghĩa quyết định để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh và của quốc gia.

"Do đó, nếu có việc mạo danh sâm Ngọc Linh đưa vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không những gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế, giá trị mà sẽ làm mất uy tín, thương hiệu sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam - là báu vật quốc gia) trên thị trường trong nước và quốc tế", ông Bửu khẳng định.

Ngăn chặn sâm lậu và bài toán bảo vệ nông dân trồng sâm (Bài 5) - Ảnh 7.

Những cây sâm Ngọc Linh ở huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) nhiều năm tuổi nhưng còi cọc hơn nhiều so với sâm Trung Quốc.

Để ngăn chặn tình trạng này, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 18/9/2017 về tăng cường công tác quản lý chất lượng sâm Núi Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh; Công văn số 5723/UBND-KTN ngày 30/8/2021 để quản lý tốt các dự án thuê môi trường rừng trồng Sâm Ngọc Linh và hoạt động trồng, khai thác gắn liền với hoạt động chế biến, kinh doanh sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời giao cho các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, quản lý, thanh tra kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, chế biến, kinh doanh sản phẩm sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các hoạt động mạo danh sâm Ngọc Linh.

Diện tích quy hoạch bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam là 15.568 ha, nhưng tổng diện tích rừng có trồng sâm Ngọc Linh là 456 ha. Trong đó, các tổ chức (doanh nghiệp, HTX,…) trồng được khoảng 35,4 ha, cá nhân (hộ, nhóm hộ) trồng được khoảng 420,6 ha (gồm 41 hộ, nhóm hộ có thuê môi trường rừng và hơn 2.500 hộ trồng rải rác tại huyện Nam Trà My). Năng suất ước tính khoảng 547 kg/ha (đối với loại sâm sau khi trồng được 5 năm tuổi).

Đối với Kon Tum, UBND tỉnh này cũng cho biết, diện tích rừng đã được trồng sâm Ngọc Linh đến hết năm 2022, có 1.165 hộ gia đình; 30 nhóm hộ, tổ liên kết sản xuất và 5 doanh nghiệp sản xuất Sâm Ngọc Linh với tổng diện tích đã trồng sâm Ngọc Linh là 1.749,3 ha với khoảng 29,9 triệu cây.

"Giá trị kinh tế của cây Sâm Ngọc linh rất cao, trồng 1 ha sâm Ngọc Linh sau 8 năm lợi nhuận có thể đạt trên 32 tỷ đồng, đây được xem là cây trồng xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số", lãnh đạo Sở NNPTNT tỉnh Kon Tum thông tin.

Do đó, việc bảo đảm "danh tiếng, chất lượng" của sâm Ngọc Linh là điều được tỉnh đặc biệt coi trọng. Tuy nhiên, việc quản lý nguồn gốc sâm Ngọc Linh còn gặp nhiều khó khăn.

"Hiện sâm Ngọc Linh chưa được công nhận là cây trồng chính/cây lâm nghiệp chính; chưa có phương pháp, quy trình giám định, xác định giống sâm Ngọc Linh so với các loài cây khác trong cùng chi Panax", đại diện Sở NNPTNT Kon Tum cho hay.

Ngăn chặn sâm lậu và bài toán bảo vệ nông dân trồng sâm (Bài 5) - Ảnh 9.

Công nhân đang chăm sóc vườn sâm giống một năm tuổi của công ty trồng sâm ở Lai Châu.

Hiện nay trên thị trường có nhiều loại sâm có hình thái rất giống sâm Ngọc Linh như: Sâm LangBiang; Tam thất hoang; sâm Vũ điệp ... nên rất khó khăn trong việc quản lý thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Để hỗ trợ, gỡ khó cho người nông dân, UBND tỉnh Kon Tum đã xây dựng phương án thí điểm trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đặc dụng kết hợp bảo vệ rừng bền vững trình Chính phủ cho phép làm thí điểm. Nếu được chấp thuận, có thể cấp chỉ dẫn địa lý cho người dân trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đặc dụng, đảm bảo dễ dàng truy xuất nguồn gốc, khẳng định uy tín, chất lượng của sâm Ngọc Linh với người tiêu dùng.

Cần có các giải pháp ngăn chặn sâm nhập lậu đội lốt sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu để bảo vệ người tiêu dùng, người nông dân.

Quyết định 611 ngày 1/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 với mục tiêu: Xây dựng và phát triển sâm thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y – dược và chăm sóc sức khoẻ, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trong đó, sản lượng sâm năm 2030 đạt 100 tấn/năm, diện tích khai thác 1000ha/năm. Dự kiến diện tích phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030: Quảng Nam hơn 8.000 ha, Kon Tum 8.180 ha, Lai Châu 3.000 ha, Gia Lai 800 ha, Điện Biên 500ha…

Ngày 10/8, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum đã cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" cho sản phẩm sâm củ của 2 doanh nghiệp. Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Cây sâm được cấp chứng nhận này sẽ được bảo vệ trước hàng giả, hàng nhái.