Xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu từng được xem là "thủ phủ" của nghề nuôi tôm công nghiệp ở địa phương. Nếu như trước đây, không khó để bắt gặp cảnh nhộn nhịp trên những cánh đồng khi người nuôi vào vụ thu hoạch. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại thì hoàn toàn ngược lại khi những ao nuôi bị bỏ hoang phế.
Là người có gần 20 năm kinh nghiệm trong nghề, ông Nguyễn Văn Lập (51 tuổi) - Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản Thành Công Mới chua chát nói, chưa bao giờ ông cảm thấy buồn cho nghề như hiện nay.
"Tôm sú loại 30 con/kg hiện có giá từ 105.000-110.000 đồng; loại 20 con/kg có giá khoảng 160.000 đồng (giảm 80.000-100.000 đồng so với năm trước); tôm thẻ loại 100 con/kg thì giá 75.000 đồng/kg (giảm từ 20.000-30.000 đồng so cùng kỳ), với giá này nông dân không thể có lãi nếu may mắn ao nuôi thành công", ông Lập nói buồn.
Ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Hậu có hơn 700 hộ nuôi tôm công nghiệp, nhưng hiện có khoảng 30% diện tích phải treo ao, các hộ khác nếu còn cầm cự nổi thì cũng phải giảm số lượng ao nuôi. Cũng như các hộ nuôi khác, gia đình ông Lập phải giảm từ 8 ao nuôi xuống còn 2 ao.
Ông Lập cho biết, nhiều năm trước, quân bình mỗi năm, gia đình ông có thu nhập trên dưới 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí, song ba năm trở lại đây ông phải chấp nhận thua lỗ sau mỗi vụ nuôi.
"Bốn năm trước, một ao nuôi tôm sú có diện tích 2.500m2, người nuôi bỏ ra khoảng 100 triệu đồng tiền đầu tư, khi thu hoạch thì còn lãi khoảng 50 triệu đồng/ao. Còn bây giờ, chi phí đầu tư một ao với diện tích như trên mất khoảng 220-250 triệu đồng, nhưng giá tôm hiện tại, nếu ao nuôi đạt thì nông dân chỉ thu về khoảng 100-120 triệu đồng, tức lỗ khoảng 100 triệu đồng", ông Lập nói và cho biết, hiện gia đình ông đang nợ đại lý thức ăn khoảng 600 triệu đồng, vay nóng bên ngoài 400 triệu đồng.
Không khá hơn so với tình cảnh của ông Lập, lão nông Trần Văn Khóa (56 tuổi) cho biết, giá tôm đi xuống ở các năm trước khiến ông giảm từ 7 ao nuôi của gia đình xuống còn 4 ao, hiện tại chỉ còn 2 ao, song cũng không thể duy trì tiếp trong thời gian tới.
"Giá thức ăn không bao giờ xuống, chúng chỉ tăng qua hàng năm, như năm rồi, thức ăn loại 25 kg/bao có giá 800.000 đồng, nay tăng lên 1 triệu đồng/bao", ông Khóa nói.
Ngoài việc không đảm bảo được cuộc sống hiện tại, gia đình ông Khóa còn phải đối mặt với cảnh kiện tụng của đại lý thức ăn khi số nợ hơn 300 triệu đồng chưa có trả.
Chủ tịch Hiệp hội Tôm Bạc Liêu Tạ Hoàng Nhiệm cho biết, giá tôm nguyên liệu đang thấp nhất trong vòng 10 năm qua. "Những hộ đã thu hoạch đang phân vân có nên thả nuôi tiếp hay không, còn hộ chưa thu hoạch thì khả năng lỗ rất cao, vì tôm kích cỡ càng lớn, lỗ càng cao", ông Nhiệm nói.
Nhìn nhận về giá tôm hiện nay, bà Quách Thị Thanh Bình - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng cho biết, dự kiến năm nay tỉnh thả nuôi tôm nước lợ khoảng 51.000ha, nhưng đến thời điểm này chỉ mới đạt hơn 70% diện tích, vì giá tôm giảm khiến người nuôi e ngại đầu tư thả giống.
Nói về thực trạng giá tôm hiện tại, ngành nông nghiệp ở các tỉnh miền Tây cho rằng, giá tôm xuống thấp là do tình hình xuất khẩu gặp khó khăn, trong khi lượng tồn kho càng tăng khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu tại các thị trường giảm.
Năm 2023, ngành tôm cả nước đặt mục tiêu diện tích nuôi khoảng 750.000 ha (tôm sú 610.000 ha, tôm thẻ 120.000 ha, còn lại là tôm càng xanh và tôm khác); sản lượng tôm các loại khoảng 1 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4,3 tỷ USD.
Song, với những gì đang diễn ra như hiện nay, không chỉ ảnh hưởng đến việc duy trì sản xuất của người dân mà còn tác động không nhỏ đến mục tiêu xuất khẩu tỷ đô mà các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng... kỳ vọng đối với lĩnh vực này.