Một ngày đầu tháng 8/2023, chúng tôi có dịp ghé thăm ngôi chùa Linh Sơn nằm lưng chừng núi Cà Đú thuộc thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận).
Đây là ngôi chùa thuộc phái Bắc tông và cũng là một trong những ngôi chùa cổ mà ngư dân miền biển ở Ninh Thuận xem như "mái nhà" che chở cho bà con trong vùng trước phong ba bão tố hàng trăm năm qua...
Từ tỉnh lộ 704, chúng tôi theo đường đất khoảng 300 mét dẫn vào chùa Linh Sơn nằm ngay nghĩa trang Cà Đú. Tại đây, có hàng nghìn ngôi mộ trải dài dưới chân núi, có mộ lẫn vào khuôn viên chùa Linh Sơn.
Vừa bước vào cổng chùa cổ, chúng tôi cảm nhận được vẻ bình yên, cổ kính của một ngôi chùa cổ. Anh Nguyễn Hữu Duy du khách đi cùng đoàn chúng tôi ngỡ ngàng cho biết, dù đã đi nhiều nơi và tham quan vãn cảnh ở nhiều ngôi chùa nhưng đây là lần đầu tiên anh có cảm giác thanh tịnh đến lạ thường.
Theo ghi nhận của chúng tôi, chùa Linh Sơn được xây dựng ở lưng chừng núi Cà Đú. Các công trình tại đây tuy đơn giản nhưng mang đậm kiến trúc Phật giáo, vừa trang nghiêm vừa hài hoà với cảnh đẹp thiên nhiên.
Theo sử liệu Phật giáo Ninh Thuận, chùa Linh Sơn được tổ Bảo Tạng xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 4 (1823). Thời điểm này, chùa chỉ là một thảo am nhỏ trong hang đá trên núi Cà Đú. Sau thời gian hành đạo, hóa độ chúng sanh nơi đây, tổ Bảo Tạng tiếp tục vân du nhiều nơi để khai mở đạo pháp.
Kế tục sự nghiệp của tổ Bảo Tạng tại chùa Linh Sơn có 2 thầy trụ trì là thầy Thích Thanh An và Thích Tấn Tâm. Trong đó, Hòa thượng Thích Tấn Tâm là người có công hoằng dương phật pháp và mở rộng chùa Linh Sơn.
Độc đáo nhật là những hang đá lớn được ngài xây dựng để làm nơi thờ tự, nơi ở và tu tập hàng ngày.
Lúc bấy giờ, ngài Thích Tấn Tâm ra sức đem giáo lý và tinh thần từ bi - hỷ xả - cứu khổ - cứu nạn của Phật giáo đến với đời sống sinh hoạt của người dân địa phương. Ngài cũng quy tụ nhiều lưu dân và vận động khai hoang đất đai, mở rộng sản xuất nông nghiệp.
Đến năm 1946, khi quân Pháp đổ bộ vào Ninh Thuận, chùa Linh Sơn trở thành một trong những địa chỉ tin cậy, che chở những người dân trong vùng yêu nước và cũng là nơi để thông tin liên lạc. Chùa cũng là nơi tiếp nhận lương thực từ người dân địa phương để nuôi bộ đội, tiếp tế lương thực cho căn cứ cách mạng trên núi Cà Đú.
Biết được sự việc, quân Pháp đã ra nhiều biện pháp, buộc sư trụ trì Thích Tấn Tâm phải bỏ chùa đi nơi khác lánh nạn nên chùa Linh Sơn lâm cảnh hoang tàn.
Ngôi chùa Linh Sơn cổ kính trên núi Cà Đú ở Ninh Thuận. T/h: Đức Cường
Trải qua 200 năm thăng trầm của lịch sử, chùa Linh Sơn đã được trùng tu ngày càng khang trang. Trong lần trùng tu mới nhất năm 1997, chùa được mở rộng thêm về hướng lên núi. Chánh điện tôn thờ Đức Phật Thích Ca, phần dưới thờ Đức Phật Di Lặc.
Bên phải chánh điện của chùa Linh Sơn tôn thờ địa tạng vương Bồ Tát, Hộ Pháp, Tiêu Diện. Bên trái là bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Ngoài ra còn có Tây lang dùng làm phòng khách và Đông lang là nhà tăng và nhà trù.
Đặc biệt, chùa Linh Sơn có 2 hang đá là dấu tích của sư tổ lập chùa năm xưa. Trong đó, có một hang lớn nằm sau phần chánh điện. Hang đá này từng nuôi giấu bộ đội trong thời chiến tranh. Nơi đây cũng chứng kiến cái chết của sư trụ trì Thích Tấn Tâm và 4 học trò trong cuộc thảm sát năm Mậu Thân 1968.
Hang đá còn lại nhỏ hơn và nằm bên ngoài chánh điện, nơi đây hiện đang được đặt bàn thờ phật để du khách và phật tử viếng chùa hành lễ, cầu an.
Hiện nay, chùa là mái nhà chung của hàng nghìn phật tử trong vùng núi Cà Đú và biển lân cận.
Sư trụ trì Thích Quãng Hậu (83 tuổi) cho hay, tuy còn nhiều khó khăn nhưng tiếng đại hồng chung chùa Linh Sơn vẫn đều đặn ngân vang 3 lần mỗi ngày. Định kỳ những ngày rằm, phật tử và du khách khắp nơi đều về chùa chùa tham quan, vãn cảnh, lễ phật rất đông...
Trải qua nhiều thăng trầm, chùa Linh Sơn hiện nay là điểm du lịch tâm linh có một không hai ở Ninh Thuận. Đứng ở chùa, du khách sẽ có dịp chiêm ngắm cảnh đẹp nên thơ và tận hưởng khí trời trong xanh lộng gió. Cảnh vườn nho, đồng lúa trải dài mênh mông ngút tầm mắt.
Du khách Phạm Minh Nhựt đến từ Vĩnh Long cho biết, đây là lần thứ 3 anh đến Ninh Thuận nhưng là lần đầu tiên anh biết đến chùa cổ Linh Sơn. Đến đây, anh cảm nhận được vẻ cổ kính, trầm mặc của ngôi chùa cổ.
"Cảnh chùa và thiên nhiên sơn thủy hữu tình nơi đây khiến gia đình tôi như trút bỏ mọi ưu phiền của cuộc sống. Chắc chắn tôi sẽ rủ bạn bè trở lại đây để tham quan, vãn cảnh chùa cổ….", anh Nhựt cho hay.
Theo ghi nhận của chúng tôi, từ chùa Linh Sơn, nếu du khách thích trải nghiệm thì có thể theo lối mòn dẫn thẳng lên núi Cà Đú cao 318 mét.
Tại đây, du khách sẽ được tìm hiểu về di tích lịch sử núi Cà Đú của Ninh Thuận.
Ngoài ra, du khách cũng được ngắm cảnh đẹp trong xanh của bãi biển Ninh Chử - Bình Sơn. Phóng tầm mắt xa hơn là đồng muối Phương Cựu, Đầm Vua và cánh đồng lúa vàng của huyện Ninh Hải. Thời điểm hoàng hôn chiều tà, những con đò xuôi mái Đầm Nại tạo nên cảnh đẹp hiếm nơi nào có được.
Trong thời kháng chiến chống Pháp và Mỹ, căn cứ núi Cà Đú có một vị trí rất quan trọng. Đây là địa bàn nằm giữa vùng bị tạm chiếm, gần dân nhất và cũng gần địch nhất. Mặc dù quân địch tìm mọi cách tiêu diệt nhưng các trận càn quét, bao vây, phản kích đều bị quân kháng chiến bám trụ ở núi Cà Đú đánh lui.
Chính sự đùm bọc của nhân dân quanh vùng đã tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ cách mạng núi Cà Đú và tạo nên các trận đánh "xuất quỷ nhập thần" trở thành huyền thoại thời kháng chiến.
Thầy Thích Quảng Hậu cho biết, vào năm 1960, ông là một trong những đồ đệ theo sư phụ Thích Tấn Tâm trở lại để trùng tu chùa Linh Sơn lần thứ nhất.
Thời điểm này, núi Cà Đú tiếp tục trở thành căn cứ cách mạng quan trọng để quân và dân Ninh Thuận chống Mỹ. Chùa Linh Sơn cũng là nơi nuôi giấu bộ đội trên núi.
Đến năm Mậu Thân 1968, quân Đại Hàn (đồng minh của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam) biết tình nghi chùa hoạt động cách mạng nên đã tấn công vào chùa. Cuộc tấn công đó đã bắt giữ và sát hại 5 thầy trò tại chùa Linh Sơn. Trong đó, có 4 nam và một nữ, Hòa Thượng trụ trì Thích Tấn Tâm cũng bị tử vong trong vụ này.
"Tôi may mắn thoát chết vì hôm đó đi học ở trường Bồ Đề ở Phan Rang – Tháp Chàm (nay là trường trung cấp phật học tỉnh Ninh Thuận).
Đến chiều, khi tôi trở về thì hay tin sự phụ và mọi người bị giết hạị. Từ biến cố đau thương này, chùa Linh Sơn lại tiếp tục đi vào hoang hóa và đổ nát lần thứ 2…", thầy Thích Quãng Hậu nhớ lại.