Dữ liệu của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam - VBMA tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 28/7/2023, có 21 đợt phát hành với tổng giá trị 12.680 tỷ đồng được ghi nhận trong tháng, trong đó có 14 đợt phát hành riêng lẻ và 7 đợt phát hành ra công chúng.
Nhóm ngành ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành 7.255 tỷ (chiếm 57,2% tổng khối lượng phát hành). Lãi suất phát hành của nhóm Ngân hàng ở mức 7% - 9%/năm và các nhóm ngành còn lại dao động trong khoảng 9% - 12%/năm.
Có 2 doanh nghiệp bất động sản tham gia phát hành trong tháng 7. Công ty TNHH Khu đô thị mới Trung Minh, từ ngày 14/7 – 17/7 đã phát hành thành công 3.000 trái phiếu mã TMCCH2328002, giá trị phát hành 300 tỷ đồng.
Lô trái phiếu được phát hành ở thị trường trong nước, có kỳ hạn 60 tháng, đáo hạn ngày 14/7/2028. Báo cáo của Trung Minh không công bố chi tiết lãi suất trái phiếu, tuy nhiên, theo dữ liệu từ HNX, trái phiếu TMCCH2328002 có lãi suất 12,5%/năm.
Doanh nghiệp bất động sản thứ hai phát hành trái phiếu trong tháng là CTCP Tập đoàn Taseco ngày 19/7 đã phát hành thành công 1.250 trái phiếu mã TASCH2325002, giá trị phát hành 125 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, lãi suất 12%/năm.
Ngoài ra còn có công ty TNHH Khai thác Khoáng sản Núi Pháo có 6 đợt phát hành với tổng giá trị 3.300 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 78.988 tỷ đồng, với 17 đợt phát hành ra công chúng trị giá 16.476 tỷ đồng (chiếm 20,9% tổng giá trị phát hành) và 63 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 62.512 tỷ đồng (chiếm 79,1% tổng số).
Các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 19.476 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 7. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 137.848 tỷ đồng (tăng 39% so với cùng kỳ năm 2022). Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 54% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng 74.629 tỷ đồng).
Trong phần còn lại của năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 141.209 tỷ đồng.
Gần 50% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với gần 70.140 tỷ đồng, theo sau là nhóm Ngân hàng với 25.811 tỷ đồng (chiếm 18% giá trị tới hạn).
Tính tới ngày công bố thông tin 28/7 thì trong tháng có 12 TCPH công bố chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu/chậm thanh toán mua lại trước hạn với tổng giá trị chậm thanh toán 10.228 tỷ đồng. 10 TCPH công bố phương án tái cơ cấu trái phiếu, trong đó 8 tổ chức công bố kéo dài kỳ hạn trái phiếu/ gia hạn thời gian thanh toán lãi trái phiếu và 2 tổ chức công bố phương án hoán đổi một phần trái phiếu sang tài sản khác.
Kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2023:
Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (VJC) đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 2.000 tỷ trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo với kỳ hạn 60 tháng. Lãi suất phát hành cố định tối đa 12%/năm cho 2 kỳ đầu và bằng LSTC + biên độ tối đa 3.5%/năm cho các kỳ còn lại.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ đợt 1 tối đa 20.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, kỳ hạn tối đa 5 năm. Trái phiếu dự kiến được phát hành trong năm 2023.
Ngoài ra, về thị trường trái phiếu sơ cấp, ngày 26/7, Kho bạc Nhà nước gọi thầu tổng cộng 6,000 tỷ đồng TPCP ở các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 20 năm với tỷ lệ trúng thầu đạt 81%. Tổng giá trị TPCP phát hành từ đầu năm tới nay là 208,729 tỷ đồng, tương ứng hơn 52% kế hoạch năm.
Về thị trường trái phiếu thứ cấp, giá trị giao dịch (GTGD) thị trường thứ cấp đạt 26,461 tỷ đồng trong đó GTGD thông thường (outright) trung bình ngày giảm 9% và GTGD mua bán lại (repo) trung bình ngày tăng 27% so với tuần trước. NĐTNN mua ròng 90 tỷ đồng TPCP trong kỳ.