TS Vũ Thế Dũng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM, CEO Thinking School Việt Nam, nêu quan điểm quanh ý kiến "thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT bóp chết môn toán" của GS.TS Nguyễn Hữu Dư, nguyên Chủ tịch Hội toán học Việt Nam kéo theo nhiều tranh cãi trong những ngày qua.
Ông Dũng nhấn mạnh, ông đưa ra ý kiến trao đổi trên tinh thần khoa học, không có ý chê bai các quan sát của GS Nguyễn Hữu Dư hay các ý kiến tương tự.
Dựa vào đâu để nói một môn học sống hay chết?
TS Vũ Thế Dũng cho biết, không chỉ môn toán mà ở một số môn khác cũng có những lo ngại tương tự. Có đại biểu đã chất vấn các môn vật lý, hóa học rất cần kỹ năng thực hành, thí nghiệm. Vậy thi trắc nghiệm làm thế nào để đánh giá được kỹ năng thực hành, thí nghiệm của học sinh?
Hay các môn ngoại ngữ như tiếng Anh, Pháp, Nga, thi trắc nghiệm làm sao đánh giá được các kỹ năng nghe nói, đọc, viết, giao tiếp của học sinh.
Theo TS Dũng, có 2 lo lắng trong các câu hỏi này, gồm: Thi tốt nghiệp THPT bằng hình thức trắc nghiệm làm thế nào đo được tư duy logic toán học, kỹ năng thực hành - thí nghiệm của các môn khác? Và thi tốt nghiệp THPT mà không hỏi hay kiểm tra các kỹ năng này thì học sinh sẽ không chịu học và vì thế sẽ không có các kỹ năng này.
Các câu hỏi trên là hoàn toàn đúng nếu đặt trong bối cảnh so sánh độ giá trị (validity) và độ tin cậy (reliability) của các phương pháp giảng dạy, đánh giá trong giáo dục với các chuẩn đầu ra của các môn học trong cả một tiến trình học tập từ cấp 1, 2, 3 và cả sau đó.
Nhưng các câu hỏi có thể không phù hợp khi nó chỉ quan tâm đến phương pháp đánh giá và không cân nhắc mục tiêu chính và các điều kiện tổ chức của kỳ thi tốt nghiệp THPT với hàng triệu thí sinh mỗi năm.
Nghĩa là, để học sinh có kỹ năng tư duy toán học, thực hành - thí nghiệm trong vật lý, hóa học, sinh học, thực hành giao tiếp với môn ngoại ngữ thì cần ít nhất 3 yếu tố gồm nội dung, phương pháp giảng dạy và phương pháp đánh giá.
Cả 3 phải đáp ứng các yêu cầu này trong suốt quá trình học từ nhỏ đến lớn chứ không chỉ dừng ở phương pháp đánh giá (hay kỳ thi).
Như vậy các câu này cần hỏi "Trong chương trình từ cấp 1, 2, 3 có dạy tư duy logic, thực hành, thí nghiệm hay không? Phương pháp dạy những thứ này là gì? Có phù hợp không?" rồi mới tới câu hỏi "Phương pháp đánh giá có đánh giá những kỹ năng này không? Cách đánh giá có phù hợp không?"
Khi chỉ hỏi về phương pháp thi, người hỏi có thể đang giả định rằng các kỹ năng như tư duy logic của toán, thực hành thí nghiệm của các môn khác đã được giảng dạy với phương pháp và nội dung phù hợp, nên nếu học sinh không có các kỹ năng này là do kỳ thi không tốt. Đây là một giả định cần nghiêm túc xem xét.
Mặt khác, để đánh giá đạt độ tin cậy và độ giá trị (cách nói thông thường nghĩa là chính xác) thì phải đánh giá nhiều lần, nhiều nội dung và đánh giá bằng nhiều hình thức khác nhau.
Nghĩa là để đảm bảo biết được học sinh có năng lực tư duy logic toán học hay kỹ năng giao tiếng Anh văn hay không thì phải đánh giá nhiều lần, bằng nhiều hình thức khác nhau (như kiểm tra 15 phút, kiểm tra đầu giờ, thuyết trình, quan sát thực hành, quan sát giải bài tập, tự luận, trắc nghiệm, mô phỏng…) và thực hiện trong suốt quá trình học.
Việc này các trường phổ thông và các thầy cô giáo đã và đang làm từ rất lâu. Học sinh muốn đủ điều kiện thi tốt nghiệp THPT thì đã phải vượt qua rất nhiều bài kiểm tra, đánh giá trong lớp trong suốt 12 năm học.
Những thứ này mới là nền tảng chính khiến cho học sinh có kỹ năng hay không và môn học "sống hay chết".
Tư duy logic không chỉ phụ thuộc vào các kỳ thi
TS Vũ Thế Dũng nhấn mạnh, không có một kỳ thi nào, một mình nó, có thể đảm bảo đánh giá đầy đủ và chính xác tất cả các chuẩn đầu ra của các môn học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng thế, chỉ nên coi đây là một kỳ sát hạch cuối cùng, tập trung vào đánh giá kiến thức nền tảng rộng của hàng triệu thí sinh.
Trắc nghiệm có ưu thế kiểm tra một khối lượng kiến thức bao quát mà tự luận khó thực hiện; kết quả khách quan, chuẩn hóa và so sánh được; chi phí triển khai thấp hơn rất nhiều so với tự luận hay hình thức khác (như thực hành hay vấn đáp trong thi ngoại ngữ).
Việc học sinh có hay không có tư duy logic, kỹ năng thực hành, thí nghiệm không chỉ phụ thuộc vào các kỳ thi mà còn phụ thuộc rất lớn vào nội dung, phương pháp giảng dạy trong suốt 12 năm học.
Theo ông Dũng, cũng cần hỏi, chúng ta đã chuẩn bị nội dung và dạy tư duy logic toán cho các thế hệ học sinh như thế nào? Đã có nghiên cứu nào hay bằng chứng nào cho thấy tư duy toán của các thế hệ trước đây (thi tự luận) tốt hơn các thế hệ thi tốt nghiệp THPT bằng trắc nghiệm? Có chắc rằng quay lại thi tự luận như trước thì tư duy toán của triệu triệu thí sinh sẽ tốt hơn?
Trước giả định cho rằng thi trắc nghiệm không thể đo được tư duy logic, tư duy phản biện, tư duy toán học, ông Vũ Thế Dũng cho hay đúng là các câu hỏi trắc nghiệm thường dùng để đo các mức nhận thức ở bậc thấp của thang Bloom như nhớ, hiểu, ứng dụng.
Tuy nhiên, điều đó hoàn toàn không có nghĩa là hình thức thi trắc nghiệm bó tay, không đo được các bậc cao hơn như logic, phân tích, đánh giá, phản biện.
Các bài thi như SAT (1 dạng bài thi tốt nghiệp THPT), GMAT (thi đầu vào các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ về quản trị kinh doanh), GRE (thi đầu vào các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ về khoa học và kỹ thuật) đều sử dụng hình thức trắc nghiệm và các đề thi này đầu tập trung đo lường kỹ năng tư duy logic, phân tích, phản biện, đánh giá.
Nếu thi tự luận, môn toán cũng không vì thế mà "huy hoàng"
Trước băn khoăn "thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT bóp chết môn toán", TS Vũ Thế Dũng cho rằng, không một kỳ thi nào có thể, một mình nó bóp chết môn toán. Và ngược lại, nếu chuyển về thi tự luận thì môn toán cũng không vì thế mà huy hoàng.
Môn toán hay bất kỳ môn học nào cũng sẽ sống vì nó đáp ứng tốt nhu cầu cuộc sống, nó được biên soạn và giảng dạy khoa học và được tổ chức thi cử khoa học. Trong 3 yếu tố này, với ông Dũng thì yếu tố thứ 3 là ít quan trọng nhất.
Nhìn sang môn tiếng Anh, tin học, thi trắc nghiệm cũng không thể "giết chết" chúng vì nhu cầu cuộc sống bức thiết. Nhà trường dạy không hay thì xã hội sẽ bù lại. Sức sống nằm ở đó.
Môn toán cần cho mọi người, mọi ngành nghề, lứa tuổi. Vậy ai/cái gì có thể bóp chết nó? Theo TS Vũ Thế Dũng, chỉ có thể chính nó với nội dung và phương pháp lỗi thời bóp chết chính nó.
Đó là khi nội dung học toán 12 năm không giúp học sinh làm được một báo cáo bán hàng cơ bản hay 12 năm học văn không giúp học sinh viết một tờ đơn xin việc thuyết phục hay nói năng rõ ràng, trọng tâm, có chứng cứ thuyết phục.
Bởi vậy, thay vì quy kết "cái chết" của môn toán cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Dũng cho hay nên trả lời các câu hỏi như: Làm thế nào để học sinh có được tư duy logic toán học, tư duy phản biện? Vì sao toán cần cho mọi người, mọi nghề, mọi lúc, mọi nơi mà môn toán lại sợ bị bóp chết? Làm sao 1 kỳ thi có thể bóp chết được nó?
Và làm thế nào để môn toán sống mạnh khỏe trong đời sống xã hội?